Chơi nước đôi, Nga đối diện nguy cơ Syria 'trở mặt thành thù'

Rạng sáng ngày 30/10, các chiến đấu cơ của Không quân Israel đã tiến hành oanh kích các mục tiêu trong lãnh thổ Syria lần đầu tiên kể từ hôm 17/9, sau khi xảy ra sự kiện chiếc máy bay trinh sát Il-20 bị bắn hạ.

Trong vụ không kích mới nhất được Không quân Israel tiến hành, các hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà Nga đã bàn giao cho Syria cũng như những tổ hợp S-400 của chính họ đều án binh bất động.

Diễn biến này được xem là khá bất ngờ, nhất là sau khi xảy ra sự kiện chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 bị gài bẫy bắn hạ thì các quan chức quân sự Nga đều tỏ thái độ rất cứng rắn.

Bên cạnh việc cấp tốc viện trợ tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM cho Syria, Moskva còn đe dọa sẽ bắn thẳng vào máy bay chiến đấu Israel nếu chúng xâm phạm lãnh thổ Syria một lần nữa.

Nhưng thực tế những gì diễn ra sau đó lại có vẻ như khác biệt hoàn toàn so với các phát ngôn có phần vô cùng "đao to búa lớn" từ các tướng lĩnh Nga.

Bộ Quốc phòng Nga thông qua các kênh ngoại giao đã cho biết sẽ gửi yêu cầu Không quân Israel phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa khi tiến hành các vụ không kích trong tương lai.

Cụ thể, phía Israel sẽ phải báo trước thật chính xác địa điểm mà họ sẽ tiến hành oanh kích với khung thời gian thực hiện sớm hơn nhiều so với trước kia.

Như vậy thông qua đề nghị mới của phía Nga, rõ ràng Moskva vẫn chấp nhận để cho Không quân Israel tiếp tục đánh phá các mục tiêu trong lãnh thổ Syria chứ chẳng hề trực tiếp bảo vệ đồng minh.

Việc Moskva cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM cho Syria được xem như biện pháp xoa dịu đối tác, vì ngay sau khi chiếc Il-20 bị bắn hạ đã có nhận định cho rằng chính phòng không Syria mới là thủ phạm nhằm tìm cách xé bỏ thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Israel.

Nhưng rồi thực tế cho thấy chính sách của Moskva trong vấn đề này vẫn là nước đôi, khi cùng lúc chấp nhận yêu cầu của cả Syria lẫn Israel chứ không trực tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Việc các tổ hợp S-400 đóng tại căn cứ Hmeimim và Tartus cũng như hệ thống S-300 của quân đội Syria nhưng đang do binh sĩ Nga vận hành "nằm im" khi tiêm kích Israel tấn công là bằng chứng rõ ràng nhất.

Khi Nga tiếp tục duy trì thỏa thuận cho phép Israel tiến hành đánh phá các mục tiêu trong lãnh thổ Syria bất chấp việc bị gài bẫy bắn rơi chiếc Il-20 chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của nước Nga trên trường quốc tế.

Nhưng quan trọng hơn, giữa họ với đồng minh Syria rất dễ phát sinh mâu thuẫn, thậm chí nguy cơ "trở mặt thành thù" vì Damascus cảm thấy mình bị đối tác "bán đứng".

Có lẽ với tiềm lực và sự phụ thuộc tuyệt đối vào Nga như lúc này sẽ không cho phép Chính quyền và Quân đội Syria đưa ra các hành động thực sự cứng rắn.

Mặc dù vậy, chẳng thể loại trừ viễn cảnh phía Syria sẽ cố tình "gài đẹp" Nga bằng một cách nào đó để thổi bùng lên ngọn lửa nghi kỵ lẫn nhau giữa Moskva và Tel Aviv.

Tình hình khu vực Trung Đông mà cụ thể tại Syria lúc này đang là sự đan xen phức tạp giữa những lợi ích khác nhau của các cường quốc, trong bối cảnh trên thì những nước nhỏ khó mà thoát khỏi tình cảnh "quân cờ" của nước lớn.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-choi-nuoc-doi-nga-doi-dien-nguy-co-syria-tro-mat-thanh-thu/788122.antd