Chớm mùa hoa trắng

Mỗi lần ngược đường thăm lại cao nguyên đá, tôi thường chọn những ngày giữa tiết thu để làm cuộc hành trình. Tôi chọn thời điểm này vì một lẽ, giữa thu ở vùng núi cao đã giá lạnh như những ngày cuối đông ở miền xuôi, thời tiết khô ráo không lo sập núi, lở đường, đi lại, sinh hoạt tiện lợi.

Trước cánh đồng hoa tam giác mạch ở Sà Phìn. Ảnh: Hồng Thái

Cũng là mùa thu, nhưng ở Hoàng Su Phì (phía Tây tỉnh Hà Giang) lại có vẻ đẹp, quyến rũ khác thường. Chúng tôi phải vượt qua 1.009 đoạn cua gấp khúc từ ngã ba Tân Quang vào; với Cổng trời 1, Cổng trời 2; đỉnh Tây Côn Lĩnh cao gần 3.000m, quanh năm mây phủ. Sông Chảy bé tẹo, ngầu đỏ, dòng nước ngược lên phía Xín Mần. Nhà văn, bậc thầy về ngôn ngữ - Nguyễn Tuân, trước sự hiểm trở của núi non và con đường, ông đã sáng tạo ra cái tên rất ấn tượng là: Hoảng Sù Phì làm sững sờ bao người.

Đổi lại, ruộng bậc thang nơi đây đẹp đến ngẩn ngơ, được xếp hạng di tích thiên nhiên cấp quốc gia. Mùa thu trải màu "Quan san" lên lớp lớp ruộng bậc thang óng ả, hương lúa ngào ngạt như những cung bậc tình yêu khát vọng bay cao, như lẫn vào trời xanh. Tất cả từ bàn tay con người, của bao thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo, thật đáng khâm phục. Những rừng thông tăm tắp, thả mơ hồ từng lẵng quả khô xuống gốc, êm ái, không một chút âm vang. Thác nước cao thẳm nhiều tầng đổ ầm ào xuống chân núi, tạo nên bức tranh tuyệt mỹ, đến rồi, còn muốn trở lại.

Đây chính là nguồn cảm hứng để tôi có "Miền thương nhớ" trước khi rời xa mảnh đất địa đầu: Tôi có một Hà Giang mùa thu cổ tích/ Giấu hồn tôi trong hương quế hương hồi/ Có phải Lêvitan vừa ngưng nét vẽ/ Rừng thông vàng rạo rực nắng phơi...

Cao nguyên đá Đồng Văn lại mang vẻ đẹp khác thường: Hùng vĩ, bí ẩn và mời gọi. Ngược Quốc lộ 4C (đường Hạnh Phúc) đến chân đèo Pắc Xum, phía trước mặt, ở vách núi không xa lắm, nổi bật dòng chữ lớn, màu trắng: "Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn", như là sự thức tỉnh du khách, chuẩn bị tinh thần để khám phá cao nguyên đá có một không hai này.

Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi non hiểm trở, rộng lớn phía Bắc Tổ quốc, gồm các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Một tập hợp đá khổng lồ hàng ngàn cây số vuông, trải rộng từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây... với nhiều dáng vẻ: Nương đá, vườn đá, rừng đá, triền đá và những đỉnh núi nhọn hoắt, trần trụi, xám lạnh trùng điệp chĩa lên trời. Từ ngã ba Viềng (Yên Minh) ngược lên Đồng Văn, qua Cổng trời Thẩm Mã, phía bên phải là Vần Chải, gắn liền với "Pháo đài trắng" của tướng phỉ Vàng Vạn Ly khét tiếng một thời. Hàng ngàn đỉnh núi nhấp nhô như những đàn voi khổng lồ thời tiền sử lổm ngổm lưng chừng trời.

Cũng tại địa danh này còn có bãi đá Hải Cẩu, tạo nên bởi các sản phẩm phong hóa Karst, là lớp lớp các phiến đá tròn nhẵn, xếp gối lên nhau, trông như hàng ngàn con hải cẩu, đen bóng, tựa vào nhau nghỉ ngơi trên "bãi biển" bình yên... Vườn đá Lũng Pù thì mỗi chóp đá, tảng đá, tháp đá lại có hình thù như rồng cuộn, hổ ngồi, hình gốc cây cổ thụ bị thiêu cháy. Đến vườn đá Khau Vai, nơi có phiên chợ tình vào ngày 27-3 (âm lịch) là phiên chợ tình đúng nghĩa nhất, duy nhất Việt Nam. Ở đây, các chóp đá thường có dạng bông hoa, nhụy hoa, nhánh hoa, muôn hình muôn vẻ...

Đi trong cái thế chênh vênh hoang vắng, trần trụi, siêu thực siêu hình này, tôi cứ nghĩ mãi lời của bà Ca-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội, khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu: "Cao nguyên đá Đồng Văn cùng với những hình ảnh khác như vịnh Hạ Long, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, mở ra cơ hội biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân...". Bởi cộng đồng các dân tộc nơi đây đã trải qua nhiều thương đau, tăm tối. Tôi nghe được "Tiếng hát làm dâu" còn phảng phất nỗi buồn đâu đó.

Mây trắng vĩnh cửu trong các khe lạch. Chiều thu, nắng nhẹ màu mật ong bạc hà trải rộng khắp một vùng núi non. Gió từ phương Bắc đã mang hơi lạnh se sắt về, từng đàn chim sải đôi cánh bền bỉ nhằm phương Nam tránh rét. Có người bảo, mùa thu là mùa tàn phai, mùa đại ngàn rụng lá. Nhưng ở cao nguyên đá Đồng Văn không phải thế, sức sống từ những kẽ đá vẫn trỗi dậy mãnh liệt, đơm hoa, kết trái từng ngày. Những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương, bờ rào đá, cổng nghiến xưa cũ, cây trái sum suê bốn mùa, bếp khuya vẫn nồng nàn than lửa... Ở Đồng Văn, mùa thu là mùa của hoa cải vàng, mùa của tam giác mạch bừng thức.

Người lính Biên phòng Nguyễn Phú Thịnh ngồi cùng xe tôi từ thành phố Hà Giang, reo lên: Hoa tam giác mạch! Tôi nhìn ra cánh đồng Phó Cáo, quả nhiên tam giác mạch đã nở hoa rồi. Quê anh ở Thanh Hóa, chất giọng không lẫn vào đâu được, sau gần 20 ngày nghỉ phép thăm quê, trở lại đơn vị ở tận Sơn Vĩ.

Vòng tuần hoàn thời gian gần như chớp mắt, mà cảnh sắc đã đổi thay nhanh chóng. Tôi liếc nhìn gương mặt người lính Biên phòng trẻ tuổi, có cảm giác sức trẻ tràn ra khắp cơ thể, nổi bật là gương mặt chữ điền, ánh mắt sáng và nụ cười hồn hậu. Tôi có may mắn, suốt dặm dài biên giới Hà Giang (ngót 300km) hầu như đã đi khắp. Đồn Biên phòng, người lính đối với tôi là những người ruột thịt. Nào là: Đồn BP Xín Mần, Thàng Tín (Hoàng Su Phì), Cao Mã Pờ, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn (Quản Bạ), Bạch Đích (Yên Minh)... Nếu có cơ hội là tôi ghé vào, trò chuyện, tặng sách cá nhân, tối đọc thơ cho chiến sĩ nghe, có cả các cô giáo và các em học sinh tham gia.

Độc đáo núi đôi Bản Quạ. Ảnh: Lê Hoàng

Từ sự mê tam giác mạch của Nguyễn Phú Thịnh khiến tôi không thể không tìm hiểu về loài cây này... Tam giác mạch thuộc họ ngũ cốc, đồng bào gieo hạt vào tháng 8, tháng 10 hoa nở, cuối tháng 10 rực rỡ nhất, đầu đông đồng bào bắt đầu thu hái, phơi khô, đập lấy hạt. Hạt tam giác mạch nghiền thành bột làm bánh, hoặc trộn với ngô hạt để nấu rượu. Có điều lạ ở loài hoa này là sự chuyển màu sắc theo chu kỳ sinh trưởng. Ban đầu màu trắng, sau chuyển màu cánh sen, rồi đỏ tím thì hoa tàn, khi đó đã ôm trong lòng một hạt mạch quý giá.

Thoạt nghe tam giác mạch, cái tên không gợi mấy về một loài hoa. Nhưng nó lại là loài hoa đặc trưng nhất, quyến rũ nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn, mời gọi vô số những tay máy săn ảnh nghệ thuật mọi miền đất nước. Đúng hơn là một rừng hoa vô tận, 5 cánh li ti trải dài dọc con đường lên vùng cao, mở rộng từ núi bên này, sang sườn núi bên kia, bừng bừng trong các thung lũng rộng lớn. Nhìn kỹ mới thấy những cái lá xanh mềm mại, có hình tam giác dưới những bông hoa, bởi vậy mới có tên gọi tam giác mạch (có nơi gọi là đại mạch).

Nguyễn Phú Thịnh ngẩn ngơ nhìn ngắm màu hoa tam giác mạch, miên man trôi dần về phía sau. Không rõ anh nghĩ gì, nhưng tôi đoán là anh có nhiều cảm xúc lắm. Tôi bảo: Đẹp quá, không nơi đâu có loài hoa như thế này! Hoa nở dằng dặc từ Lán Xì, Lũng Cẩm, Thài Phìn Tủng đến Lũng Táo. Sà Phìn, Lũng Hòa là nơi khan hiếm nước nhất trên cao nguyên đá, thế nhưng hoa nở như chưa bao giờ được nở, khiến trùng trùng đá xám cũng trở nên trữ tình, mềm mại.

Hoa tam giác mạch được đẩy lên cao mãi theo thế núi. Qua cầu Tràng Hương, người lính Biên phòng bảo tôi: Còn 50km nữa là đến Sơn Vĩ. Tôi có cảm giác con đường hiểm trở hơn, đầy những vực hẻm ở phía dưới, núi non như thắt lại nhọn hoắt. Qua ngã ba Sủa Nhè Lử, con đường chạy ngay sát đường biên giới giáp với nước bạn, màu xanh ngô, đậu trải dài, báo hiệu một mùa bội thu.

Từ chân cầu Tràng Hương ngược lên, tam giác mạch nở tràn bên các sườn non, trong thung lũng. Con đường cứ dốc ngược lên trời, ánh mắt chúng tôi bao quát cả một vùng rộng lớn, thổn thức trước vẻ đẹp tinh khôi của tam giác mạch nơi biên ải. Có phải hoa đẹp là vì người. Trước con người, hoa đẹp như một lời đền đáp, tri ân. Không gian đầy ắp gió, khiến những bông hoa bé nhỏ rung rinh mời gọi. Hình như, mọi nhọc nhằn được trút bỏ hết, còn lại trong tôi là sự thảnh thơi, dễ chịu với màu hoa, cùng những nhớ thương không đầu không cuối.

Hôm nay đã là một đảm bảo để năm sau trở lại với Sơn Vĩ, tôi khẳng định với Thịnh như vậy và đọc cho anh nghe một khổ thơ mới sáng tác: Li ti muôn cánh trắng/ Mang nỗi niềm cỏ cây/ Tam giác mạch vừa nở/ Giữa sắc thu hao gầy/ Phủ tràn thung lũng nắng/ Một màu hoa tinh khôi/ Bướm ong bay ríu rít/ Gió thơm hương bồi hồi... Tôi ước gì, mùa thu cứ vĩnh viễn thế này, cho cuộc đời còn lắm những mộng mơ, để nặng lòng với quê hương, đất nước.

Cao Xuân Thái

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/chom-mua-hoa-trang/27461.bbp