Chốn vô luật pháp khắp nơi, nỗi bất an trỗi dậy

Cảm giác bất an của mỗi người khi ra đường - đã trở thành thường trực, bởi luật pháp đang không tồn tại ở quá nhiều nơi, và ngày càng nhiều những cái chết oan uổng, đau đớn và thảm khốc.

pháp luật bị nhờn đỉnh điểm

Cách đây vài năm, trong chuyến từ thiện tới một vùng núi giáp biên giới của Hà Giang, tôi đã rất ngạc nhiên khi được một người đàn ông dân tộc đưa cho chiếc mũ bảo hiểm trước khi bước lên xe máy đi loanh quanh gần nơi ở. Tôi nghĩ, chắc họ chỉ làm vậy với những người khách tới đây, chứ vừa vắng vẻ vừa không có công an như thế này, người dân đội mũ làm gì?

Thậm chí khi đi qua con đường núi quanh co lác đác vài ngôi nhà, nhìn tấm biển báo “khu vực đông dân cư, vận tốc 5km/h” viết trên tấm bảng gỗ cắm sơ sài, tôi cũng bật cười chụp ảnh lại. Trong đầu vẫn nghĩ, chắc viết cho vui chứ nơi không mấy bóng người, người dân có khi còn không có khái niệm máy bắn tốc độ.

Nhưng buổi tối khi gặp cán bộ huyện, tôi mới ngạc nhiên khi biết, người dân ở đây ai đi xe máy cũng đều đội mũ bảo hiểm cả, và đến khu vực có biển báo, thường là có một vài nhà dân ven đường, người lái xe sẽ đi chậm hơn. Không phải tự ý thức họ cao đến vậy, mà họ rất sợ bị dọa phạt, tiền đâu ra mà nộp phạt cho cán bộ?

Tức là lực lượng thực thi pháp luật - như công an, họ biết cách làm cho người dân biết rằng có một chế tài – tạo ra nỗi sợ để không vi phạm. Nên dù đi cả chục km không thấy bóng dáng một anh “áo vàng” nào trên đường, người dân vẫn chấp hành.

Trở về Hà Nội sau chuyến từ thiện, tôi nhanh chóng quên câu chuyện nhỏ, cho tới khi cảm giác bất an xâm chiếm, luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ, mỗi khi bước chân ra đường.

Video: Cận cảnh cò dắt khách, nhận tiền boa ở "chốn vô luật pháp" giữa Thủ đô

Đi bộ thì không có lề đường vỉa hè mà đi; đi xe máy thì dừng đèn đỏ cũng là cái tội, vì chẳng ai tuân thủ luật giao thông, đến xe “chở hàng’’ kẹp 5 lướt qua vù vù cũng chẳng bác cảnh sát giao thông nào thèm tuýt còi.

Trên đại lộ Thăng Long nghìn tỷ ở Hà Nội, biển báo giăng khắp nơi khẳng định con đường này chỉ dành cho ô tô; xe máy và các phương tiện thô sơ khác không được đi vào. Vậy mà vun vút xe máy lạng lách đánh võng, xe ba gác phóng bạt mạng, thậm chí cả tiếng nhạc như quán karaoke lưu động phát ra nghênh ngang, trâng tráo giữa đường, cũng chẳng thấy ai đứng ra giải quyết.

Đi trên đường cao tốc trên cao (cũng là nơi dành riêng cho ô tô), nỗi sợ quay trở lại, đang đi lại giật thót mình khi những ông xe ôm lao vào đường ngược chiều, chạy theo chiếc xe khách chuẩn bị trả khách… ngay giữa đường cao tốc.

Lái xe sát nhân

Những cái chết oan uổng, thảm khốc không biết từ bao giờ đã trở thành cơm bữa, vụ này chưa qua vụ khác đã ập tới. Đến nỗi những dòng tin tài xế máu lạnh đoạt mạng người vô tội trong chớp mắt, người đọc đã không còn dung nạp nổi vì quá tải.

Tài xế container tông xe Innova lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên làm 4 người chết.

Tài xế rọi đèn, lao ô tô ngược chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) bất chấp tính mạng của người khác.

Chiếc xe container ngang nhiên quay đầu chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến cả đoàn xe đang xuôi chiều phải cuống cuồng khựng lại.

Một phụ nữ đi ô tô 4 chỗ ngược chiều tại làn trong cùng đoạn km 30 hướng Hà Nội – Hải Phòng, liên tục nháy đèn pha để cảnh báo các xe khác đang đi đúng chiều.

Xe tải rọi đèn pha lao ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai đêm 13/11. (Nguồn: HT)

Xe tải rọi đèn pha lao ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai đêm 13/11. (Nguồn: HT)

Một ô tô đầu kéo kéo theo một container liều chết lùi phăng phăng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khiến các phương tiện khác đang di chuyển phải phanh, dừng khẩn cấp.

Một vài trong vô số những nguy hiểm rình rập khi bước chân ra đường, như chốn vô pháp, là điều chắc chẳng ai mường tượng nổi.

Chợ trời, bến xe - chốn côn đồ lộng hành

Tôi gọi rất nhiều khu chợ, cả bến xe là chợ trời, dù tất cả đều mang danh tồn tại dưới sự quản lý của cơ quan chức năng. Ở đó, mọi thứ gần như mang dáng dấp tự phát, và muốn sống, buộc phải chọn lối hành xử dưới sự điều hành của một vài dân “anh chị” nào đó, mà chỉ cần nhắc tới tên thôi, đã đủ thấy thế lực.

Rất nhiều nơi, cảm giác chẳng ai sợ ai, muốn tồn tại ở những nơi đó, không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc chấp nhận một thứ 'luật rừng' vô phép vô tắc.

Không phải đến khi hình ảnh “đại ca” Hưng Kính bận áo trắng, quần trắng, giày trắng đứng giữa khu chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội chỉ tay năm ngón, vỗ ngực như “ông giời con”, người ta mới biết đến thứ “luật rừng” đã và đang tồn tại ở nhiều nơi.

Chợ đầu mối Long Biên, hay bất cứ khu chợ đầu mối phức tạp nào, cũng sẽ chẳng một ai dám mang tư duy kinh doanh mua bán bình thường tới với ý định làm ăn. Chỉ cần nhìn đám giang hồ lởn vởn hỏi “thích sống hay thích chết, chán sống chưa?” thì tôi đoán không mấy người dám phản ứng hay mang cấp chính quyền nào ra để dọa.

Bến xe Yên Nghĩa, bến xe Mỹ Đình… cũng khác gì một loại chợ trời. Những kẻ mang danh nhân viên điều hành, thực chất là “bảo kê”, dùng nước bọt, nắm đấm, và cả ống tuýp sắt ra “xử đẹp” các doanh nghiệp vận tải khác là chuyện đã xảy ra. Trắng trợn đến mức đập phá cửa xe hãng khác, đánh lái xe đến chết đi sống lại, cũng không phải chưa từng được nói đến.

Ngay cả mấy anh chị “giang hồ vặt” ở các bãi gửi xe, còn thích mắng là mắng, thích chửi là chửi, luôn vênh vang “mày cần bố chứ bố không cần mày”. Chúng có cầm dao cắt cổ 100.000 đồng/tiếng gửi xe nhiều người cũng phải cun cút đưa.

Rất nhiều nơi, cảm giác chẳng ai sợ ai. Muốn tồn tại ở những nơi đó, không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc chấp nhận một thứ “luật rừng” vô phép vô tắc.

Người bảo vệ pháp luật ở đâu?

Ai đang tạo ra sự bất an của tôi, và rất nhiều người dân ngoài kia? Chính quyền ở đâu khi nhiều nơi biến thành chốn vô luật pháp như thế?

Hoặc chính quyền yếu kém, vô trách nhiệm bởi tất cả mọi sự bất tuân luật pháp, đều có quy định, chế tài rất rõ ràng. Đi vào chốn không được phép đi, gây nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh, vi phạm tùy cấp độ đã có những luật lệ cụ thể. Chỉ có điều là người đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ấy, có thực hiện hay không mà thôi.

Những khu vực nhộm nhoạm như chợ trời, một phần bộ mặt của nền kinh tế xuất phát từ chính những khu chợ đó, nhưng cách để duy trì, và phát triển hiện tại, lại chạy theo một thứ luật lá chộp giật, vô đạo đức, đi ngược với xu thế kinh doanh thông thường.

Tiểu thương không thấy mình được bảo vệ, thì tâm lý yên ổn làm ăn, đóng góp cho xã hội, sẽ được nuôi dưỡng bằng cách nào? Hay cũng sẽ lừa lọc, ăn cắp và đầu độc trở lại chính người tiêu dùng, trong đó có mỗi chúng ta?

Còn nếu không phải chính quyền yếu kém, thì rõ ràng là chính quyền biết mà mặc kệ sự vô pháp luật tồn tại.

Tiểu thương ở chợ Long Biên (quận Ba Đình) phải đóng tiền bảo kê cho một người đàn ông. (Ảnh: Phunuonline)

Có những chuyện vặt như con kiến, năm ba bao xi măng cơi nới nhà bếp, cơ quan chức năng biết ngay lập tức, thì lý do gì để những việc động trời, cả làng cả nước biết, suốt nhiều năm tháng các cơ quan quản lý lại không biết?

Ngay cả khi không biết, đã có dư luận gõ cửa tận nơi nói cho các anh biết. Hay câu trả lời “sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật” đã là một thứ phản ứng trơn tru trong mọi trường hợp?

Đã đến lúc phải nâng khung hình phạt của rất nhiều tội danh lên mức cao nhất, để làm cho những kẻ máu lạnh biết sợ hãi, biết ghê tay khi phạm tội.

Chỉ cần thực hiện được lời nói cứng rắn đó vài % thôi, suốt bao nhiêu năm người dân không phải đỏ mắt tìm bóng dáng cảnh sát, những người đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật trên những ngã tư lộn xộn, trên đại lộ tử thần, trên cao tốc đầy bất trắc; không phải hoang mang giữa vòng vây côn đồ khi đang leo lên chiếc xe này bị ép buộc sang xe khác để về quê; không phải vừa rút tiền ra “cúng”, vừa nhìn anh Hưng “kính” ngoan ngoãn và thành kính như thể anh thực sự là “công dân tốt”, “đặc tình” như anh thường vỗ ngực.

Hay có một thứ luật, còn cao hơn “luật rừng”; có một thứ “bảo kê”, đóng mác luật pháp đứng trên các loại “bảo kê”, giá trị quy đổi gấp nhiều lần những xử phạt thông thường, và gấp nhiều lần cả những khoản “tô thuế” của các ông “giời con”?

Nhưng dù là “luật rừng”, là “bảo kê” hay là sự vô trách nhiệm của bất cứ ai, thì những cái chết ngày càng nhiều, ngày càng thảm khốc, ngày càng đau đớn và dữ dội ngoài kia, lẽ nào không phải tiếng khóc của người vô tội về mong muốn pháp luật có những chế tài xử lý nghiêm minh hơn, mang tính răn đe hơn?

Liệu có phải đã đến lúc phải nâng khung hình phạt của rất nhiều tội danh lên mức cao nhất, để làm cho những kẻ máu lạnh biết sợ hãi, biết ghê tay khi phạm tội, biết rằng, mạng người nào cũng đáng quý như nhau, không phải mạng của anh giá trị, của người khác chỉ là thứ vứt đi?

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến của mình TẠI ĐÂY hoặc qua email toasoan@vtc.gov.vn

An Yên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chon-vo-luat-phap-khap-noi-noi-bat-an-troi-day-d439118.html