Chông chênh làng nghề

Lớp thanh niên không mặn mà với nghề, cả làng chỉ còn một vài người bám giữ nhưng hầu hết đã già. Mỗi ngày trôi qua, nghề như càng tụt sâu vào quá khứ, để rồi mỗi khi nhắc đến, trong mắt người nghệ nhân già luôn chất chứa nỗi niềm đau đáu.

Ông Vũ Văn Khá (làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An) biểu diễn nghề đan thúng chai cho khách nước ngoài thưởng lãm

1. Làng đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có lịch sử phát triển hơn 400 năm. Sản phẩm của làng nức tiếng một thời về độ tinh xảo và bền đẹp. Nổi bật có thể kể đến các loại cồng chiêng, chuông, chân đèn, lư hương…, trong đó, cồng chiêng của làng được đồng bào các dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn ưa chuộng vì cung bậc âm thanh phù hợp. Tuy vậy, những sản phẩm này hiện đang đứng trước nguy cơ thất truyền do thiếu người kế nghiệp.

Theo ông Dương Quốc Thuần, người được xem là bậc thầy về thẩm âm cồng chiêng của làng Phước Kiều, hiện cả làng còn khoảng 7 lò hoạt động, nhưng cũng chỉ nhà ông thường xuyên đỏ lửa, các nhà khác một tuần vài lần, có nhà một tháng chỉ 3-4 lần. “Làng Phước Kiều ngày xưa người người làm nghề, nhà nhà làm nghề. Cồng chiêng đúc ra mỏng dày không cần biết, cứ sắp vô đủ bộ là đưa lên Tây Nguyên bán. Hồi đó, đồng bào cũng còn nhiều người biết thẩm âm nên cứ lựa chọn đủ bộ hợp âm là dùng, cái nào không đúng thì họ tự chỉnh sửa lại. Nhưng bây giờ những người chỉnh âm đồng bào không còn nữa. Nên mình phải thẩm âm, tìm ra nốt nhạc của từng dân tộc, phải biết nhạc cụ của người Ê Đê nằm ở bộ nốt nào, M’Nông nằm bộ nốt nào, mới có thể tạo âm phù hợp được”, ông Thuần nói.

Mỗi năm, gia đình ông Thuần tiêu thụ khoảng 3 tấn đồng nhiên liệu, chủ yếu sản xuất cồng chiêng. Dù khách đặt hàng nhiều nhưng cơ sở ông không đủ sức làm. Ngoài thiếu lao động biết nghề, khó nhất chính là không có người thẩm âm. Tại làng Phước Kiều hiện chỉ còn 4 người tạo được âm cho cồng chiêng, nhưng ráp vô thành bộ nhạc với các nốt phù hợp của từng dân tộc thì chỉ mình ông Thuần làm được. Ông Thuần thừa nhận, rất khó có người để truyền nghề, bởi thẩm âm thuộc về năng khiếu âm nhạc, không phải ai cũng học được. “Học nghề đúc đồng thì khoảng 5 năm, nhưng học thẩm âm nếu không có năng khiếu thì dù có học mấy mươi năm cũng khó thành công, chưa kể thu nhập bấp bênh nên ít người mặn mà”, ông Thuần tâm sự.

Hiện tại, 2 con trai ông Thuần cũng theo nghề gia đình, nhưng chỉ tham gia các công đoạn gia công như pha chế hỗn hợp kim loại, nấu đồng, đúc đồng... Theo ông Thuần, để tạo được âm cho cồng chiêng không thể thiếu thiếc, tuy nhiên tỷ lệ phải phù hợp, thông thường 0,2kg thiếc/kg đồng là vừa. Bởi, nếu chỉ nguyên liệu đồng không thì cồng chiêng đúc ra sẽ không kêu, hoặc âm thanh rất đục. “Cái gì liên quan đến âm thanh là phải có thiếc, vì thiếc có kết cấu phân tử rất chặt, những loại khác không bằng. Nhiều người nói bỏ vàng vào cồng chiêng hay chuông âm thanh sẽ vang hơn là không đúng, bởi ông bà có câu “vàng thì câm, bạc thì điếc”, do đó hợp kim nào mà bỏ vàng vào sẽ mất âm thanh. Đây là theo kinh nghiệm để lại, không phải ai cũng biết, nhưng bây giờ lớp trẻ ít theo nghề nên mấy kinh nghiệm này mai mốt cũng mất thôi”, ông Thuần chia sẻ.

2. Như một thói quen, mỗi sáng ông Vũ Văn Khá (làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An) lại bày biện những dùi, đục ra sân rồi ngồi chờ khách. Đã bước sang tuổi 91, nhưng như cái nghiệp vận vào thân, ông không thể bỏ nghề được.

Tập tành học nghề đan thúng rái (thúng chai) từ thuở chỉ là cậu bé lên 10, gần 80 năm làm nghề, ông không nhớ đã đan bao nhiêu chiếc thúng. Cẩm Kim gần biển, gần sông, những năm trước dường như cả làng làm thúng. Nhưng rồi đời sống phát triển, lớp trẻ người đi xa học hành, người qua Hội An làm du lịch, hoặc phiêu dạt khắp nơi nên nghề mỗi ngày cứ thu hẹp dần, nhìn qua ngó lại cả làng chỉ còn mình ông theo nghề. Theo ông Khá, nghề đan thúng rất cực nhọc, cung đoạn nào cũng khó, từ chọn tre, đốn tre, vót nan, lận vành, quét cứt trâu, dầu rái… Nan vót dày quá thì cứng không đan được, mỏng quá thì thúng mau hư. Tuy nhiên, chọn vành và lận vành được xem là khó nhất. Cả bụi tre đôi khi chỉ chọn được vài cây, nếu tre nghịch mắt khi lận vành sẽ bị gãy. Chưa kể, tre đan thúng phải là tre già tháng giêng, đốn về ngâm bùn và chỉ vót lấy nan cật (vỏ tre). Đan xong, quét cứt trâu phơi khô cho bít các kẽ hở, rồi mới quét dầu rái. Chuyện đứt tay chảy máu, dằm xóc là thường tình, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Để đan một chiếc thúng nhỏ (đường kính khoảng 1,2m), chỉ riêng vật liệu đã tốn 12 cây tre già, thời gian hoàn thành 15 ngày, giá bán là 3 triệu đồng. Với thúng lớn đường kính 1,6m hết 20 cây tre, công đan 30 ngày nhưng giá bán chỉ cỡ 6 triệu đồng.

Gần 5 năm nay, ông Khá ít nhận đan thúng hơn, dù đơn hàng ngày càng nhiều do du lịch chèo thúng ở Hội An đang phát triển. Ông chuyển sang trình diễn nghề phục vụ khách tham quan. Khách nào muốn trải nghiệm, ông đều tận tình chỉ dạy, mỗi lần như vậy ông được khách “bo” 10.000 - 20.000 đồng, không nhiều nhưng ông không buồn, bởi nói như ông, làm để khỏi nhớ nghề. “Mình già yếu rồi, không làm mấy cái thúng lớn được, bây giờ đan cho khách coi thôi, mà mấy cái này thì dễ òm, cái khó là sao duy trì nghề sau này thôi, nhưng mà tụi nhỏ bây giờ không đứa nào chịu học”, ông Khá tâm sự.

Bảo tồn, gìn giữ nghề, câu chuyện không mới, nhưng luôn là nỗi niềm của những người tâm huyết. Nhiều đề án, dự án đã được tỉnh Quảng Nam triển khai thời gian qua, từ khuyến công đến mở hướng cứu làng nghề truyền thống, nhưng rồi cũng rơi vào im lặng. Còn chăng chỉ là những nỗi niềm của lớp người xưa cũ, những lão nghệ nhân của làng. Nói như ông Khá: “Cái nghề là cái nghiệp, cái duyên, hết duyên hết nghiệp cũng hết nghề, nên những đứa con tôi không ai theo nghề, mà tôi cũng không mong tụi nó theo, bởi làm nghề khổ lắm, chẳng ai giàu có cả. Còn tôi thì lỡ trót mang rồi nên phải theo thôi”.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chong-chenh-lang-nghe-626705.html