Chọn nghề - Việc làm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch – Khách sạn

Đoàn công tác của Hiệp Hội Khách sạn Nhà hàng - DEHOGA, bang Sachsen – Anhalt, CHLB Đức, vừa có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, đề xuất một số nội dung để xúc tiến các bước hợp tác tiếp theo, trong đó dự kiến xem xét tiến tới ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Trong chương trình công tác tại Việt Nam lần này, Đoàn sẽ có các buổi làm việc với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Trường CĐ Du lịch Hà Nội, Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn… Hiện nay, DEHOGA đã lập một Dự án liên quan tới cung cấp đào tạo nghề cho các học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ phát triển làng nghề

Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, TP Hà Nội yêu cầu các sở liên quan xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn của thành phố. Trong đó, thành phố giao cho Sở Du lịch hỗ trợ làng nghề, cơ sở sản xuất ngành nghề quảng bá các sản phẩm gắn kết với các chương trình (tour) du lịch làng nghề, du lịch văn hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của địa phương.

Hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, thiết kế, sáng tác mẫu mã sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch cho làng nghề truyền thống có tiềm năng du lịch. Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề, xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch làng nghề, khuyến khích phát triển dịch vụ làng nghề.

25.000 ngư dân được đào tạo nghề

Đáp ứng nhu cầu nhân lực biển Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa 15 nghề thuộc lĩnh vực kinh tế biển vào Danh mục nghề trọng điểm đào tạo nhân lực bao gồm: 9 nghề ở cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ khu vực, 8 nghề cấp độ quốc gia. Các mô hình thí điểm cũng được xây dựng để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư cho ngư dân trong việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020...

Đến nay, tại 28 địa phương ven biển, tổng số lao động được đào tạo phục vụ trực tiếp các hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản là khoảng 30.000 người. Các địa phương cũng triển khai và nhân rộng các mô hình dạy nghề trong lĩnh vực thủy sản thông qua tổ chức thí điểm dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng hạng tư cho ngư dân ở 16/28 địa phương ven biển với tổng số 25.000 ngư dân, chiếm 30% số ngư dân cần được đào tạo.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chon-nghe-viec-lam-3956431-b.html