Chọn mô hình tăng trưởng cho chiến lược 10 năm

Mặc dù được coi là bài học thành công về phát triển kinh tế, song những thành tựu đạt được ban đầu trong chặng đường 30 năm đổi mới vừa qua chưa đủ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng trong tương lai. Thách thức đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam là làm thế nào để bứt phá, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trỗi dậy thành 'con hổ mới châu Á' vào năm 2045.

Xưởng may áo xuất khẩu của Công ty cổ phần Xí nghiệp may Hà Quảng, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: ANH SƠN

Xưởng may áo xuất khẩu của Công ty cổ phần Xí nghiệp may Hà Quảng, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: ANH SƠN

Tăng trưởng dựa vào tăng năng suất

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Do đó, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Ông Ô.Đi-ôn, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980 là những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Nhưng để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho Việt Nam là phải điều chỉnh, thay đổi mô hình tăng trưởng. Bởi những tác động của cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn, khó có thể trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong tương lai.

Vấn đề này cũng được các tổ chức nghiên cứu trong nước nhìn nhận. Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Giai đoạn 2021 - 2030 rất quan trọng, quyết định Việt Nam có vượt bẫy thu nhập trung bình hay không. Đây là giai đoạn được xác định là bứt phá, dự tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân phải đạt từ 7 đến 7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 6,3% của giai đoạn 2011 - 2020. Áp lực đặt ra rất lớn vì mô hình tăng trưởng cũ dựa vào các lợi thế so sánh từ thâm dụng lao động, sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo đang đến ngưỡng. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang tính đột phá, tạo bước ngoặt mới buộc mọi quốc gia phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ đến từ sự đột phá về tăng năng suất với mô hình tăng trưởng chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia thành công và không thành công là năng suất tổng hợp (TFP). Các nền kinh tế mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình có TFP trung bình là 0,4%, trong khi TFP của các nền kinh tế vượt bẫy thành công lên tới 1,2%. TFP của Việt Nam hiện nay rất thấp, muốn thành công trong giai đoạn 2021 - 2045, TFP của Việt Nam phải tăng 2,67%”, ông Ngoạn phân tích.

Thực hiện đổi mới 4.0

Theo tính toán của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 60,6 tỷ USD vào năm 2030 và tăng thêm 168,6 tỷ USD vào năm 2045. Nhưng trong thực tế, ĐMST của Việt Nam đang ở vị trí cuối bảng xếp hạng của thế giới và khu vực. PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, năm 2018, xếp hạng ĐMST của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 45 trong bảng xếp hạng của khu vực, bị bỏ xa so với Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về mức độ sẵn sàng công nghệ và ĐMST, Việt Nam cũng đang tụt hậu. Về tình hình sử dụng công nghệ, có tới 11,7% máy móc của Việt Nam được sử dụng hơn 20 năm, 34% máy móc sử dụng hơn 10 năm và chỉ có khoảng 9% điều khiển bằng máy tính. Trong khi đó, chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân/lao động của Việt Nam cũng rất thấp so với các nước trong khu vực: Năm 2015, Việt Nam chỉ chi 15 USD/người cho R&D. Con số so sánh tương ứng của Thái-lan là 64 USD/người, Ma-lai-xi-a là 260 USD/người, Trung Quốc là 300 USD/người, Nhật Bản là hơn 2.300 USD/người.

Ông Ô.Đi-ôn khuyến cáo, để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, Việt Nam cần có sự quyết tâm lớn của lãnh đạo, có hệ thống quản trị khoa học, tiên tiến, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, Trung ương và địa phương. Chìa khóa xử lý vấn đề nằm ở việc tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ đi đôi với giải quyết các vướng mắc trong cung cấp dịch vụ công. “Việt Nam cần thêm một cuộc đổi mới nữa để có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong kỷ nguyên của công nghệ, tôi gọi đó là cuộc đổi mới 4.0”, ông Ô.Đi-ôn nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh đến yếu tố thể chế trong mô hình tăng trưởng giai đoạn tới. Ông cho rằng, thể chế phải đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập, trọng dụng nhân tài và loại bỏ các yếu tố nhóm lợi ích chi phối.

Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2045, Việt Nam có cơ hội vàng để đột phá, nhờ bước vào thời kỳ dân số vàng và giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0. Khi đã xác định được đích đến, việc chọn mô hình tăng trưởng phù hợp và vạch ra định hướng lớn về chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Trong quá trình đó, nếu không tận dụng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội quý để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Năm 2030, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, GDP tính theo đầu người đạt 4.859 USD/người/năm (tính theo giá năm 2017) và 13.599 USD/người/năm (tính theo giá năm 2011). Năm 2045 trở thành nước thu nhập cao, GDP tính theo đầu người đạt 12.642 USD/người/năm (tính theo giá năm 2017) và 35.380 USD/người/năm (tính theo giá năm 2011).

Nguồn: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình theo chiều rộng vì còn ít dư địa. Thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng. Trong đó ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và ĐMST để nhảy vọt ở một số lĩnh vực. Cần ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp. Phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện thể chế thị trường và các thị trường cấu phần. Nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và doanh nghiệp. Thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm. Phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39612302-chon-mo-hinh-tang-truong-cho-chien-luoc-10-nam.html