Chơi chữ - nghệ thuật truyền thống đáng quý!

Chơi chữ là một thi pháp cổ xưa có ở mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia. Là biểu hiện của trí tuệ, sự giàu có về vốn sống, vốn từ ngữ nên nó nghiêm túc, mực thước (ở vẻ bề ngoài) nhưng đồng thời lại là sự hạ bệ, cười cợt nhờ phẩm chất hài hước biết phát hiện những mâu thuẫn đáng cười của sự vật, hiện tượng (ở phía bên trong, bản chất).

Dân gian chơi chữ rất thú vị: “Đi tu Phật bắt ăn chay/ Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không” là cách chơi chữ khác âm đồng nghĩa (thịt chó/ thịt cầy). Hay “Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” là cười vui đồng âm khác nghĩa (lợi/ lợi). Thơ thời Hồng Đức bắt đầu có ý thức chơi chữ Nôm nhưng mới dừng lại ở ngẫu hứng vui vẻ khi tả sự vật cho thêm phần ngộ nghĩnh: “Đá ấy xương, cỏ ấy lông/ Trời Nam đứng giữa gọi Nam công/ Múa vai bóng rợp dân muôn họ/ Giương cánh nâng phò nước chín trùng/ Lóng lánh kiền khôn thế giới/ Xênh xang xuân hạ thu đông/ Đành hay là giống trời sinh cỏ/ Ngỏng cổ chầu về đất tổ tông” (Núi Nam Công). Tả núi có tên công (chim) thì dùng các chữ chỉ bộ phận: xương, lông, vai, cánh, cổ. Hầu hết các vở chèo cổ đều sử dụng lối chơi chữ. Trí tuệ, hài hước dân gian đi vào mỹ học sân khấu tỏa ra những ánh xạ văn hóa mới. Đây là chỗ bất ngờ của sự hóm hỉnh trong vở “Từ Thức”:

“Từ Thức: Cô tiên ở động thứ chín đấy!
Hề: Ô, thế ra ở gần động bu nó nhà cháu đấy!
Từ Thức: Bu nó nhà mày ở động nào?
Hề: Dạ… dạ… ở động cỡn ạ!”.

Tranh minh họa cảnh Nguyễn Công Trứ chơi (chữ) ngông với đời.

“Động cỡn” là từ thông tục chỉ một trạng thái hưng phấn (thường nói về luyến ái/ dục tính) của nam nữ được “hề” chơi chữ để bật ra cái ý có là “tiên” cũng “động cỡn” như thường. Trong chèo “Kim Nham” nhân vật thầy Bèo khấn: “Cóc chết để ngóe mồ côi/ Ngóe ngồi ngóe khóc than ôi chẫu chàng/ Ễnh ương đánh vỡ nồi rang/ Để cho chàng lại chạy sang bắt đền/ Chuộc, chuộc... chẳng chuộc thì thôi!” thì trong mỗi câu đều có một con vật họ hàng gần gũi nhau (cóc, ngóe, (chẫu) chàng, ễnh ương, (chẫu) chuộc). Ở đây là chơi chữ đồng âm “chẫu chàng” (con vật) và “chàng” (là người chồng), con “chẫu chuộc” (danh từ) và “chuộc” (động từ). Trong “Lưu Bình - Dương Lễ” là những lời đùa vui của anh hề: “Không ăn thì thôi, cho năm tiếng mõ lấy hơi mà về, gọi là có hơi ngũ cốc”. Anh mõ chơi chữ “ngũ cốc” được hiểu là “năm” tiếng “cốc” tức âm thanh của mõ. Còn “ngũ cốc” từ Hán Việt chỉ năm loại lương thực... Vượt lên trên sự chơi chữ thông thường là sự sáng tạo trí tuệ, vui vẻ, cười cợt không giới hạn, không có vùng cấm của tiếng cười dân gian.

Chơi chữ sinh động, tài hoa hơn trong văn chương bác học. Giai thoại kể Chiêu Hổ trêu Hồ Xuân Hương qua lối chơi chữ chiết tự: “Người cổ lại còn đeo thói nguyệt/ Buồng xuân chi để lạnh mùi hương”. Theo Hán tự thì chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt” thành chữ “hồ”. Câu thơ dí dỏm, tinh quái vừa gọi tên nữ sĩ vừa làm bật ra cái tính cách có phần lẳng lơ (đeo thói nguyệt) nhưng đang trong hoàn cảnh cô đơn, trống vắng (lạnh mùi hương).

Cái gốc vững vàng, chắc chắn của cây đại thụ Nguyễn Công Trứ có những chùm rễ khỏe mạnh cắm sâu vào văn mạch dân gian để hút dinh dưỡng văn hóa. Thơ ông giàu sức sống, gần gũi với tư duy và tâm hồn người Việt vì có điểm tựa là những thành ngữ, tục ngữ. Chỉ ví dụ qua một bài “Trò đời”: “Một lưng một vốc kém chi mô/ Cho biết chanh chua khế cũng chua/ Đã chắc bữa trưa chừa bữa tối/ Mà tham con giếc tiếc con rô/ Trăm điều đổ tội cho nhà oản/ Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa/ Khó bó cái khôn còn nói khéo/ Dầu ai có quấy vấy nên hồ”.

Bài thơ hình thành trên lối chơi chữ dựa trên các thành ngữ “Một lưng một vốc” và các tục ngữ “Chanh chua thì khế cũng chua”; “Chắc bữa trưa chừa bữa tối”; “Tham con giếc tiếc con rô”; “Trăm điều đổ tội cho nhà oản”; “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”; “Cái khó bó cái khôn”; “Có quấy mới vấy nên hồ”.

Tiếng cười Nguyễn Công Trứ là sự kết tinh chất trí tuệ bác học cá nhân và cái hóm hỉnh khỏe mạnh, láu lỉnh sắc sảo và có cả cái thông tục suồng sã của văn hóa dân gian. Có giai thoại, đang đường đường là quan Thượng thư Tổng đốc, Nguyễn Công Trứ bị giáng xuống làm chức Lang trung trong dinh Tuần phủ An Giang. Một người hỏi chức “Lang trung” là thế nào? Ông giải thích: “Lang” có nghĩa là chồng. Có ba vợ nhưng ông chồng nọ chẳng may chết sớm. Bà vợ đầu ôm đầu chồng khóc: “Ô hô! Lang thủ” (Ôi! Cái đầu chồng tôi!). Bà hai ôm chân kêu: “Ai tai! Lang túc” (Ôi! Cái chân chồng tôi!). Chẳng có chỗ nào “bấu víu”, bà ba đành ôm “khoản giữa” nức nở: “Y hi! Lang trung” (Ôi! Cái “giữa” chồng tôi!). Ông khôi hài kết luận: “Lang trung” là như vậy!… Gạt lớp muối hài thì hạt nhân của câu chuyện là quan niệm công danh chức vụ cũng chỉ như cái “khoản giữa” ấy mà thôi! Một lối chơi chữ ngộ nghĩnh nhưng bật ra được cả một nhân cách lớn!

Một cảnh trong vở “Từ Thức”.

Là một bậc đại Nho, dưới cái nhìn Nguyễn Khuyến, những ông nghè, ông cống, ông tiến sĩ danh cao vọng trọng đủ cả cờ biển, mũ áo vua ban những tưởng sẽ đem tài học ra giúp nước, giúp dân nhưng thực chất cũng chỉ là một thứ đồ rởm, một thứ đồ chơi mua vui cho thiên hạ: “Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi” (Tiến sĩ giấy). Đó là đám vua quan có vẻ uy nghi, đường bệ nhưng lại đám trò mua vui với “vua chèo”, “quan nhọ” chẳng “khác chi thằng hề”. Đó là những ngày “hội thăng bình” vui vẻ trong cảnh “pháo reo” với “cờ kéo”, “đèn treo”, “bơi chải”, “hát chèo”, “đánh đu”, “leo cột mỡ”... Nhưng “vui thế bao nhiêu” lại “nhục bấy nhiêu”…

Thơ Yên Đổ hóm hỉnh mà trí tuệ nhờ những mâu thuẫn bất ngờ: “Ăn mày chớ có ăn tao nhé!”. “Mày”, “tao” đều là đại từ chỉ thị, nhưng “ăn mày” lại là danh từ chỉ nghề nghiệp mưu sinh. Một cách chơi chữ động từ “ăn tao” với danh từ “ăn mày” nhưng thẳm sâu đắng đót một nỗi đau sâu sắc về kiếp con người: nghèo đến mức phải chịu nhục mà đi ăn mày, nhưng rồi liệu còn có thể xin ăn được mãi(!?). Đó là những mâu thuẫn nằm ngay trong nội dung của đối tượng cười.

Nhà thơ mỉa cái loại gái bám lấy Tây, theo Tây là theo loài “quỷ sứ”: “Cái gái đời này, gái mới ngoan”. “Ngoan” nên “quyết tình ẩu chiến với Tây đoan”. “Ẩu chiến” là lối chơi chữ mỉa bằng cách nói ngược. Nhà thơ chửi thâm thúy một mụ Tư Hồng vừa theo Tây vừa lừa lọc (buôn gạo lậu, bị bắt thì nói dối là đi phát chẩn) qua câu đối: “Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh/ Nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người”.

Câu đầu chửi đối tượng được dựa vào gần như nguyên văn thành ngữ trào phúng: “Làm đĩ có tàn, có tán, có hương án thờ vua”. Cũng gần như nói thẳng: mụ là đĩ! Thế mà mụ lại được ban tặng nọ kia (triều đình tặng mụ Tứ phẩm cung nhân) thì kẻ ban tặng cũng chỉ xứng mang tư cách “đĩ” mà thôi (!). Tương truyền, trong buổi Tư Hồng về làng khao, Nguyễn Khuyến mừng câu đối rất ác: “Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn/ Trăm năm danh tiếng của bà to”. Ác ở chỗ đối “của bà” (danh từ sở hữu chỉ bộ phận cơ thể) với “hàm cụ” (còn có thể hiểu là “hàm răng”): “Hàm” cụ lớn nhờ “của” bà to. Nhờ con nên bố đẻ cũng được triều đình phong “hàm”!!!

Nhà trào phúng có lối chơi chữ nói lái rất tài. Mụ me Tây nọ giàu có lại hợm hĩnh xin câu đối. Ông bèn cho ba chữ “Chi chi dã!” bằng chữ Hán. Mãi sau mới có nhà Nho giải thích rằng đó là câu chửi bằng cách “lái âm”: “Cha cha đĩ!”. Có người ra vế đối: “Nhắc mồi câu thả xuống Cầu Môi”. Hiểm ở cách nói lái “mồi câu” (danh từ) và “Cầu Môi” (danh từ riêng). Nguyễn Khuyến đối lại ngay: “Đem đố cổng nhét vào Cống Đổ” cũng tuân theo cách nói lái (“đố cổng” là những thanh gỗ ngang dọc liên kết với nhau để cánh cổng chắc chắn). Cống Đổ và Cầu Môi đều là địa danh có thật. Kể ra chữ “thả” đối với chữ “nhét” thì chưa chuẩn nhưng trong văn cảnh toàn câu thì đây vẫn là câu đối hay, chưa thấy ai vượt qua(?).

Như vậy phép chơi chữ làm câu văn sinh động, hoạt bát nhờ lấp lánh chất muối hài mặn mòi ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Ngoài tiếp nhận thông tin, người đọc còn được thưởng thức chất trí tuệ, vốn học vấn, sự liên tưởng... Trong dòng chảy cuộc sống hôm nay chơi chữ vẫn đang được sử dụng như một phương tiện gây cười khỏe khoắn (đấu tranh/ tránh đâu; đầu tiên/ tiền đâu…) nhưng trong văn chương (cả sáng tác và nghiên cứu, phê bình) lại ít được chú ý. Đó cũng là một lý do để văn chương xa đời sống, khô khan bởi thiếu một sự hấp dẫn, dí dỏm. Phải chăng đây là điều nên được khắc phục!?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/choi-chu-nghe-thuat-truyen-thong-dang-quy--i691711/