Chốn về đợi bước thiên di

Trong buổi cà phê cuối tuần, người bạn vong niên than, bây giờ con cháu chẳng thiết tha cơm nhà…

Chẳng là, nhà chú ấy sống chung 3 thế hệ, nhưng cũng thưa người. Cậu con trai lấy vợ, sinh được đứa con trai. Sáng sớm, hai vợ chồng mạnh ai nấy ăn rồi tranh thủ đi làm cho đến tối mịt mới về.

Con trai biết tính ba thích ăn cơm nhà, liền đề nghị buổi trưa về nấu cơm cho ba, hoặc là chế biến sẵn gì đó rồi đến bữa ba chỉ việc lấy thức ăn ra hâm lại. Được một thời gian thấy phiền quá, lại ảnh hưởng đến công việc, giờ nghỉ trưa ít ỏi của con, không đáng nên chú thôi, bảo “để đến bữa ba tự ra đầu hẻm mua gì ăn cũng được”. Thành ra, mang tiếng có con dâu mà ba chồng chỉ toàn ăn cơm hộp.

Cô con dâu còn trẻ tuổi, tính tình xởi lởi ruột để ngoài da. Mỗi lần thấy ba nhắc đến bữa cơm nhà là chối đây đẩy, nói “ba muốn ăn gì con ship về, 30 phút là có liền. Nóng hổi luôn”. Thế là những ngày cuối tuần cả gia đình ở nhà, đến bữa con dâu gửi thực đơn món ăn qua tin nhắn cho ba chọn, rồi ship về cùng ăn. Cũng là mâm cơm gia đình nhưng chẳng nghe tiếng khua chén đũa, chỉ toàn hộp, giấy…

Bữa cơm bên người thân dung dưỡng biết bao tâm hồn. Ảnh: CA DAO

Bữa cơm bên người thân dung dưỡng biết bao tâm hồn. Ảnh: CA DAO

Cuộc sống hiện đại mang lại sự tiện nghi cho con người, nhưng đôi khi cũng lấy đi những giá trị mà con người không cảm nhận được. Tôi thuộc thế hệ 8X, nhưng toàn ăn cơm nhà ngày 3 bữa. Dù có sống qua nhiều vùng đất, môi trường khác nhau, nhưng giờ chỉ cần nhắm mắt lại là tôi có thể hình dung ra bối cảnh bữa cơm nhà trên tấm phản gỗ trước mái hiên. Cảm xúc thân thương vẫn nguyên vẹn như mới vừa hôm qua.

Hồi mới lên thành phố, ở trọ. Mỗi lần có người nhà dưới quê lên là cả xóm biết, bởi vì căn phòng chứa đầy món quê, nào rau củ quả, trái cây, cá khô… Tôi bày tràn lan mà không cần gọn gàng gì, như thể khoe chiến tích: trái mít của chị Năm, túi xoài nặng trĩu của nhà hàng xóm kế bên, cá kho sẵn của chị Bảy, mớ ổi nhà cô, rau thập cẩm vườn mẹ, cả cặp gà của đứa bạn thân… Tôi mang đi biếu hàng xóm chung quanh người một ít ăn lấy thảo. Sau đó thì cả tuần mâm cơm tràn ngập món quê nhà.

Thỉnh thoảng anh chị em tôi có dịp hội tụ, những bữa cơm cứ rôm rả chuyện trò. Có những anh chị giờ đã là ông nội, bà ngoại vẫn nhớ như in chuyện cũ bên mâm cơm thuở cơ hàn, giờ nhắc lại còn ôm bụng cười mãi không dứt được. Bữa cơm gia đình đơn sơ với rau củ quả vườn nhà thôi, nhưng dung dưỡng biết bao tâm hồn. Để có qua dặm dài dâu bể, ký ức bên bữa cơm gia đình vẫn tươi đẹp lung linh mỗi khi nghĩ về.

Có lần tôi đi du lịch nước ngoài, tour không quá dài nhưng cũng đủ cho ai nấy ngán ngẩm những bữa ăn khác khẩu vị nơi xứ người. Khi đó, trên bàn ăn lại râm ran câu chuyện về những bữa cơm đậm chất Việt. Một chị lớn tuổi nhất đoàn, đoán cũng chừng hơn 60, mỗi lần ngồi vào mâm cơm là toàn kể những món quê nhà, như một cách ăn trong tâm thức. Cứ thế, những câu chuyện về mâm cơm Việt kết nối những người xa lạ lại với nhau.

Mâm cơm thời hiện đại, có quá khó khăn để thực hiện hay không? Tôi có theo dõi những trang ẩm thực có đến vài chục ngàn người tham gia trên mạng xã hội. Có những cô gái độ tuổi Gen Z thôi, nhưng có tình yêu mãnh liệt với gian bếp.

Với họ, vào bếp là khoảnh khắc tuyệt vời nhất để sống, để cảm thụ, chứ không phải vất vả gì. Vậy nên sau giờ làm lại tranh thủ trở về bên căn bếp. Chăm chút cho từng món ăn, rồi chụp hình chia sẻ cùng mọi người như một nhu cầu giải trí giúp cân bằng sau giờ làm việc.

Hẳn nhiên, không cần quá sức cầu kỳ, chỉ cần hướng tâm muốn mang lại bữa ăn đầm ấm cho gia đình, ai cũng có thể thực hiện được. Mỗi ngày 1 bữa? Mỗi tuần 1 bữa? Đều được. Để rồi, chính những bữa cơm thân thương ấy sẽ là những hạt mầm nuôi dưỡng tình yêu thương của từng thành viên trong suốt hành trình cuộc đời.

Đi xa là để trở về, nếu như cả bữa cơm gia đình cũng chẳng đọng lại điều gì, thì liệu quê nhà có còn là chốn về níu kéo bước thiên di?

Hẳn không ít anh chàng, dù sống trong thời hiện đại đến mấy, cũng sẽ thích một cô nàng đam mê bếp núc. Bởi vì con đường ngắn nhất đến trái tim chính là đi qua dạ dày mà! Kể cả những anh chàng đã có gia đình cũng không tránh khỏi ước mong vợ mình một ngày nào đó cũng vào bếp để chăm chút bữa ăn cho gia đình.

ÁNH HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chon-ve-doi-buoc-thien-di-post689577.html