Chông chênh vì quyết định cả nể theo học ngành mình không ưa thích

Vẽ là môn cháu ghét nhất trên đời. Bài vẽ của cháu bị thầy chê là không bằng học sinh lớp 1. Cháu rất xấu hổ, sốc, buồn, thất vọng, bế tắc và vô cùng hối hận. Cháu đã khóc rất nhiều cho sự vội vã của mình.

Cô Thanh Tâm kính mến!

Hồi cấp 3, cháu học giỏi các mốn khối D, đặc biệt là tiếng Anh, nên cháu dự định thi vào đại học ngoại ngữ. Năm cháu học lớp 11, người bác đang là giảng viên đại học đến nhà chơi, nói chuyện với bố mẹ cháu rồi hướng cho cháu vào khoa công nghệ của bác với lý do cháu sẽ có rất nhiều lợi ích.

Cháu đã khóc rất nhiều cho sự vội vã của mình. Ảnh minh họa internet

Khi nhận kết quả thi đại học, điểm của cháu rất cao, đủ để đỗ nhiều trường top trên. Cháu đã định sẽ nộp vào khoa Anh của trường ĐH Hà Nội. Song, lúc ấy bác cháu lại nói, nếu cháu vào học trường bác đang công tác thì cháu sẽ được bác giúp đỡ, không phải lo chỗ ở… Còn nếu cháu vào ĐH Hà Nội thì gia đình cháu sẽ phải tốn một khoản chi phí để thuê trọ.

Bác cũng cảnh báo học ngoại ngữ bây giờ ra trường thất nghiệp nhiều. Bác hướng cháu học công nghệ đa phương tiện, là 1 ngành mới, học về thiết kế đồ họa, game, quảng cáo, cũng rất cần giỏi tiếng Anh… Bác còn bảo: “Bác chỉ khuyên vậy thôi, quyết định là ở cháu”.

Gia đình cháu vốn không hạnh phúc, mẹ đặt cả hy vọng vào con đường học hành của cháu. Khi đó, một phần vì mẹ, một phần vì họ hàng ai cũng khuyên cháu nghe lời bác nên cháu đã không tìm hiểu kỹ mà yên tâm nghe theo. Ngay tuần học đầu tiên, cháu rất sốc khi biết ngành này phải học rất nhiều về mỹ thuật, đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, sự đam mê với môn vẽ, tạo hình…

Vẽ là môn cháu ghét nhất trên đời. Bài vẽ của cháu bị thầy chê là không bằng học sinh lớp 1. Cháu rất xấu hổ, sốc, buồn, thất vọng, bế tắc và vô cùng hối hận. Cháu đã khóc rất nhiều cho sự vội vã của mình.

Cháu nói chuyện với mẹ và mẹ cháu cũng rất buồn. Nhưng bà vẫn hết lời khuyên can, động viên cháu: “Cố lên, con cứ học đi, rồi dần sẽ thích”. Nhưng cháu không thể nào chịu đựng được môn vẽ, không thể có đầu óc sáng tạo, đến bao giờ cháu mới thích được môn học ấy như mẹ nói?

Cháu rất lo sợ về tương lai. Mẹ cháu đã phải tốn cả chục triệu đồng để đóng các khoản và sắm sửa cho cháu, cả nhà rất kỳ vọng vào cháu. Nếu bỏ về ôn thi lại, cháu cảm thấy vô cùng có lỗi. Cháu cũng sợ thi lại không đạt được điểm cao, đỗ vào trường cháu dự tính. Cháu vô cùng chông chênh, không có định hướng. Trước mắt cháu là một màu u ám, vô vọng và không biết nên làm thế nào?

Cháu gái xin giấu tên

Cháu gái thân mến!

Cô biết giờ này cháu đang buồn, hoang mang, hối hận... Song, khi cháu trưởng thành, cháu sẽ thấy đây chỉ là một “cú ngã nho nhỏ” trong cuộc đời mình. Sở dĩ có nhầm lẫn, chọn học sai ngành là do lòng tốt của bác, sự cả nể của cháu, hy vọng của mẹ và gia đình...

Trong khi cháu cũng suy nghĩ đơn giản, không tìm hiểu kỹ ngành học và đối chiếu với sở trường, sở thích của mình. Kết quả là “những bài vẽ thua học sinh lớp 1” và sự bối rối, mệt mỏi của cháu.

Tuy nhiên, không ai sinh ra có thể làm tốt mọi việc, cũng như cháu không có năng khiếu vẽ là điều bình thường. Cháu không phải thất vọng vì chuyện này, thay vào đó hãy thử sức và trải nghiệm những điều mới mẻ, thả lỏng và thử yêu những môn học hiện tại.

Sau đó, nếu cần, cháu làm thủ tục bảo lưu kết quả để dành thời gian cho việc ôn, chuẩn bị cho kỳ thi năm tới. Hoặc vừa ôn, vừa học song song. Nhớ là, lần này hãy tìm hiểu thật kỹ và chọn đúng trường, đúng ngành phù hợp với mình.

Khi cháu học được cách suy nghĩ tích cực, nhẹ nhàng tự nhiên thì cháu sẽ thấy mọi con đường đều đưa mình đến những miền thú vị.

Thanh Tâm

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/chong-chenh-vi-quyet-dinh-ca-ne-theo-hoc-nganh-minh-khong-ua-thich-post41239.html