Chọn giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ ABsoft để làm rõ về vai trò của việc chọn giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ ABsoft (ABsoftERP) Nguồn: Nhân vật cung cấp

Chuyển đổi số không còn là phạm trù mới và luôn được đề cập như một nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đi đôi với chuyển đổi số là sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường công nghệ, các nền tảng và phần mềm tin học hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vận hành ở mọi khâu từ sản xuất tới kinh doanh thương mại, từ quản trị đến điều hành nhân sự.

Có thể kể tới các phần mềm như hóa đơn điện tử, chữ ký số, kế toán - thuế hay các ứng dụng nhằm chăm sóc khách hàng, lưu giữ dữ liệu hồ sơ, quản lý doanh thu bán hàng, tồn trữ và lưu kho, giao nhận vận chuyển, chấm công nhân viên... với hàng trăm nhà cung cấp giải pháp nổi tiếng như Misa, FastDo, 3S ERP, KiosViet, HRM...

Tuy nhiên, có một thực trạng là đa phần các chủ doanh nghiệp lựa chọn những giải pháp riêng lẻ để ứng dụng trong doanh nghiệp của mình; đồng thời, lầm tưởng rằng, đó là sự thích ứng với công nghệ số, giúp gia tăng hiệu suất trong công việc và quản trị doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Chính việc thiếu tính kết nối, không có khả năng tích hợp các công cụ và đồng nhất nền tảng quản trị đang là một khó khăn, vướng mắc trong sử dụng và vận hành ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, dẫn tới lãng phí thời gian triển khai, kinh phí đầu tư thậm chí gây nên sự bức xúc ở không ít doanh nghiệp. Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ ABsoft để làm rõ vấn đề này:

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng ứng dụng công nghệ và việc đầu tư các phần mềm quản trị giúp vận hành hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp hiện nay?

Ông Lê Văn Dũng: Có thể thấy rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với toàn nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng nếu muốn phát triển và vươn xa trong hội nhập. Thích ứng và đổi mới sáng tạo để nâng cấp, nâng chất của doanh nghiệp cũng có nhiều con đường và hướng đi, song trước nhất vẫn phải là sự phù hợp với bối cảnh, với năng lực thực có và với điều kiện, mặt bằng chung trong cộng đồng. Hiện nay, công nghệ mới ra đời rất nhanh và cũng liên tục được cập nhật rất nhiều tính năng giúp thúc đẩy và gia tăng hiệu quả ứng dụng trong nhiều hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể kể tới công nghệ marketing, truyền thông; công nghệ trong bán hàng, trong vận chuyển, giao hàng và trong sản xuất... Cùng với phát triển về công nghệ, nhận thức của doanh nghiệp và của khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với xu thế. Cùng với sự tác động của công nghệ, trình độ, năng lực của đội ngũ quản lý, bộ máy nhân sự trong các doanh nghiệp cũng được nâng cao rõ rệt. Theo đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đã ra đời, thay thế cho các sản phẩm, dịch vụ cũ không còn nhiều giá trị. Ngoài ra, cũng phải kể tới tác động ngoại cảnh là nền kinh tế thế giới hay năng lực ngày càng được nâng cao của các đối thủ cạnh tranh... Tất cả đang là những áp lực buộc doanh nghiệp muốn phát triển và phát triển bền vững phải xác định rõ mục tiêu cần hướng tới và nhiệm vụ cụ thể cần làm; trong đó, đặc biệt là nâng cấp về công nghệ và trình độ quản trị.

Phóng viên: Bài toán đặt ra là làm sao vẫn đầu tư nâng chất, đổi mới sáng tạo trong công nghệ sản xuất, tối ưu hiệu quả để vận hành trơn tru; song vẫn đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, thưa ông?

Ông Lê Văn Dũng: Muốn thay đổi và tối ưu được, doanh nghiệp chắc chắn cần phải xây dựng chiến lược phát triển và nâng cấp trở thành doanh nghiệp thông minh. Theo đó, mọi nghiệp vụ công việc của các bộ phận phòng ban sẽ được ghi nhận thông tin cụ thể theo thời gian thực. Thông tin có sự kết nối, kế thừa chặt chẽ từ nghiệp vụ này sang nghiệp vụ khác, từ bộ phận này sang bộ phận khác.

Có thể linh hoạt thay đổi kết nối và thứ tự thực hiện các công việc, các bộ phận sao cho hoạt động doanh nghiệp tốt nhất. Mức độ thông minh của doanh nghiệp được tích lũy theo thời gian, với việc ghi nhận dữ liệu ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Nếu thiết lập được doanh nghiệp thông minh, sẽ giúp cho khả năng tự động và dự đoán trước các biến động của thị trường, những vấn đề phát sinh ngày càng tốt hơn với tích lũy được dữ liệu thực tế.

Bằng việc xác định chiến lược phát triển mô hình doanh nghiệp thông minh sẽ giúp tích lũy các nguyên tắc, các quy luật để thống nhất trong nội bộ doanh nghiệp. Không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào nên khó có thể sử dụng những phần mềm thiết kế chung, dùng chung, bởi nó phụ thuộc vào hoạt động và cấu trúc dữ liệu thu thập được theo thời gian của doanh nghiệp.

Tôi muốn nhấn mạnh về ưu thế của việc ứng dụng một nền tảng quản trị mang tính hệ thống thay vì mua các phần mềm rời vào "lắp ráp" để sử dụng trong doanh nghiệp. Hoặc ít nhất nếu đã đầu tư rồi thì doanh nghiệp cần có một tư vấn hay một chuyên viên chuyển đổi số để xây dựng nền tảng chung đủ khả năng tích hợp tất cả các phần mềm hiện có trong doanh nghiệp. Nói cách khác, cần hệ thống hóa toàn bộ các phần mềm quản lý, quản trị để ở đâu, lúc nào, chủ doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và vận hành.

Hãy hình dung rằng, nếu không tối ưu được tất cả các nguồn lực sẽ làm tăng giá cả và làm giảm tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trên thương trường. Thế giới luôn biến động và thay đổi, nếu doanh nghiệp không thay đổi, không áp dụng công nghệ vào hoạt động sẽ là sự tụt hậu và đi, dần dà có thể mất đi vị thế trên thị trường và nguy cơ biến mất hẳn là rất có thể.

Phóng viên: Số hóa nền kinh tế và tăng cường chuyển đổi số trong doanh nghiệp là chủ trương mà Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương liên tục thúc đẩy, song với đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, dù họ rất quan tâm nhưng cũng thường né tránh, nghi ngại tiếp cận và viện cớ là do hạn chế về nguồn lực, năng lực và trình độ vận hành chưa đủ đáp ứng..., ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Văn Dũng: Với những người làm nghề thì chúng tôi hiểu rằng, chuyển đổi số không phải là khái niệm cao siêu, phải tốn kém quá nhiều hay khó khăn trong việc tiếp cận. Có chăng là sự hạn chế trong tư duy của người dùng và việc truyền thông chưa rõ ràng, cụ thể của nhà cung cấp giải pháp.

Chuyển đổi số là sự mô tả toàn bộ những việc doanh nghiệp cần làm bằng các con số, các dữ liệu số được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp vận hành. Hiểu đơn giản như vậy là bước đầu tiên để thay đổi tư duy của doanh nghiệp. Sau đó sẽ là các bước chuyển giao kiến thức về quản trị mà doanh nghiệp còn thiếu. Hơn ai hết, doanh nghiệp cần định hình được hiện trạng của chính mình để việc áp dụng và đưa công cụ nào vào ứng dụng cho phù hợp thì mới đem lại hiệu quả. Cuối cùng thì lựa chọn công cụ, phần mềm hoặc nền tảng như thế nào là quyết định của chính doanh nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chon-giai-phap-cong-nghe-giup-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung/301171.html