Chọn hướng đi mới cho địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung

Sau hơn 2 năm các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (KTCNTT) tại các cảng biển, cảng hàng không trên cả nước đi vào hoạt động, những mặt được cũng như hạn chế đã bộc lộ.

Địa điểm KTCNTT tại Đà Nẵng. Ảnh: N.linh.

Thành lập địa điểm KTCNTT phù hợp bối cảnh

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải cho biết, để đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động các địa điểm KTCNTT trong việc giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa XNK phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đang thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội DN trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại thời điểm thành lập các địa điểm KTCNTT có thể thấy, năm 2014-2015, công tác quản lý và KTCN đối với hàng hóa XNK, bên cạnh mặt được trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi tiêu thụ nội địa thì hoạt động này như lực cản đối với thương mại qua biên giới, làm kéo dài thời gian thông quan, làm tăng chi phí cho DN. Nguyên nhân được xác định là mặt hàng thuộc đối tượng quản lý và KTCN tại khâu thông quan quá nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, còn chồng chéo trong việc kiểm tra, trong khi phương pháp KTCN chủ yếu là thủ công, chưa áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra. Tại nhiều cửa khẩu quốc tế cảng biển, cảng hàng không, nơi có lưu lượng hàng hóa XNK thuộc đối tượng KTCN nhiều nhưng không có lực lượng KTCN làm việc tại cửa khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo Cục Hải quan 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi chủ động trao đổi, bàn bạc, phối hợp với các cơ quan quản lý, đơn vị KTCN, đơn vị quản lý và kinh doanh kho, bãi, cảng trên địa bàn, bố trí, sắp xếp địa điểm, trang thiết bị văn phòng cho các cơ quan, đơn vị KTCN. Đến tháng 6/2016 đã có 10 địa điểm KTCNTT được thành lập thuộc 8 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Các địa điểm KTCNTT làm việc ngay tại cửa khẩu có vai trò như văn phòng “một cửa liên thông”, là nơi tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, tư vấn về công tác KTCN, phối hợp giám sát lấy mẫu hàng hóa, tiếp nhận mẫu, trả kết quả KTCN. Đối với một số trường hợp cụ thể (kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ) có thể xử lý ngay, trả kết quả tại chỗ.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong hơn hai năm triển khai, số lượng tờ khai làm thủ tục KTCN tại 10 địa điểm KTCN so với số tờ khai thuộc diện KTCN của 10 chi cục hải quan có đặt địa điểm KTCNTT là 200.000/410.600 tờ khai, chiếm tỷ lệ 48,7%.

Việc KTCN tại các địa điểm KTCNTT đã giúp giảm đáng kể thời gian cho DN. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan tại các địa điểm KTCNTT cũng được đảm bảo.

Hoạt động địa điểm KTCNTT đã tạo thuận lợi để các cơ quan KTCN, tổ chức, cá nhân thực hiện các khâu: Đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra; là nơi tổ chức, cá nhân có thể gặp gỡ, trao đổi giải quyết các vướng mắc về KTCN đối với hàng hóa XNK một cách dễ dàng, hạn chế phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi, góp phần tiết kiệm chi phí, thủ tục. Thời gian đầu triển khai, với số lượng các mặt hàng yêu cầu phải KTCN tại khâu thông quan nhiều (đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, kiểm tra dư lượng formaldehyde trên sản phẩm dệt may…), việc thành lập các địa điểm KTCN đã được cộng đồng DN, tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan, tổ chức KTCN ủng hộ và đánh giá cao.

Tìm hướng đi hiệu quả hơn

Bên cạnh những mặt lợi thế, các địa điểm KTCNTT cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, tại đây chỉ mới trang bị các phương tiện làm việc văn phòng, hành chính; diện tích các địa điểm KTCNTT đều nhỏ, không có máy móc, thiết bị phân tích, thử nghiệm. Khi lấy mẫu hàng hóa phân tích, giám định đều phải chuyển về các phòng thí nghiệm, hầu hết nằm sâu trong nội địa.

Hiện nay số DN đăng kí làm thủ tục KTCN tại địa điểm KTCNTT thấp, chủ yếu là các DN XNK không thường xuyên, nhỏ lẻ, lần đầu. Các DN lớn, DN làm qua đại lý hải quan vẫn chủ yếu làm thủ tục tại trụ sở cơ quan KTCN tại các thành phố lớn. Chính vì vậy, tại một số địa điểm, các đơn vị KTCN không cử người thường trực mà chỉ khi có lô hàng nhập về mới cử người ra cửa khẩu hoặc về kho lấy mẫu.

Ngoài ra, việc bố trí mặt bằng địa điểm KTCNTT cũng gặp khó khăn, do thời gian đầu các địa điểm này được đơn vị kinh doanh kho, bãi cảng hỗ trợ, tuy nhiên về lâu dài, mặt bằng này phải mất kinh phí thuê.

Từ thực tế đó, cần có đánh giá tổng thể về sự cần thiết hay không cần thiết, cần duy trì hay “đóng cửa” địa điểm KTCNTT?

Ông Ngô Minh Hải cho biết, báo cáo của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ đánh giá tình hình hoạt động của các địa điểm KTCNTT đã thành lập trong cả nước, đề xuất giải pháp để bố trí các địa điểm KTCNTT hiệu quả, phù hợp với các địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK lớn. Về hướng đi mới của các địa điểm KTCNTT có thể sẽ duy trì đối với những địa bàn cần thiết, hoạt động hiệu quả, với những địa bàn hoạt động chưa hiệu quả và các đơn vị KTCN kiến nghị không cử người đến thì không tổ chức làm việc tập trung.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng phân tích tình hình thực tế hàng hóa XNK tại cảng Cái Mép-Thị Vải, tính toán kỹ về quy mô triển khai, đánh giá giữa kinh phí đầu tư và hiệu quả để thống nhất triển khai thực hiện công tác quản lý nguyên ngành tại khu vực này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả cũng như kiến nghị hướng đi mới của địa điểm KTCNTT, Tổng cục Hải quan cần có ý kiến góp ý của cộng đồng DN cũng như từ các cơ quan quản lý có liên quan.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chon-huong-di-moi-cho-dia-diem-kiem-tra-chuyen-nganh-tap-trung.aspx