Chọn trọng tâm để lãnh đạo, nâng cao vai trò tổ chức cơ sở đảng

Thực hiện chủ trương nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa bàn khó khăn, đặc thù, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Triển khai thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đã đề ra mục tiêu, giải pháp theo từng giai đoạn cụ thể, từ đó toàn Đảng bộ tỉnh Điện Biên đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực công tác này, nhất là ở khu vực vùng sâu, miền núi và biên giới.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực tế ở tỉnh Điện Biên cho thấy, khi tổ chức cơ sở đảng mỏng và yếu, nhiều địa bàn thôn, bản chưa có đảng viên đã đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Văn Muôn nhớ lại, năm 2008, toàn tỉnh có 134 trong số 1.459 bản ở hầu hết các huyện, thị xã chưa có đảng viên. Cụ thể, tại các huyện Mường Nhé và Nậm Pồ có 82 bản, Mường Chà 20 bản, huyện Điện Biên 11 bản, Điện Biên Đông còn năm bản, Mường Ảng bảy bản, thị xã Mường Lay hai bản và huyện Tuần Giáo còn bảy bản. Tại các bản này, khảo sát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định, đặt ra những thách thức cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh xây dựng chương trình hành động, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm cụ thể, sát thực tiễn từng địa phương; trong đó coi trọng phát triển Đảng về số lượng, bảo đảm chất lượng, từng bước thu hẹp những thôn, bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Theo đó, từng cấp ủy viên, đảng viên và cán bộ, công chức cơ sở đã xác định trách nhiệm, thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đề ra mục tiêu, giải pháp tham gia quá trình nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng trong lĩnh vực công tác này.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nậm Pồ Trần Đình Nhuận cho biết: Bám sát nội dung nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên của Tỉnh ủy, Huyện ủy Nậm Pồ đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại cơ sở. Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch chuyên đề bám sát mục tiêu, bảo đảm đến năm 2020, toàn huyện không còn thôn, bản chưa có đảng viên, không có chi bộ. Căn cứ nhiệm vụ đề ra, từng năm, Huyện ủy xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và giao chỉ tiêu cụ thể đến các chi bộ, đảng bộ. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy có công văn chỉ đạo các đảng bộ cơ sở phân công các đồng chí cấp ủy viên, chuyên viên các ban xây dựng Đảng huyện theo dõi, giúp đỡ và dự sinh hoạt đảng ở các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và một số vấn đề phát sinh ở cơ sở. Theo đó, các xã đã phân công mỗi đồng chí đảng ủy viên có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ và dự sinh hoạt Đảng hằng tháng với ít nhất một chi bộ; mỗi đảng viên có kế hoạch giúp đỡ từ ba đến năm gia đình. Cách làm này đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tạo thêm động lực cho quần chúng ưu tú quyết tâm phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Nậm Pồ đã có thêm 926 quần chúng được kết nạp Đảng (trong đó 740 đảng viên mới được kết nạp là người dân tộc thiểu số), 36 bản trong toàn huyện trước đây chưa có đảng viên đã phát triển được đảng viên. Nhiều bản đã thành lập được chi bộ. Các thôn, bản có sự lãnh đạo của chi bộ đảng đã đẩy nhanh quá trình triển khai chủ trương, nghị quyết của cấp trên đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Với huyện Điện Biên Đông, công tác lãnh đạo, xây dựng tổ chức đảng ở những địa bàn chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên được Huyện ủy chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp, như: Phân công, điều chuyển cán bộ, đảng viên về công tác ở những bản chưa có đảng viên; xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ chức chính trị ở bản để tạo nguồn bồi dưỡng quần chúng ưu tú tại cơ sở. Huyện ủy giao đoàn thanh niên phải đổi mới phương thức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia, qua đó phát hiện hạt nhân ưu tú để tạo nguồn, giới thiệu kết nạp đảng viên. Đồng chí Vừa A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Kiên trì thực hiện các giải pháp, huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành mục tiêu năm bản không còn “trắng” đảng viên, gồm: Thẩm Chấu, Háng Pa, Pú Nhi D, Tà Té D, Háng Lìa 1. Đảng bộ huyện đã giảm 37 chi bộ sinh hoạt ghép. Kết quả đó góp phần quan trọng để Điện Biên Đông thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tháng 5-2019, Đảng bộ huyện Điện Biên đã hoàn thành mục tiêu không còn bản không có đảng viên, cho dù ở huyện còn nhiều khó khăn đặc thù. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết: Đã hàng chục năm liền, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn tập trung lãnh đạo, triển khai các giải pháp về công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; tăng cường luân chuyển cán bộ các phòng, ban ở huyện về các xã giữ chức danh chủ chốt để rèn luyện, thử thách. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, từng đồng chí khi được luân chuyển về cơ sở đều phải thực hiện nhiệm vụ góp phần phát triển đảng viên và chi bộ ở cơ sở. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác, làm căn cứ xem xét đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ luân chuyển. Từ đó, công tác phát triển Đảng của huyện Điện Biên có chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ chỉ có 3.759 đảng viên với 58 tổ chức cơ sở đảng (năm 2005) đến nay Đảng bộ huyện đã có 6.519 đảng viên, 70 tổ chức cơ sở đảng. Như vậy, huyện hoàn thành mục tiêu phát triển Đảng ở tất cả 11 bản chưa có đảng viên vào thời điểm năm 2008. Trong đó, hai bản Huổi Chổn (xã Nà Nhạn), bản Hoa (xã Nà Tấu) từng là bản “trắng” đảng viên, nay đã có đảng viên, thành lập được chi bộ. Kết quả này đem lại niềm tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân hai bản.

Nổi bật trong thực hiện mục tiêu này là Đảng bộ các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Chà, Điện Biên. Đánh giá kết quả thực hiện chủ trương không để bản “trắng” đảng viên, đồng chí Lò Văn Muôn ghi nhận: Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng được tập trung chỉ đạo, nhất là nơi có nhiều khó khăn, địa bàn trọng yếu, vùng cao, vùng biên giới của tỉnh. Nhờ cách làm sáng tạo, cụ thể của đảng bộ các huyện, đến nay 117 bản “trắng” đảng viên đã phát triển được đảng viên. Trong đó hai huyện Mường Nhé, Nậm Pồ có 65 bản; Điện Biên 11 bản; Điện Biên Đông năm bản, Mường Chà 20 bản… Đảng viên là người dân tộc thiểu số hiện đã chiếm gần 50% số đảng viên trong toàn tỉnh (36.932 người). Thực tế ở tỉnh Điện Biên khẳng định, kết quả phát triển Đảng nêu trên đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ sở ngày càng hiệu quả hơn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đang tiếp tục tập trung chỉ đạo gắn công tác phát triển Đảng ở địa bàn khó khăn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trong thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên địa bàn đặc thù, nhiều khó khăn. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh tổ chức đảng, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời có hình thức khen thưởng, nêu gương kịp thời những tổ chức đảng và cá nhân có thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/42762402-chon-trong-tam-de-lanh-dao-nang-cao-vai-tro-to-chuc-co-so-dang.html