Chọn lọc, hướng tới bền vững

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang xây dựng những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, ngành dịch vụ.

Theo báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã duy trì đà tăng trưởng cao, đặc biệt là sự chuyển biến cả về lượng và chất.

Với hạ tầng hoàn thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, Đông Nam bộ luôn dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI

Đơn cử như Đồng Nai, tính đến cuối tháng 10/2018, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn của địa phương này đạt 1,59 tỷ USD, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2017, tăng 59% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.853 dự án với tổng vốn đầu tư 33,4 tỷ USD. Hầu hết các dự án đều được chọn lọc theo hướng ưu tiên công nghệ cao, lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường...

Tại tỉnh Bình Dương tính đến nay cũng đạt trên 900 triệu USD vốn FDI, dự kiến cả năm 2018 Bình Dương phấn đấu cán mốc 1,4 tỷ USD vốn FDI như kế hoạch đề ra. Điều đáng chú ý là Bình Dương đã không còn thu hút FDI bằng mọi giá mà chú trọng hướng đến chất lượng.

Hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến thời điểm này đã có 343 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 27,3 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các tập đoàn như: ACDL, SMC, Nippon, Mitsubishi, Posco, Sumitomo, Itochu, Kyoei Lotte, Sojitz…

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 10/2018, đã có tổng vốn đăng ký cấp phép mới và tăng vốn đạt 1.317 triệu USD, bằng 78,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc góp vốn, mua cổ phần có 2.454 trường hợp, tổng vốn đạt 4,75 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thu hút FDI, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung thời gian qua một phần bắt nguồn từ chiến lược mở rộng đầu tư sản xuất của các DN FDI tại Việt Nam. Ngoài ra, để tạo lợi thế cạnh tranh, các tỉnh, thành phố trong vùng cũng đã đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối thuận lợi; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu lao động cho các DN.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đã không đặt mục tiêu thu hút FDI bằng mọi giá mà hướng tới sự bền vững thông qua việc lựa chọn các dự án quy mô, công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường và có giá trị gia tăng cao, lựa chọn nhà đầu có uy tín, năng lực.

Cụ thể như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, tỉnh đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín; đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư không thích hợp. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ thu hút 80 dự án FDI, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 90 dự án trong nước với khoảng 100 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký.

Tại vùng Đông Nam bộ, vốn FDI đã từng bước tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chon-loc-huong-toi-ben-vung-111261.html