Chống dịch kiểu Việt Nam dưới góc nhìn bạn bè quốc tế

Năm 2020 là năm khó khăn và nhiều thử thách với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Mỗi quốc gia có chiến lược và theo đuổi cách thức chống dịch riêng, trong đó Việt Nam đã cho thế giới thấy được kiểu chống dịch vừa tiết kiệm vừa hiệu quả - cách chống dịch khiến nhiều quốc gia phải “ngả mũ” khâm phục, cộng đồng quốc tế lấy làm hình mẫu.

Những tình huống khẩn cấp

Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, một năm ứng phó với đại dịch đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam. Không ít lần dịch bệnh đã thử thách trí tuệ và lòng người, nhưng Việt Nam đều vượt qua. Việc đáp ứng thành công với đại dịch COVID-19 là bằng chứng sinh động và thực tế nhất chứng tỏ bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam - không lùi bước trước bất cứ “kẻ thù” nào. Trên trang chủ của mình, Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) nhận định: “Trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của một số quốc gia giàu có sắp sụp đổ dưới tác động của dịch COVID-19, thì Việt Nam nhanh chóng đáp ứng và vẫn kiểm soát được dịch bệnh... Hành động nhanh, xét nghiệm hiệu quả đã giúp Việt Nam ngăn chặn dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu”.

Nhờ thành công bước đầu trong phòng chống dịch, trên báo chí thế giới, Việt Nam được gọi bằng những mỹ từ như: kỳ tích, phép màu, điều kỳ diệu ở châu Á, mô hình chống dịch đáng để học hỏi, hay điểm sáng hiếm hoi trên thế giới..., đặc biệt là sau khi y bác sĩ nước ta điều trị thành công cho bệnh nhân người Anh (BN 91) - trường hợp mắc COVID-19 tính mạng “nghìn cân treo sợi tóc”, hình ảnh của Việt Nam càng lên cao. Đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng cũng được kiểm soát kịp thời, trả lại cuộc sống bình yên cho thành phố biển xinh đẹp này. Tờ New York Times của Mỹ nhận định, chính việc nhanh chóng cô lập các ổ dịch đã giúp tỷ lệ tử vong của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trên thế giới.

Ảnh: Xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Ảnh: Xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Toàn dân chống dịch, người người ủng hộ

Ứng phó với đại dịch bằng cách thức của riêng mình, chưa bao giờ Việt Nam được bạn bè quốc tế nhắc đến nhiều như vậy. Họ ngạc nhiên bởi cách thức chống dịch đơn giản, tiết kiệm nhưng hiệu quả. Tổ hợp truyền thông ABC của Australia cho rằng: “Cách tiếp cận của Việt Nam với đại dịch mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp”. Tờ South China Morning Post viết: “Chính phủ Việt Nam đã sử dụng một loạt các phương tiện để truyền thông về các triệu chứng, địa điểm cách ly, các biện pháp phòng ngừa và xét nghiệm. Thông qua các phương tiện truyền thông từ nhà nước đến mạng xã hội, tin nhắn... quốc gia này đã truyền tải tới người dân những thông tin nhanh chóng, kịp thời”. Bài hát “Ghen Cô Vy” với vũ điệu rửa tay do Bộ Y tế phối hợp sản xuất - nổi tiếng trên toàn thế giới.

Sự đồng lòng ủng hộ của người dân còn thể hiện ở việc người dân mọi tầng lớp, nghề nghiệp, cùng dốc sức vì một mục tiêu chung là phòng chống dịch. Báo chí thế giới có hàng loạt các bài viết về ATM gạo, ATM khẩu trang ở Việt Nam, phong trào chống dịch lan ra khắp cộng đồng. The Conversation viết: “Tất cả mọi người đều làm vì một mục tiêu và lợi ích lớn hơn cho cộng đồng. Đó là tính nhân văn, đoàn kết của người Việt Nam, là điều giúp Việt Nam vượt qua đại dịch này”.

Sẵn sàng với những thách thức phía trước

Trong một bài viết mới được đăng tải tháng 1/2021 trên South China Morning Post cho biết, trong khi phần lớn thế giới đang phải đối mặt với giai đoạn bùng phát dịch mới, biến chủng của virus gieo rắc mối lo ngại ở khắp nơi, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ số ca bệnh đang gia tăng chóng mặt, phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, thì ở thời điểm này, việc xử lý đại dịch tại Việt Nam phần lớn rất thành công. Cả nước có hơn 1.500 trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có 35 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm nào trong nước và đang tỏ rõ quyết tâm giữ vững thành tích này, dựa trên những bài học kinh nghiệm sẵn có...

Tại Việt Nam đã xuất hiện những ca bệnh mang biến thể của SARS-CoV-2, Chính phủ nhanh chóng hành động bằng cách đình chỉ các chuyến bay đến từ các quốc gia có biến thể mới của virus như Anh, Nam Phi. Tờ ABCnews cho rằng, phản ứng nhanh chóng của Việt Nam đối với đại dịch khiến quốc gia được an toàn, người dân được khỏe mạnh. TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã bắt đầu “chung sống an toàn với COVID-19” nhằm đạt được mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Hãng tin Reuters của Anh cho rằng, bằng các biện pháp kiểm dịch và theo dõi nghiêm ngặt, Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bệnh, cho phép hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn so với phần lớn các nước châu Á.

Vào tháng cuối cùng của năm 2020, Việt Nam đã chủ động đề xuất lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và được Đại hội đồng LHQ thông qua. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất và thúc đẩy thông qua. Nỗ lực này đã thể hiện vai trò của Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong xử lý các thách thức chung. Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn Việt Nam vì vai trò lãnh đạo trong chuẩn bị ngày kỷ niệm này.

Thế giới đã sản xuất được vắc-xin ngừa COVID-19, cuộc chiến chống đại dịch đã bước sang giai đoạn mới, khó khăn thách thức còn ở phía trước, nhưng với tinh thần và ý chí của người Việt Nam đã tôi rèn trong quá khứ, người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ. Nhất định chúng ta sẽ thành công!

Trong bài viết của ông Kamal Malhotra - Ðiều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, đăng trên trang web của LHQ có đoạn: “Thành công của Việt Nam là do sự lãnh đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quân đội, chính quyền địa phương, mỗi người dân đã vào cuộc từ sớm. Việt Nam cung cấp địa điểm cách ly, các bữa ăn, xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. Ðặc biệt, người dân Việt Nam rất tuân thủ các quy định và khuyến nghị của Chính phủ, lòng tin đó được xây dựng từ việc Chính phủ, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và LHQ”.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chong-dich-kieu-viet-nam-duoi-goc-nhin-ban-be-quoc-te-n185670.html