Chống bắt nạt nơi công sở tại Hàn Quốc

Doanh số thiết bị video và audio công nghệ cao tại Hàn Quốc tăng mạnh sau khi luật mới ra đời, khuyến khích người lao động bí mật ghi lại những hành động ức hiếp hoặc quấy rối của 'sếp' ở công sở.

Doanh số máy ghi âm và ghi hình của hãng điện tử Auto Jungbo trong năm nay đã tăng gấp đôi, lên 80 thiết bị/ngày. Đây là một trong khoảng 20 công ty trên khắp Hàn Quốc bán trực tiếp các thiết bị dạng này cho khách hàng cũng như cung ứng cho những nhà bán lẻ khác. “Bạn có thể tạo ra bất cứ hình dạng nào. Gọng kính là một máy ghi hình, nhưng viết mới là thiết bị phổ biến nhất”- Jang Sung-Churl, giám đốc điều hành Auto Jungbo, chia sẻ. Các thiết bị ghi hình/ghi âm được “cải trang” dưới dạng thắt lưng, kính mát, viết, chìa khóa xe hơi, bật lửa và USB (ảnh) hiện rất phổ biến trong giới nhân viên công sở tại Hàn Quốc.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Các sản phẩm này “bán chạy” kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc có những điều chỉnh về luật lao động hồi cuối năm ngoái. Đến ngày 16-7 vừa rồi, quy định mới chính thức có hiệu lực, theo đó các chủ doanh nghiệp “giáng cấp hoặc sa thải bất công những nhân viên” tố cáo hành vi quấy rối có thể bị phạt tù 3 năm hoặc phải nộp số tiền lên tới 24.700 USD. Luật cũng bắt buộc người sử dụng lao động điều tra các vụ ức hiếp tại công ty. Trong khi đó, các nạn nhân có thể nộp đơn kiện đòi bồi thường.

Luật trên ra đời sau khi xuất hiện các vụ tố cáo hành vi bắt nạt bằng lời nói và hành động tại nơi làm việc, qua đó khơi mào cuộc tranh luận trên toàn quốc về “văn hóa độc hại” này. Hồi tháng 2, Lee Myung-hee, người vợ góa của Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho, đã bị truy tố hình sự với các cáo buộc tấn công và sỉ nhục nhân viên, chẳng hạn như bắt họ quỳ gối và đánh vào trán bằng cây lau sàn nhà. Tuy nhiên, nổi bật nhất là vụ “hạt mắc ca nổi giận” liên quan đến con gái lớn của bà này- Heather Cho. Hồi năm 2014, Heather Cho khi đó là Phó Chủ tịch Korean Air đã hành hung hai tiếp viên hàng không của hãng này vì dám phục vụ hạt mắc ca trong gói thay vì đổ ra đĩa. Heather Cho đã phải từ chức vào cuối năm đó và ngồi tù nhiều tháng vì đe dọa an toàn bay. Đến năm 2018, tới lượt em gái của Heather Cho là Emily Cho khiến dư luận phẫn nộ khi xúc phạm một nhân viên và ném chai nước vào mặt anh này trong một cuộc họp do không vừa ý với câu trả lời.

Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, tính đến ngày 29-8 đã có 572 nhân viên chiếu theo luật mới đâm đơn kiện công ty của họ. Kể từ khi ban hành quy định mới, khoảng 58% trong số các câu hỏi gửi tới đường dây “nóng” Gabjil 119 liên quan đến nạn quấy rối tại công sở, so với chỉ 28% trong 6 tháng trước đó. Do các luật sư thiết lập để tư vấn miễn phí cho những trường hợp bị ức hiếp, Gabjil 119 mỗi ngày tiếp nhận 80-100 cuộc gọi, trong đó có nhiều người than phiền về những dấu hiệu giống như tình trạng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, bao gồm các cơn hoảng loạn tự phát, mất ngủ và ám ảnh không thể giải thích được.

Không chỉ nạn nhân, các công ty cũng chịu tổn thất do nạn quấy rối. Chính phủ Hàn Quốc ước tính con số thiệt hại là gần 4 tỉ USD/năm, bao gồm chi phí liên quan đến tinh thần làm việc của nhân viên, mất năng suất lao động, thanh toán bảo hiểm và y tế.

Nguồn Baocantho

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/chong-bat-nat-noi-cong-so-tai-han-quoc-5921/