Chống đầu cơ BĐS qua thuế: Khó thực hiện

(InfoTV) - Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa XII, Dự thảo Luật Thuế nhà, đất được Quốc hội thảo luận sôi nổi. Có nhiều nội dung trong dự thảo được đưa ra thảo luận, trong đó rất nhiều đại biểu lo ngại vấn đề làm thế nào để chống đầu cơ BĐS thông qua việc thu thuế.

- Dự thảo Luật Thuế nhà đất mới: Chưa ngăn được đầu cơ- Thuế nhà đất: Có hạn chế được đầu cơ? Thị trường BĐS cho đến nay vẫn bị giới đầu cơ thâu tóm và rất khó kiểm soát. Nhiều người hy vọng, Luật thuế nhà, đất ở ra đời sẽ giúp thị trường BĐS bớt căng thẳng và dần ổn định hơn. Tuy nhiên, thuế thấp, cộng với hệ thống đăng ký BĐS đã khiến cho nhiều người lo ngại... Chưa "đủ nặng" Nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế suất hiện nay chưa “đủ nặng” để chống đầu cơ đất đai, đặc biệt với những khu vực đang có quy hoạch thì mức thuế trong dự thảo luật là quá thấp đối với những đối tượng đầu cơ đất đai. Và có đại biểu đã đề xuất nâng mức thuế cao lên nhằm mục đích hạn chế đầu cơ... Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giải pháp dùng thuế cao để chống đầu cơ cũng không hẳn là giải pháp đúng mà quan trọng là phải nâng cao trình độ quản lý điều hành và khả năng kiểm soát hoạt động sở hữu đất đai của dân chúng trên liên thông toàn quốc, có như vậy mới giải quyết được cái gốc của vấn đề. Còn theo Luật sưTrần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thì việc đánh thuế cao sẽ khiến cho giá BĐS tăng theo, trong khi đó, với các nhà đầu cơ vấn đề này lại không ảnh hưởng nhiều đến họ. Tuy nhiên, trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường về vấn đề này ông cho rằng, vấn đề bức xúc hiện nay trên thị trường BĐS là nạn đầu cơ, thổi giá khiến giá nhà đất luôn bị hét với mức giá trên trời. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần nhiều biện pháp, trong đó có công cụ quan trọng là đánh thuế thật nặng với hành vi đầu cơ. Mức thuế trong dự thảo Luật thuế nhà đất đang được trình Quốc hội không đủ sức chống lại nạn đầu cơ. Ở một số nước, những người có nhà, đất vượt hạn mức có thể bị đánh thuế tới 4%. Còn ở nước ta, người sở hữu đất gấp 10 lần hạn mức cũng chỉ bị đánh thuế 0,1% (mức cao nhất). Nếu so với lợi nhuận tiền tỷ từ buôn đất thì con số này chẳng ăn thua gì. Điều này cũng có nghĩa là Luật không có tác dụng khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ông Võ khẳng định. Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành được coi là “đồng phạm” với nạn đầu cơ, cò đất bởi mức thuế đất quá thấp trong khi lợi nhuận thu được từ đầu cơ BĐS quá cao. Vì vậy, Luật thuế nhà đất dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này mang lại nhiều hy vọng. Tuy nhiên, mức thuế suất được đưa ra trong dự thảo quá thấp (từ 0,03 đến 0,1%) khiến nhiều chuyên gia thất vọng. TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến trên, ông cho rằng với mức thuế thấp như trong dự thảo thì dù có đánh thuế lũy tiến liệu có ngăn chặn được nạn đầu cơ đất đai không? Khó điều tiết được giá đất Cũng theo ông Võ, quy định tính thuế lũy tiến đối với chủ sở hữu nhiều đất trong cả nước để hạn chế đầu cơ cũng rất khó khả thi bởi các cơ quan quản lý về đất vẫn chưa thông kê được mỗi cá nhân có bao nhiêu nhà, đất. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cũng cho rằng, muốn chống đầu cơ, đánh thuế lũy tiến vào BĐS thì trước hết, thị trường phải có hệ thống đăng ký bất động sản hiện đại, thể hiện quyền sử dụng đất đai và sở hữu tài sản rõ ràng. Thế nhưng, đến nay, công tác đăng ký sở hữu BĐS ở nước ta vẫn rất nhiều bất cập. Vẫn còn hàng triệu hộ dân chưa thể làm giấy chứng nhận sở hữu nhà đất. Nghịch lý hơn, nhiều trường hợp Nhà nước cấp xong Sổ đỏ nhưng người người dân vẫn không đến nhận vì chi phí cao mà chẳng được lợi ích gì. Nhiều người còn lo ngại, trong khi hệ thống đăng ký sở hữu BĐS chưa tốt, thì quy định đánh thuế lũy tiến đối với đất sẽ càng khuyến khích giao dịch ngầm và khiến các chủ đầu tư, người mua BĐS trì hoãn làm giấy tờ sở hữu để lách thuế. Cũng theo ông Võ, nếu không thực hiện nghiêm quy định bắt buộc mọi giao dịch BĐS phải qua sàn, cơ quan thuế sẽ khó kiểm soát được việc thu thuế bất động sản. Hệ quả là: ngành thuế chỉ thu được thuế của người nghèo (chỉ có đất ở trong hạn mức) mà không thu được thuế của người giàu (đầu cơ nhà đất). Ông Võ cho rằng, nếu hình thành công cụ thuế đất đai không tốt sẽ khó điều tiết giá đất về mặt bằng hợp lý. Và câu chuyện giá đất quá cao làm tăng giá hàng hóa so với nước khác, khiến người lao động không có cơ hội có nhà ở… sẽ còn tái diến dài dài. InfoTV Hải Yến

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/bat-dong-san/tin-tuc/45187-chong-dau-co-bds-qua-thue-kho-thuc-hien