CHỐNG 'BỆNH PHÔ TRƯƠNG'

Từ xa xưa, người Việt khá coi trọng hình thức, danh tiếng bên ngoài nên thường có tâm lý 'Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp', thậm chí có biểu hiện 'Con gà tức nhau tiếng gáy'.

Phải chăng do tâm lý trọng hình thức quá mức, quá đà đó mà thời gian qua, nhiều địa phương đua nhau xây dựng cổng chào để chứng tỏ quê ta cũng không kém quê người?

Thực ra xây dựng cổng chào góp phần khẳng định ranh giới hành chính, qua đó giúp du khách gần xa biết được điểm mình đến, nơi mình dừng chân cũng cần thiết. Vì mỗi cộng đồng, mỗi địa phương đều có nhu cầu giới thiệu, quảng bá quê hương mình. Cũng nhờ có cổng chào mà du khách thêm hiểu một phần về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa ở nơi mình từng đến, từng đi qua.

 Tranh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Tranh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là việc xây dựng cổng chào ở nhiều nơi có biểu hiện phô trương, lãng phí. Nhiều cổng chào được xây dựng to đẹp, hoành tráng, sơn màu lòe loẹt dễ gây “nhức mắt” cho người đi qua. Thậm chí, một số cổng chào được đặt ở vị trí không phù hợp, phá vỡ không gian cảnh quan thiên nhiên hiện hữu. Mặt khác, một số địa phương thuộc diện xã nghèo, huyện nghèo nhưng cũng “mạnh dạn” đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cổng chào, trong khi nhiều công trình thiết yếu khác phục vụ dân sinh, dân trí lại chưa được quan tâm đúng mức.

Vậy có nên xây dựng cổng chào không? Nói “không” là không đúng, vì xây dựng cổng chào cho làng, xã, huyện, tỉnh cũng là cách để góp phần “định danh” cho quê hương mình. Điều đáng bàn ở đây là việc xây dựng cổng chào ở cấp nào phải phù hợp với cấp đó, tránh tình trạng “ông xã” xây cổng chào khang trang hơn “ông huyện”, còn “ông huyện” lại thiết kế cổng chào hoành tráng hơn “ông tỉnh”. Bên cạnh đó, khi làm cổng chào phải tính đến chuyện “liệu cơm gắp mắm”, rất nên chọn đúng thời điểm để khởi công, xây dựng cho phù hợp; cân nhắc về quy mô, tầm vóc và số tiền đầu tư cho công trình chứ không nên “ra quân” rầm rộ làm cổng chào trong khi địa phương còn chưa đủ phòng học cho các cháu, trạm xá còn nghèo nàn và nhiều bà con vẫn phải tất bật, lam lũ lo chạy từng bữa ăn hằng ngày.

Có câu châm ngôn “Vừa mắt ta, ra mắt người” với hàm ý khuyên nhủ, nhắc nhớ mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi tổ chức khi làm bất cứ điều gì cũng phải suy trước tính sau, làm ăn cẩn thận, cư xử đúng đắn, khi mình cảm thấy hài lòng thì người khác mới vừa ý, chấp thuận. Khi xây cổng chào cũng vậy, phải làm sao để ai cũng thấy mỗi lần cái cổng chào được dựng lên ở làng mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình thì hầu hết mọi người đều cảm thấy đó là một công trình văn hóa có ý nghĩa, mang lại cảm giác thú vị cho du khách gần xa; chứ không phải cố dựng lên cổng chào cho oai, oách rồi lại “vấp” phải “búa rìu” của dư luận như từng xảy ra ở một vài địa phương.

Ứng xử với cổng chào là ứng xử với một giá trị văn hóa. Do đó, những người có trách nhiệm, có thẩm quyền và cơ quan chức năng ở địa phương khi làm cổng chào cần thấu hiểu, thấm nhuần giá trị văn hóa mới góp phần tạo ra những cổng chào giàu ý nghĩa văn hóa! Hơn thế, phải tránh tình trạng những người chỉ đạo, thi công xây dựng cổng chào liên kết với nhau để bớt xén vật tư, “chấm mút” kinh phí, vì hành vi rút ruột công trình văn hóa này sẽ làm mọt ruỗng tư cách đạo đức của những người trong cuộc và để lại tiếng xấu trong muôn dân.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/chong-benh-pho-truong-631649