Chống chạy chức, chạy quyền

Hội nghị Trung ương 8 bế mạc vào cuối tuần qua đã đưa ra nhiều quyết sách cho tương lai. Một trong những vấn đề mà Trung ương bàn thảo liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sau khi bàn bạc đã quyết định sẽ ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp. Đặc biệt, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Trong không khí ấy, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã tổ chức một hội thảo lấy ý kiến vào Đề án Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ.

Không phải vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền bây giờ mới được Đảng ta nhắc đến. Thực ra, đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ này đặc biệt được nhấn mạnh trong nhiệm kỳ XI và XII của Đảng.

Đầu năm 2018, đến dự tổng kết công tác của ngành tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư đã đề nghị, Ban Tổ chức Trung ương cần, chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ.

Bởi, “Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp” - Tổng Bí thư nói.

Cũng cần nói thêm, tại chính Hội nghị này, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã bàn chuyên đề về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền. Nhiều ý kiến các cán bộ làm công tác đảng kể cả Bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành đã đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề, mức độ tình hình hiện nay ra sao. Đặc biệt cũng đã có đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này như thế nào...

Qua đó, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định về vấn đề này một cách phù hợp. Vì thế, việc Ban Tổ chức Trung ương họp lấy ý kiến về Đề án này là việc cần làm ngay trong bối cảnh chúng ta vừa thông qua việc ban hành Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng. Kiểm soát quyền lực mà tốt thì sẽ góp phần giúp cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, cũng như trách nhiệm nêu gương.

Vậy, thực trạng việc “chạy chức, chạy quyền” ở ta thời gian gần đây có thật sự nóng đến mức phải ban hành một quy định liên quan? Câu trả lời là chạy chức chạy quyền là việc có thật trong hệ thống của chúng ta. Những vụ việc mà trình tự bổ nhiệm rất có vấn đề mà những vụ việc như ở Hà Giang, Bình Định, Quỳ Hợp (Nghệ An), A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Buôn Đôn (Đắk Lắk) hay Quảng Nam… là những vụ việc đã được đề cập nhiều.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã vào cuộc và xác định sai phạm. Điều đó cho thấy, ở một số cấp ủy, địa phương, việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm người nhà khi chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc bổ nhiệm người thân giữ các vị trí lãnh đạo quản lý ở địa phương, đơn vị mình phụ trách đã thể hiện rõ dấu hiệu của lộng quyền, lạm quyền tạo ra sự bức xúc trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhưng, trước thực tế ấy, cái đáng bàn là nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn các hành vi “chạy chức, chạy quyền”.

Nó có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về mặt tư tưởng, rõ nhất là không dám đấu tranh với biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ, có thái độ an phận, e dè, nể nang, ngại đụng chạm, sợ mất lòng; thờ ơ, vô cảm, coi vấn đề :chạy chức, chạy quyền” xảy ra ở nơi khác, đơn vị khác, thuộc trách nhiệm của người khác mà không ở đơn vị, địa phương mình.

Trong khi “chạy chức, chạy quyền” ngày càng tinh vi thì tình hình kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ lại tỏ ra kém hiệu quả.

Ở ta, cũng cần nói thêm, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực từ việc trao và thực thi quyền lực của người đứng đầu. Chưa có cơ chế hữu hiệu trong việc lựa chọn cán bộ có tính cạnh tranh, công tâm khách quan nhằm thu hút nhân tài và chưa có chế tài đủ mạnh để loại bỏ cán bộ không đủ đức đủ tài ra khỏi bộ máy. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự phát huy hiệu quả, việc trao quyền chưa thật sự đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực…

Trở lại với vấn đề làm thế nào để kiểm soát quyền lực thành công, có chuyên gia khi tham góp cho Đề án chống chạy chức, chạy quyền đã nhắc đến chuyện thang bảng lương bất cập và cho rằng, chính vì chúng ta tạo nên sự bất bình đẳng hiện nay trong đó có quyền về chế độ chính sách làm cho méo mó đi cái ưu việt của chúng ta đi.

Cho nên, vị chuyên gia này đề nghị, trong kiểm soát về chạy chức, chạy quyền cần làm minh bạch, làm rõ và thỏa đáng đối với quyền hạn của các tổ chức cơ quan và liên quan đến các chế độ chính sách hiện nay. Mục đích để làm sao có sự hợp lý trong toàn bộ hệ thống và để động viên khuyến khích được người lao động, tạo nên sự công bằng và khách quan trong các cơ quan.

Có thể thực hiện được yêu cầu nêu trên của vị chuyên gia này không? Chắc chắn sẽ làm được nếu chúng ta có quy định đủ mạnh để cán bộ không muốn và không dám làm trái. Quy định này cần được hiểu là không chỉ có chế tài mà còn cần đồng bộ với các chính sách để động viên cán bộ. Nếu đồng bộ từ việc đãi ngộ và xử phạt có lẽ sẽ tạo được sự chuyển biến lớn trong công tác cán bộ và dần dần sẽ khắc chế, tiến tới đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chong-chay-chuc-chay-quyen-tintuc419609