'Chống ăn không ngồi rỗi, chứ không loại bỏ đi vị trí thực sự vì dân'

Theo đại biểu Quốc hội, việc đại điện các cơ quan quyền lực 'ngồi' vào Hội đồng nhân dân các cấp là 'vừa đá bóng vừa thổi còi' và điều này là mất chất lượng của các đại biểu.

Đại biểu Phương Thị Thanh, đoàn Bắc Kạn trả lời phỏng vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Phương Thị Thanh, đoàn Bắc Kạn trả lời phỏng vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng ngày 10/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủLuật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành năm 2015.

Sau thời gian ngắn đi vào cuộc sống, hai Luật này đã phát huy những tác dụng tích cực, tuy nhiên cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Quốc hội khóa XIV về thẩm tra dự án Luật, các đại biểu quốc hội thống nhất tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, giải trình một số nội dung đưa vào dự thảo Luật lần này.

Không nên giảm cơ học về khung số lượng

Trao đổi bên lề Quốc hội cùng ngày, Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ đã đáp ứng đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương ban hành.

Tuy nhiên, với ý kiến đề xuất giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện và giảm phó trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành viên Hội đồng nhân dân các cấp, bà Thanh nhấn mạnh, việc giảm hay tăng số lượng nhân sự cần phải có những căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả về hoạt động của Hội đồng nhân dân.

“Theo Luật hiện hành, thường trực Hội đồng nhân dân bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, chánh văn phòng. Hiện nay, Hội đồng nhân dân chỉ duy nhất có phòng công tác nhân dân giúp việc chung. Trong khi, hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cơ bản là hoạt động chuyên trách. Song ở cấp tỉnh, ngoài hoạt động của Hội đồng nhân dân các đồng chí còn phải tham gia hoạt động chung của tỉnh, do đó nếu chỉ có một phó chủ tịch phụ trách chuyên trách thì sẽ rất khó điều hòa hoạt động cho tốt. Bởi vậy, việc cắt giảm cấp tỉnh cần cân nhắc, còn ở cấp huyện thì phù hợp,” đại biểu Quốc hội chỉ ra.

Khẳng định, “tất cả chủ trương chính sách nếu không qua màng lọc địa phương là cấp huyện, cấp xã sẽ không đến được với dân,” đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, việc giảm một phó chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp là không nên.

“Không nên nghĩ đến việc giảm cơ học mà phải căn cứ vào quá trình giải quyết công việc. Như việc đưa một đồng chí thành viên của Hội đồng nhân dân các bên lên Phó chủ tịch đảm bảo hoạt động điều phối các ban và hoạt động Hội đồng nhân dân như thời gian qua là hiệu quả. Bởi, một đồng chỉ đi họp là ‘mệt’ rồi, chưa nói ‘ngồi đó’ mà điều phối, hơn nữa các đồng chí này còn phải tham gia nghiên cứu các vấn đề lớn của địa phương để điều hành phiên họp của Hội đồng nhân dân và việc giám sát của Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân,” ông Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang cho rằng, việc giảm một phó chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp là không nên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quyền thực thi của Hội đồng nhân dân thực tế?

Được hỏi, “có những ý kiến cho rằng, quyền thực thi của Ủy ban nhân dân luôn cao hơn Hội đồng nhân dân. Và, dự thảo Luật có giải quyết được vấn đề này.” Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thẳng thắn chỉ ra, đây là một trong những điểm bất cập mà dự thảo Luật lần này chưa xóa bỏ được.

“Có thể nói, thời gian qua, theo đánh giá của cử tri và một số đại biểu Hội đồng nhân dân thì hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp mà đặc biệt cấp xã là còn hình thức. Thứ nhất, các vấn đề được xem xét và quyết là ở cấp thường vụ. Thứ hai, số lượng đại biểu chuyên trách thấp khi hầu hết đại biểu ‘có chân’ trong chính quyền. Điều này làm giảm khả năng quyết định một cách thực sự của cơ quan dân cử trong các cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương,” ông nói.

Ông Nhưỡng nhấn mạnh thêm: “Tôi nói không chỉ cấp xã mà kể cả cấp huyện và tỉnh.”

Vì vậy, ông tán thành ý kiến của nhiều đại biểu khác là tập trung xem xét không chỉ dừng ở khung bộ máy và giảm biên chế mà cần phải cơ cấu lại đại biểu, số lượng và tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Vì, nếu tiếp tục để tình trạng Hội đồng nhân dân có sự tham gia của Ủy ban nhân dân sẽ không thực hiện được nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp.

Theo ông, “trái tim” của dự thảo Luật lần này không chỉ đặt vấn đề công tác tổ chức bộ máy mà phải xem xét nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân qua cơ cấu lại tỷ lệ hoạt động chuyên trách và chất lượng các đại biểu chuyên trách. Vì nếu, có đại biểu chuyên trách nhưng không có chất lượng, chỉ mang tính chất hình thức thì dự thảo Luật không thể nâng cao chất lượng của Hội đồng nhân dân, tức là “bình mới nhưng rượu vẫn cũ.”

“Biên chế lại cán bộ là làm sao không để phình thêm bộ máy ‘ăn hại’. Luật sửa đổi một số nội dung là để chống ‘việc ăn không ngồi rỗi’ chứ không bác bỏ, không loại những chức vụ, vị trí thực sự làm việc vì dân. Cụ thể, các trường hợp là các giám đốc sở, các chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chánh án tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân… không cần thiết tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân. Hiến pháp quy định rồi, đây là các cơ quan quyền lực, nếu anh ngồi vào đó là ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’, mất chất lượng. Anh chỉ bảo vệ lợi ích nhóm hơn là thực hiện nhiệm vụ chính của đất nước và đại diện quyền lợi của người dân,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra./.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn báo chí bên hàng lang Quốc hội.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chong-an-khong-ngoi-roi-chu-khong-loai-bo-di-vi-tri-thuc-su-vi-dan/573980.vnp