Chọn đúng người, trao đúng việc

Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả nổi bật, trong đó có việc thống nhất thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về 'Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ'. Một nội dung của nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao là thời gian tới sẽ 'thực hiện nhất quán trên toàn quốc việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân, nếu có điều kiện'.

Vì sao một quy định ngắn gọn so với rất nhiều quyết sách khác về công tác cán bộ được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ lại nhận được sự chú ý của dư luận ngay từ khi được đưa ra bàn thảo?

Trước hết, điều đó xuất phát từ việc thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc người đứng đầu tại nhiều đơn vị, địa phương đã bổ nhiệm, nâng đỡ không trong sáng người thân vào những vị trí chủ chốt; hoặc chỉ đạo, trực tiếp ký những quyết định có lợi, tạo điều kiện cho người thân thu lợi.

Điển hình là việc ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)… vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nghiêm khắc do những sai phạm như vậy trong quá trình công tác. Những hành động đáng buồn đó đã và đang tạo sức ỳ quá lớn cho sự phát triển của nền hành chính nhà nước, khiến hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính trở nên yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.

Đó cũng là một trong những thách thức rất lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Và nếu không có “thuốc chữa” ngay thì tình trạng này sẽ thực sự nguy hiểm, để lại hệ lụy lâu dài…

Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để tránh những rắc rối từ các mối quan hệ thân hữu và làm trong sạch bộ máy công quyền, một số triều đại phong kiến đã đề ra những quy định nghiêm ngặt nhằm tránh bổ nhiệm người thân cùng làm quan trong một đơn vị, được gọi là Luật hồi tỵ (có nghĩa là tránh đi). Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua đầu tiên của nước ta đã “luật hóa” quy định hồi tỵ khi ban hành bộ Lê triều Hình luật.

Đến thời vua Minh Mạng (1791-1841), Luật hồi tỵ quy định rất triệt để: Các quan không được làm quan ở trú quán, ở quê vợ, quê mẹ, ngay cả nơi học tập khi còn trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh, nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ thì phải tách ra bổ nhiệm làm việc chỗ khác. Các tham biện (quan chức cao cấp) về kinh đô hội họp nhưng khi bàn việc liên quan đến địa phương mình thì không được vào dự…

Rõ ràng, chính sách hồi tỵ là triết lý sâu sắc của cha ông ta trong việc đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn từ tính cách dân tộc, truyền thống văn hóa, lối sống để thực hiện việc chủ động phòng ngừa ngay từ khâu bổ dụng đội ngũ quan lại.

Ngày nay, chính sách đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ tầm chiến lược được Đảng ta hết sức quan tâm. Do đó, chính sách sử dụng cán bộ phần nào đã kế thừa những tư tưởng của cha ông về hồi tỵ. Chúng ta có thể thấy trong các quy định của công tác tuyển dụng công chức, sắp xếp, bố trí cán bộ, công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, quy định bố trí nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp…

Tuy nhiên, những quy định này còn tản mát, chưa mang tính hệ thống và chưa thực sự trở thành một chính sách lớn trong thực tiễn. Và Nghị quyết số 26-NQ/TƯ đã thừa nhận: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu”...

Nguyên nhân đã rõ, chỉ có điều cách nào để thay đổi “mặc định”: “Con vua rồi lại làm vua/Con sãi ở chùa đi quét lá đa” đang cần câu trả lời khách quan, có sức thuyết phục.

Kinh nghiệm của nhân loại trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền chỉ ra rằng, kiểm soát quyền lực là yếu tố trung tâm trong tổ chức quyền lực nhà nước. Còn việc kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức Đảng, trong khi Đảng ta là đảng cầm quyền chính là kiểm soát những cá nhân đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Bởi vì, khi có quyền lực trong tay, những đảng viên được Đảng phân công lãnh đạo, quản lý bộ máy nhà nước, nếu không được kiểm tra, giám sát gắt gao, chặt chẽ, không cố gắng phấn đấu, tu dưỡng thì quyền lực đó sẽ ngày càng có xu hướng bị tha hóa do chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng cá nhân. Với những thuộc tính tự nhiên của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì được ủy quyền.

Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước, của cá nhân người đứng đầu hiệu quả nhất vẫn là đưa ra quy định công khai, thực hiện nghiêm, có sự giám sát của nhân dân. Đáng mừng là tinh thần này đã được Nghị quyết số 26-NQ/TƯ đề cập và khẳng định rất rõ.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, qua xử lý các vụ việc nổi cộm tại các địa phương thời gian qua cho thấy, bí thư tỉnh ủy, huyện ủy là người địa phương có cái tốt là hiểu biết tình hình, truyền thống địa phương nhưng có cái khó là bị nhiều ràng buộc. Đáng lo ngại là chính những ràng buộc đó dễ dẫn đến những quyết định sai hoặc không có lợi cho đại cục... Đấy là còn chưa kể đến tình trạng lạm quyền.

Từ đó cho thấy, để việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương thật sự đạt kết quả cao cần phải thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp. Đó là: Cơ chế tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ phải thực sự công khai, dân chủ; cho phép người đứng đầu được đề bạt, miễn nhiệm cấp phó thuộc quyền và chịu trách nhiệm về vấn đề này; thi tuyển với một số chức danh lãnh đạo; cải cách chính sách tiền lương để cán bộ, công chức thực sự sống được bằng lương... Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Chọn đúng người, trao đúng việc là điều kiện tiên quyết trong sử dụng cán bộ, nhưng cần có kế sách rèn luyện, thử thách trong thực tiễn trước khi đưa lên những vị trí cao hơn. Hơn lúc nào hết, nhân dân đang gửi gắm niềm tin vào tầm cao trí tuệ của Đảng ta!

Đan Nhiễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/902530/chon-dung-nguoi-trao-dung-viec