Chọn học dự bị ĐH để được vào trường tốp?

Mùa tuyển sinh năm nay nhiều thí sinh trúng tuyển vào các trường dự bị ĐH có điểm thi cao hơn cả điểm chuẩn nhiều trường ĐH khác. Vì sao các thí sinh này chấp nhận học một năm dự bị mà không vào thẳng ĐH?

Sinh viên sau khi học ở Trường Dự bị ĐH TP.HCM sẽ được chuyển vào các trường tốp đầu - Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều thí sinh thuộc đối tượng được xét tuyển vào các trường dự bị ĐH (DBĐH) có điểm từ 14,75 (trong đó mức điểm chuẩn theo điểm thi THPT quốc gia là 12, điểm ưu tiên khu vực - đối tượng là 2,75) vẫn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH bình thường khác trong tình hình điểm chuẩn năm nay thấp. Tuy nhiên, những thí sinh này vẫn chọn cách trải qua một năm DBĐH chứ không chịu vào thẳng các trường ĐH khác đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo thông tin từ Trường DBĐH TP.HCM, sinh viên sau khi học dự bị tại đây sẽ được chuyển về học chính thức tại các trường ĐH tại TP.HCM và các tỉnh thành như: Y Dược TP.HCM, Y Dược Cần Thơ, Y Tây Nguyên, Y Đà Nẵng, Y Huế, Kinh tế, Luật, Ngân hàng, Tài chính - Marketing, Ngoại thương, Kiến trúc, các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM và nhiều trường ĐH lớn khác (trừ các trường có thi năng khiếu, các trường có tổ chức sơ tuyển như: cảnh sát, an ninh, quân đội và ngành sư phạm). Các trường DBĐH ở các địa phương khác cũng chuyển tiếp đến các trường ĐH lớn.

Thông tin giới thiệu của Trường DBĐH T.Ư (Việt Trì) còn ghi rõ: “Học sinh sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng dự bị, nhà trường căn cứ vào kết quả bồi dưỡng, nguyện vọng của học sinh, chỉ tiêu phân bổ của Bộ GD-ĐT để phân bổ học sinh vào học tiếp các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH trọng điểm (học sinh không phải thi ĐH bên ngoài)”.

Theo lãnh đạo một trường DBĐH, chỉ tiêu của hệ thống trường này dựa vào chỉ tiêu các trường ĐH chuyển về. Đầu năm học, lãnh đạo trường DBĐH sẽ gửi công văn đến các trường ĐH hỏi về nhu cầu chuyển tiếp sinh viên dự bị. Sau khi xác nhận chỉ tiêu từ các trường ĐH, lãnh đạo trường DBĐH mới gửi công văn lên Bộ GD-ĐT để xác định chỉ tiêu xét tuyển vào trường.

Khi trúng tuyển, mỗi thí sinh sẽ đề xuất nhu cầu học tại các trường ĐH cụ thể. Sau khi hoàn tất một năm dự bị, mỗi trường sẽ có cách phân bổ sinh viên vào các trường ĐH khác nhau. Chẳng hạn Trường DBĐH TP.HCM sẽ xếp hạng kết quả học tập của sinh viên cuối khóa, sau đó dựa vào thành tích này để phân bố vào các trường ĐH.

Theo một chuyên gia có thời gian nhiều năm làm công tác tuyển sinh ĐH, sự lựa chọn này của thí sinh không có gì đáng ngạc nhiên. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm. Dù năm nay điểm chuẩn một số trường ĐH thấp, các thí sinh này có thể trúng tuyển chính thức nhưng đa số đây là trường ngoài công lập và không có thương hiệu lớn như các trường công lập tốp đầu về y dược, kinh tế, công an, quân đội.

Chính vì vậy, đây là “cửa ngách” để các thí sinh có thể vào học tại các trường này vì điểm thi của thí sinh không cách nào vào thẳng được.

Đối tượng ưu tiên xét tuyển

Điều 3 và điều 4, chương II của thông tư quy định đối tượng xét tuyển vào các trường DBĐH là thí sinh thuộc đối tượng 01 của nhóm ưu tiên và khu vực 1 (thí sinh dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa). Riêng các thí sinh người dân tộc thiểu số rất ít người đã tốt nghiệp THPT thì sẽ được tuyển thẳng vào các trường DBĐH.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm xét tuyển được đăng ký để xét tuyển vào học hệ DBĐH theo một trong 2 phương thức là xét tuyển theo điểm thi THPT hoặc xét tuyển theo điểm học bạ. Nếu xét tuyển theo điểm thi THPT, điểm tối thiểu phải là 12 cho mỗi tổ hợp môn (chưa kể điểm ưu tiên khu vực, đối tượng). Nếu xét tuyển theo điểm học bạ, điểm trung bình tối thiểu mỗi môn trong tổ hợp phải là 6,0.

Đăng Nguyên

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/chon-hoc-du-bi-dh-de-duoc-vao-truong-top-996402.html