Chọn người xứng đáng

Theo đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021 sẽ phải sắp xếp lại 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% của 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Sẽ có nhiều tác động liên quan đến sự sắp xếp này, đặc biệt là công tác cán bộ. Ai đi, ai ở, ai làm lãnh đạo, ai xuống thành nhân viên…cần công khai, minh bạch để lựa chọn được những cán bộ tốt nhất cho nền công vụ.

Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tuần qua ngành Công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục. Ở cấp địa phương, 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Đây quả là “một cuộc cách mạng lớn” theo hướng bớt cấp trung gian, thu gọn đầu mối.

Thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian trở thành giải pháp mang tính đột phá để tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy đồng thời tiết kiệm cho ngân sách một khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, nhiều địa phương đã quyết liệt thực hiện chủ trương này.

Với Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, sau sắp xếp, các đơn vị đã giảm 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Thành ủy Hà Nội cũng đã tiến hành hợp nhất Đảng bộ khối Doanh nghiệp và Đảng bộ khối Du lịch, từ 5 Đảng bộ khối giảm 1 đầu mối còn 4 Đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy…

Giảm đầu mối, giảm các cơ quan trung gian để giảm biên chế. Nói tới vấn đề này, Quảng Ninh đang được coi là tỉnh đi đầu trong cả nước về lĩnh vực sắp xếp tổ chức, thu gọn bộ máy và thực hiện chủ trương “nhất thể hóa”. Theo đó, sau 3 năm triển khai việc tinh giản biên chế, địa phương này đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương.

Không chỉ các địa phương, hiện một số bộ ngành cũng đã có nhiều phương án để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Bộ Công thương từng nổi lên như “ngôi sao cải cách” khi thu gọn số đầu mối (vụ, cục) từ 35 xuống còn 30. Điều này cũng sẽ giúp số phòng, đơn vị trong các vụ, cục sẽ giảm đi nhiều.

Để góp thêm tiếng nói vào công cuộc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ hướng tới nền hành chính tinh gọn hiệu lực hiệu quả, Bộ Nội vụ đang dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã với mong muốn gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Theo đó, sẽ có tới 259 huyện, 6.191 xã không đủ điều kiện về 2 tiêu chí diện tích và dân số sẽ phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập lại.

Chưa biết phương án cụ thể của công cuộc sáp nhập này ra sao nhưng lắm nỗi lo, nhiều quan ngại liên quan đến sự sáp nhập này. Khó khăn lớn nhất có lẽ thuộc về khâu sắp xếp nhân sự. Hai nhập một sẽ giảm một nửa số lượng cán bộ công chức. Thậm chí, giảm một nửa cán bộ không chuyên trách của những nơi đó. Xử lý người dôi dư ra sao, ai người lên chức ai xuống làm chuyên viên… xử lý để người ta yên tâm quả là thách thức.

“Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi, người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”- Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cảnh báo.

Chưa làm gì, mới chỉ nghe phong thanh chuyện sáp nhập mà mọi chuyện đã rối lên, người ta đã tính chuyện chạy chọt, điện thoại cứu trợ là có thật. Bởi có quá nhiều chuyện lùm xùm bổ nhiệm cán bộ ở buổi “hoàng hôn” nhiệm kỳ, bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm người nhà, chuyện cả họ làm quan rồi “nâng đỡ không trong sáng”… đã từng gây bức xúc trong dư luận. Thì nay, nếu sắp xếp lại số lượng lớn huyện xã nói ở trên sẽ dư ra ít nhất một nửa số lượng cấp trưởng và rất nhiều cấp phó, nếu làm không khéo thông qua những cuộc sáp nhập này sẽ tạo kẽ hở cho những hành vi khuất tất, tiêu cực. Nếu chúng ta làm không khéo đây sẽ là mảnh đất mầu mỡ cho những cuộc chạy đua mà kết quả cuối cùng là người giữ cương vị đứng đầu của đơn vị mới chưa chắc đã phải là người xứng đáng nhất.

Vì vậy, cần có kế hoạch tổng thể cho việc sắp xếp, có những hướng dẫn chi tiết cho công tác cán bộ điều này nhất thiết phải được tính toán kỹ lưỡng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói. Theo ông Dĩnh, với những cán bộ được lựa chọn, cần thiết phải làm thận trọng, khách quan để chọn được người có đức, có tài, có trách nhiệm với người dân để bố trí. Nếu có điều kiện nữa thì nên tổ chức thi tuyển. Có thi tuyển, cạnh tranh một cách công bằng, công khai, minh bạch như vậy mới tránh được sự so bì, để cán bộ lãnh đạo nếu được bổ nhiệm vị trí cao nhất cũng cảm thấy mình xứng đáng còn người xuống là nhân viên sẽ chẳng tâm tư.

Thật vậy, để tránh những sự đáng tiếc xảy ra với công tác cán bộ cần phải công khai, minh bạch, dân chủ. Đó là “liều thuốc” chung của nhân loại để đảm bảo một bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao một cách xứng đáng. Phải công khai minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, đây là một trong những yếu tố tuyệt vời để chọn được người tài. Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ thay đổi được công tác cán bộ, vẫn phát huy được dân chủ nhưng sẽ hạn chế tình trạng chạy việc, chạy chức, chạy quyền… bấy lâu nay, bởi khi đã công khai minh bạch mọi thứ sẽ “bật” ra hết.

Tất nhiên thi tuyển công khai minh bạch để chọn người xứng đáng nhất để bổ nhiệm lại là điều cần phải làm nhưng đó mới là khâu đầu tiên để lựa chọn những cán bộ lãnh đạo cao nhất cho các đơn vị sáp nhập lại. Điều quan trọng hơn là sau thi tuyển cạnh tranh, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình làm việc của những người được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Nếu cán bộ đó thật sự không xứng đáng cũng phải có phương án xử lý đảm bảo tính khách quan. Có như vậy mới tiến tới nền công vụ tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, vì dân phục vụ.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chon-nguoi-xung-dang-tintuc412395