Chồng đi tù, đi cai nghiện vợ có được đơn phương xin ly hôn?

Hôn nhân đổ vỡ của nhiều cặp vợ chồng trẻ trong xã hội hiện đại đã không còn hiếm gặp. Lí do ly hôn thì đa dạng: từ các vấn đề về kinh tế, sức khỏe sinh sản (không sinh được con), cho tới việc một trong 2 đã trở nên bê tha không giữ được mình (nghiện ma túy, lô đề) hay thậm chí là cả đi tù.

Vậy một câu hỏi đặt ra là, khi vợ chồng đã hết tình hết nghĩa hoặc không thể chấp nhận nổi đối phương, bỏ qua hết những ràng buộc về đạo đức, luân lý để quyết ly hôn thì sẽ ra sao?

Đặc biệt, với các trường hợp chồng phải đi cai nghiện tập trung hay đang thụ án tù thì người vợ có quyền đơn phương xin ly hôn hay không? Quyền lợi của mỗi bên sau ly hôn sẽ ra sao?

Các trường hợp không được yêu cầu ly hôn
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Ngoài ra, còn có 3 đối tượng nữa cũng có thể yêu cầu ly hôn cho một cặp vợ chồng là cha, mẹ hoặc người thân thích khác nếu:

- Một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần, mắc bệnh không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, là nạn nhân bạo lực gia đình do người còn lại gây ra;

- Hành vi bạo lực gia đình nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ/chồng.

Như vậy, việc ly hôn có thể do cả hai bên vợ, chồng cùng thỏa thuận hoặc do yêu cầu của một bên. Do đó, để được phép ly hôn đơn phương thì bên yêu cầu ly hôn phải có căn cứ về việc:

- Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình;

- Vợ/chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của mình làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Khi chồng ngồi tù hoặc đi cai nghiện tập trung, người vợ có quyền gửi đơn yêu cầu ly hôn đơn phương.

Khi chồng ngồi tù hoặc đi cai nghiện tập trung, người vợ có quyền gửi đơn yêu cầu ly hôn đơn phương.

Ngoài ra, một số trường hợp, luật không cho phép người chồng được quyền đơn phương ly hôn nếu:

- Vợ đang mang thai;

- Vợ đang sinh con;

- Vợ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

Ngược lại, dù người vợ đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn có quyền gửi yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc hai vợ chồng thỏa thuận để được xin ly hôn thuận tình.

Như vậy, nếu không có những căn cứ này thì không có quyền đơn phương ly hôn mà phải thỏa thuận để thuận tình ly hôn.

Có được đơn phương ly hôn khi chồng đang ngồi tù?
Từ căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có thể thấy, người vợ có quyền gửi đơn yêu cầu ly hôn đơn phương khi mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng.

Cụ thể, để ly hôn đơn phương với chồng đang ngồi tù, đang đi cai nghiện hay đi biệt tích (trốn nợ)... Người vợ muốn đơn phương ly hôn cần phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

- Đơn xin ly hôn (theo mẫu)

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu gia đình (bảo sao có chứng thực);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Đồng thời, theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người vợ có thể gửi đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án nơi người chồng đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc Tòa án nơi cư trú trước đây của người chồng.

---

Có người sẽ cho rằng, vợ chồng cần đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn ấy phải xuất phát từ những mục tiêu chung của cả hai thay vì được gây nên từ một phía.

Do vậy, nhiều bạn gái trẻ không may khi có chồng nghiện ngập hay đi tù thì việc ly hôn để giải thoát bản thân, cứu vãn đôi chút thời thanh xuân để bước tiếp cũng là một lựa chọn, thay vì bị lễ giáo xưa kìm kẹp để rồi lỡ dở cả đời người như trước.

Nam Phương (tổng hợp)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chong-di-tu-di-cai-nghien-vo-co-duoc-don-phuong-xin-ly-hon-post303823.info