Chọn đúng ngành nghề, tỏa sáng tương lai

Trong các yếu tố mang tính ảnh hưởng việc chọn trường, ngành nghề để thi đại học, có 2 yếu tố cơ bản nhất được các chuyên gia chỉ ra, đó là yếu tố tương thích đặc điểm cá nhân của học sinh và yếu tố đáp ứng sự mong đợi của xã hội. Việc cùng con chọn đúng ngành nghề, một lần nữa được các chuyên gia nhấn mạnh, 'mổ xẻ' thẳng thắn.

Chọn ngành nghề mà xã hội đang cần

Theo khảo sát từ phía học sinh THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) trong suốt 2 niên học (2017- 2018 và 2018- 2019) cho thấy, tỉ lệ học sinh chọn ngành kinh tế, thương mại để thi đại học chiếm 40-45%, tiếp đến công nghệ-thông tin chiếm 10-12%, Cao đẳng nghề 1,2%, trung cấp nghề 0.5% v.v… Trước con số trên, không chỉ phía nhà quản lý giáo dục trên địa bàn mà ngay cả những thầy cô cũng phải lo ngại về tương lai của học trò mình.

Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đáp ứng yêu cầu xã hội là điều học sinh THPT cần suy nghĩ thấu đáo

Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đáp ứng yêu cầu xã hội là điều học sinh THPT cần suy nghĩ thấu đáo

Tại buổi hội thảo về chuyên đề "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" do trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng tổ chức, PGS.TS. Lê Quốc Tiến - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng thông tin, hiện cả nước có 220.000 sinh viên khối ngành liên quan đến kinh tế, kinh doanh đang thất nghiệp khi ra trường. Với tốc độ phát triển đột phá những năm gần đây, Hải Phòng đang thiếu một lực lượng lao động lớn các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin...

"Cùng với chứng chỉ MOS (chứng chỉ Tin học văn phòng chuẩn Quốc tế do Microsoft cấp- PV) và chứng chỉ IELTS hoặc tương đương (trình độ từ 5.0 trở lên), các em hãy học những thứ mà xã hội đang cần như các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện-điện tử xây dựng… Có ba thứ này, chỉ học hết năm thứ nhất đại học, các doanh nghiệp đã đến tuyển dụng các em rồi", người đứng đầu ngành Giáo dục Hải Phòng khẳng định.

PGS.TS. Lê Quốc Tiến - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng đã chia sẻ thẳng thắn về tư duy chọn ngành nghề cho học sinh THPT

Nhà giáo Lê Quốc Tiến chia sẻ thêm: "Từ con số 45% học sinh của trường Trần Nguyên Hãn lựa chọn ngành kinh doanh, thương mại để thi Đại học, tôi thực sự lo ngại. Lo ngại vì các em chưa kịp ra trường đã đứng trước nguy cơ thất nghiệp rồi. Hải Phòng là thành phố Cảng biển lớn nhất nhì cả nước, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn rất mạnh và nhu cầu về nhân lực rất cao. Tuy nhiên, những cái chúng ta có thì họ không cần nhiều, thứ họ cần là kỹ thuật, là cơ điện tử v.v… thì chúng ta thiếu buộc họ phải đi tìm từ các thành phố khác đưa về làm. Điều đó cho thấy, chúng ta đang đi hơi chệch hướng với tình hình xu thế…".

Hội thảo "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" đã thu hút được hơn 3.000 cha mẹ, học sinh và các thầy cô giáo của trường tới dự

Về việc chọn nghề nghiệp cùng con, chuyên gia giáo dục toàn cầu - cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: "Năm 1900, 50% giá trị được trả cho nguồn lực lao động. Con số này giảm còn 33% vào năm 2015 và dự kiến đến năm 2030, tiếp tục giảm xuống còn 15%. Điều này đồng nghĩa sẽ rất nhiều lao động bị thất nghiệp".

Bà Quyên cũng lấy ví dụ và bày tỏ lo ngại khi ở Mỹ, trong vòng 10 năm nữa trung bình cứ 10 công việc sẽ có 4 công việc do ro-bot đảm nhiệm. Và ở Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp sẽ còn cao hơn rất nhiều bởi 60% người Việt lao động đơn giản và sẽ là thành phần đầu tiên bị thay thế bởi ro-bot. Microsoft dự báo, trong tương lai không xa, 77% nghề nghiệp liên quan đến khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin.

"Các bạn trẻ hãy trang bị thật tốt tin học và ngoại ngữ; làm chủ khoa học công nghệ để điều khiển những con ro-bot, làm chủ những con ro-bot này, đó mới là tương lai của chúng ta. Nếu như 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) cách nhau 100 năm và qua mỗi cuộc cách mạng, loài người đã có những bước tiến nhảy vọt, thì riêng CMCN lần thứ 4 cách cuộc CMCN lần thứ 3 chỉ còn 60 năm. Rất có thể, cuộc CMCN lần thứ 5 sẽ nổ ra chỉ 30 năm, thậm chí là 10 năm nữa. Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì để thích ứng với 10 năm đó", bà Diễm Quyên nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức, tư duy chọn ngành nghề

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của các khách mời, chị Phạm Thị Bích Thủy, phụ huynh em Bùi Thị Ngọc Anh (lớp 12A3, trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng) nói: "Ban đầu, gia đình tôi đã thống nhất sẽ cho con thi các trường ĐH khối kinh tế. Tuy nhiên, sau bài giảng của các chuyên gia, tôi nghĩ, cần phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này để có quyết định đúng đắn nhất tương lai của con".

Phụ huynh và học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ từ phía khách mời, diễn giả

Chị Phạm Thu Hằng, phụ huynh em Ninh Hải Nam (lớp 10C5) tỏ ra rất tâm đắc với bài phát biểu của các chuyên gia và khẳng định: "Gia đình tôi đã xác định sẽ cho cháu Nam thi chuyên ngành Công nghệ thông tin vì cơ hội nghề nghiệp và tính ứng dụng của nó".

Trước đó, sáng cùng ngày, trong chương trình giao lưu chia sẻ với chủ đề "Khát vọng vươn lên vì một tương lai tươi sáng", hơn 1.500 học sinh của trường THPT Trần Nguyên Hãn đã được lắng nghe những chia sẻ của Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng và chị Nguyễn Thị Quy (24 tuổi, đến từ huyện Nho Quan, Ninh Bình) - 1 trong 4 thành viên của Việt Nam tham gia chương trình YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) từng 2 lần diện kiến tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ cùng học sinh THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng.

Tại buổi chia sẻ, với vai trò khách mời, Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn và chị Nguyễn Thị Quy đã chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập, chọn trường và đặc biệt nhấn mạnh, vai trò của tin học và ngoại ngữ; động viên các bạn trẻ hãy chọn ngành nghề mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện của gia đình…

Có nhiều câu hỏi được đặt ra cho các khách mời như: ngành logitics có vai trò quan trọng như thế nào; học gì để dễ xin việc; nên học đại học ở nước ngoài luôn hay học xong đại học mới đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài…

Trả lời câu hỏi: "Tầm quan trọng của tiếng Trung so với tiếng Anh" của em Trần Việt Hồng (lớp 12A7), Thạc sĩ Dương Ngọc Tuấn cho biết, thứ tiếng khác hiện nay đều rất tốt, rất khuyến khích một người giỏi vài ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu muốn du học, để hòa nhập và làm được việc trong bất cứ môi trường nào thì tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ ưu tiên số 1".

Đồng quan điểm với Thạc sĩ Tuấn, chị Nguyễn Thị Quy chia sẻ, kinh nghiệm học tiếng Anh của cô là học mọi lúc, học từ tất cả những gì mà cô được tiếp xúc. Tiếng Anh giúp cô có thể đọc báo của nhiều hơn 1 đất nước và qua đó, cô cập nhật được nhiều hơn kiến thức, thông tin… Và một thông điệp quan trọng mà bà Nguyễn Thị Quy muốn truyền tải đến các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời đó là hãy luôn lạc quan, "cố và cười ngay cả khi thất bại bởi bạn không thể biết nụ cười ấy sẽ mang đến thành công sau này".

Đinh Huyền – M.Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chon-dung-nganh-nghe-tuong-lai-con-toa-sang-20200113141341799.htm