Chơi cùng cầu vồng

Tôi hết đát có nhẽ được gần chục năm rồi. Hiện nay đang ro re rụt rè đặt một chân vào tuổi tám mươi. Ở cái tuổi 'nhân sinh thất thập cổ lai hy' chỉ có ở thời cụ Đỗ Phủ thôi. Ngày nay đang là thời @ trẻ trung tươi mới. Chết nỗi, xưa rồi nhé. Đây là thời bốn chấm không mới cong. Thời tân tiến của đỉnh cao trí tuệ nhân tạo.

Con người ngày nay muốn đi xa, không cần phải xem ngày đại cát, xem giờ hoàng đạo tốc hỷ. Ra cửa gặp gái, không phải quay lại nhà kiếm tờ giấy xòe diêm đốt vía. Làm như thế lạc hậu quá con lạc đà bắc Phi.

Hiện tại, trên thế giới, mức sống con người tại các quốc gia đang phát triển, đã ở mức cải thiện đáng kể. Không hề hiếm những cụ ông sống trên 70 tuổi mà trông như tráng niên. Thậm chí có cụ trên 80, 90 da thịt đỏ au như ngâm trong rượu hồng đào. Họ vẫn sống khỏe, sống đẹp, sống có ích. Yên tâm đi. Nhé. 94 tuổi vẫn thừa sức lấy vợ 27.

Tôi nhìn cái mặt mình trong gương, chưa thấy mốc meo dúm dó như quả táo tàu. Hôm nay chưa rách chưa nhàu nhưng nay mai chắc sẽ khô quắt khô queo. Mà thôi, tôi vẫn nghĩ mình còn đủ thì giờ tý tởn cà phê cà pháo, tụ bạ bạn bè, chuyện trên rừng dưới biển đầy đủ cả. Nói thế cho vui, chứ chả biết thế nào, trong dân gian người Việt nói câu này, “người tính không bằng trời tính”.

Có một nhà văn người đồng hương, là bạn cực thân, khuyên tôi. “Anh ạ. Tuổi 60 người ta tính tháng, tuổi 70 người ta tính ngày, tuổi 80 người ta tính giờ… Anh nên giữ mình như giữ ngọc”. “Ôi dào! Sống chết có số cả. Nhà có số nhà. Đường có số đường. Nhỏ như điếu thuốc lá cũng còn có số. Con người ai ai cũng có số. Mỗi người là một điếu thuốc lá. Kệ nó, cháy tới đâu hay tới đó”.

“Anh còn phải sống lâu sống dài nhiều năm nữa. Sống vì người khác. Vì thằng đít nhôm Đu Đủ còn quá bé chẳng hạn. Vì con Anh Sa đi du học chưa về chẳng hạn. Vì cái Kiu cái Kin chưa thi đại học chẳng hạn… Anh nghe em đi. Một thời vì người khác mà anh cầm súng đánh giặc. Vì người khác mà anh sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình”.

“Nghe chú nói làm anh hãi. Cứ như sắp tiêu đời đến nơi rồi. Còn lâu nhé. Khổ mấy anh vẫn phải sống. Sống vì người khác như chú nói. Cống hiến sức lực cho người khác như cuộc đời nói. Thực ra chẳng phải người khác đâu. Ví như thằng đít nhôm là máu thịt của con mình. Mà bố nó là do mình đẻ... À mà quên, con mình do vợ đẻ ra. Ha ha…”.

“Suy đi tình lại chẳng bà con chi, chứ gì, đúng không. Em biết tính anh. Không buông đùa không chịu được. Đùa vui để quên đi nỗi khổ làm người. Bộ môn hý kịch chắc cũng vì thế mà hình thành”.

Hạnh phúc tuổi già.

Đúng như vậy mà. Ngay khi bắt đầu sinh ra, con người đã biết trước làm người sẽ khổ. Tiếng khóc chào đời chính là báo hiệu điều đó. Bởi vậy, trời cho sống ngày nào biết ngày đấy. Nay khỏe khoắn hoành tráng trông như thanh niên mười bảy, biết đâu mai ốm đau, kia dặt dẹo như dây mướp héo thì sao. Đội ơn đức sáng thế chủ và nhờ hồng phúc tổ tiên cho con hít thở đến tận hôm nay, thế là vui mừng lắm rồi.

Vào tuổi này, chẳng còn mấy người ham hố làm thêm việc này việc khác, đặng giúp con cháu đồng ra đồng vào. Có số ít một vài nhà văn vẫn còn dư sức. Họ suốt ngày ngồi trong phòng chăm chú đọc. Sách được bạn bè tặng chất đầy cả gian nhà. Bây giờ mình không đọc thì ai đọc. Lại có người cặm cụi viết hồi ký, kể lại quá trình sinh ra, lớn lên, già đi. Còn tôi. Tôi tự dặn mình xuất thân từ dân áo ngắn tới rốn. Cả mấy chục đời cha ông quen sống, quen cấy trồng trên lưng núi đá vôi. Cả mấy chục đời người làm bạn với con dao cái cuốc, có gì mà viết. Thôi. Cứ để tùy duyên, tùy phúc đức mà làm.

Nghĩ cuộc đời người cầm bút, lắm phen cay từ chân lên tít đỉnh đầu. Còn đắng ngắt thì nhiều vô kể. Sờ đâu cũng thấy đắng. Ta cần ghi lại cho con cháu đọc. Để chúng nó hiểu nghề văn của ông mình bạc bẽo ngần nào. Tuy rằng bạc bẽo thật đấy, nhưng sao có lắm người đâm đầu vào làm cái việc cạo giấy.

Ờ thì ngoài văn chương ra, nói thật, tôi còn biết làm gì. Lại có người mong có tý giải này, giải nọ làm mát mặt với làng. Lạy cụ, nếu được giải mà thành ông nọ bà kia thì đã thành rồi. Nổi tiếng như sấm như sét thì đã nổi rồi. Nay đang “hiu hắt” cầm sổ chính chủ, mọi thứ trở nên lống loáng vô tích sự. Gọi hưu trí cho vui cho sang, thực ra là những ngày chờ chết. Dù có làm đến chức to bằng giời, chức nhỏ bằng hạt tiêu, cũng đừng cố làm chuyến tàu vét cuối cùng. Không ăn thua gì đâu.

Khối ông quan tham, “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ. Tôi đi trước nhé”. Nếu tay ai đã trót nhúng chàm, lần lượt sau trước rồi cũng bị các cơ quan luật pháp mời đến xét hỏi. Đống tiền của to đùng đoàng như núi kia từ đâu mà ra. Thôi thì cuối đời mặc cuối đời, cũng phải tống quan tham vào lò, để họ tự sửa mình lần cuối cùng, trước khi chết để cho tâm thần được sạch sẽ. Đứng trước tiền nhân không phải đỏ mặt xấu hổ. Tôi nhìn mà thấy xót quá.

Trước khi bước lên chiếc xe bịt bùng vào trại giam, các quan tham ngoảnh mặt lại nhìn đàn con cháu. Đứa nào đứa nấy mắt đen lay láy, ngơ ngác đau đáu nhìn ông mà xé gan đứt ruột. Những cặp mắt đen láy hồn nhiên tiễn sống ông nội ông ngoại vào tù. Một ngày trong tù bằng ngàn thu tại ngoại. Còn gì nhục nhã bằng. May số giời, tôi chả tham gia tham chính tham phụ gì sất. Chỉ làm một thằng lính chiến quèn, suốt cuộc chiến chống Mỹ. Tôi lọt qua mắt sàng đạn bom vãi như cày xới, là nhờ có tý giọng thuyết minh chiếu bóng tương đối trong. Rồi nổi cơn máu hấp lìm tập tọng làm thơ.

Nghĩ mình được thế là oách. Oách chứ sao không. Nếu không có văn chương, ai cho mình về Thủ đô. Ai cho phép mình được làm quen với các bậc hiền tài, danh nổi lớp lớp như cồn. Rồi tiếp đến thế hệ cùng trang lứa. Họ cũng là những tài văn chương thơ phú, mặt đẹp long lanh như châu ngọc. Được thế là may rồi. Tất cả là nhờ văn chương cả đấy. Đừng vội a dua xem thường. Có điều học vấn mình chắp vá, kiến thức mình loang lổ như quạ nhổ lông vịt. Ăn nói lắp bắp như nhai ngô rang chưa vỡ hạt.

Và cũng nói thật, vốn tiếng Kinh tôi chỉ vừa đủ trên dưới vài ba bốn trăm từ. Trải qua mấy chục năm tôi dùng, nay cũng cùn mòn như người. Tôi biết câu cú của mình loằng ngoằng rối rắm như mì tôm vừa trần qua nước sôi. Kệ nó! Ngữ pháp mình dùng sai bét nhè vì nghĩ thế nào viết vậy. Kệ nó! Đây không phải cái thằng người Tày giả vờ khiêm tốn hay cố đỉn nửa vời. Tôi nói thật lòng nhưng không khéo. Không khéo mới là tôi. Vụng về chậm chạp mới là tôi. Ngu tối mới là tôi. Thế mà bản mặt này xem ra cũng đã lừa được khối các em xinh tươi hoa lá cành. Nói dại, chính là nhờ có họ, tôi mới có được đôi ba câu thơ tình, mặc dù nó ương ương dơ dở như dưa bở không có đường.

Viết tới đây, tôi lại nhớ cái hồi còn làm việc và sinh sống trên Cao Bằng. Có một hôm, không nhớ rõ năm nào. Có ông Bí thư tỉnh ủy và ông Chủ tịch UBND đến tận nhà chúc tết. Sau khi ngồi nhâm nhi chén nước trà Thái Nguyên, nếm miếng bánh khẩu sli do vợ tôi làm, ông Bí thư cười cười nói riêng với mẹ con Nhuệ: “Cô ạ, chú ấy là nghệ sĩ. Nghệ sĩ như con chim. Ban ngày kệ nó đi hót. Đêm đến về với mình là được rồi. Cô yên tâm nhé!”. Bà xã tôi vốn tính hiền. Bà lấy tay che miệng cười: “Dạ! Em biết điều này từ lâu rồi, bác ạ”.

Mát mặt thế chứ lỵ. Không ngờ “xã” cứu “huyện” một cú ngoạn mục. Làm ông Bí thư và ông Chủ tịch không chêm được câu nào cho lạ miệng. Tưởng gì, riêng cái chuyện máu mê, đối với con người có khác gì nhau đâu. Ăn nhau ở chữ giữ gìn. Tôi biết thừa không ít ông có quyền chức, bán “đất nền” cho rất rất rất nhiều ả. Nhờ vào “vốn tự có”, các cô nương trẻ đẹp “kinh doanh cửa hàng nội thất” lên đời, trở thành bà Phó ban, bà Vụ trưởng, bà Tổng giám đốc…

Giới văn nghệ lâu nay chỉ có tiếng, làm gì miếng nào ra hồn. Báu gì. Họa hoằn lắm mới kiếm được tý tươi, cứ tưởng bở đây đích thị cá hồi Sa Pa. Rồi thi nhau bốc phét một tấc đến tầng mười tám. Cứ là như mình siêu lắm. Siêu vừa thôi. Đừng bốc quá rồi mất thiêng. Văn nghệ sĩ cũng là người trần mắt thịt. Nhưng họ dễ mắc “lưỡi câu” của người đời buông thả. Dân làm khoa học kỹ thuật tỉnh như lửa, lúc nào họ cũng rực cháy sáng trưng. Đừng hòng dân toán lý hóa bị lừa. Có nhiều “nghệ” sai lầm không ít trong quan hệ tình trường. Nhưng toàn sự sai lầm ít tiền, chưa đến mức phải bị truy tố.

Nghĩ cho cùng, làm văn chương chữ nghĩa có khi lại hay. Chả ai biết trong đầu mình có chứa cám bã hay kim cương hột xoàn. Chỉ khi nào đưa nó ra ngoài không khí gặp ánh sáng trong suốt, văn chương chữ nghĩa liền tạo ra hiện tượng khúc xạ. Tầng tầng khúc xạ, người ta bảo đấy là cầu vồng.

Y Phương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/can-trong-voi-doanh-nghiep-tang-von-dieu-le-khung-bat-thuong-614263/