Chống dịch ở chợ dân sinh

Sau ngày 28.3, phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống dịch Covid-19, nhưng vẫn còn một số nơi lơ là, thực hiện kiểu đối phó.

Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ Con ở TP Hải Dương

Nơi nghiêm túc

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hải Dương đã chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và nhận biết các dấu hiệu ban đầu bằng loa truyền thanh, phát tờ rơi đến các tiểu thương và người đi chợ. Từ sau Tết Canh Tý 2020, nhiều chợ đã chủ động phun khử khuẩn… Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương đã giao UBND thành phố chỉ đạo ban quản lý (BQL) các chợ lập chốt kiểm soát. Hầu hết các chợ trên địa bàn TPHải Dương đã có các chốt kiểm soát dịch. Các chốt này tổ chức đo thân nhiệt và chỉ cho những người đeo khẩu trang, không có các biểu hiện ho, sốt và thực hiện đầy đủ các quy định phòng dịch mới được vào chợ mua bán.

Hiện nay, 6 lối ra vào chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) đều có bàn khai báo y tế. Người dân ra vào chợ đều được kiểm tra thân nhiệt, ghi lại tên tuổi và số điện thoại liên hệ. Chợ Phú Lương có 4 cửa vào nhưng hiện nay người dân chỉ được vào bằng 2 cửa. Tại 2 cửa này đều trang bị máy đo thân nhiệt và có người ngồi ghi thông tin người đến chợ. Tiểu thương trong chợ đa phần đã thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi mua bán với khách hàng.

Chợ Hải Tân có 6 cửa vào và hơn 280 gian hàng. Để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 28.3, BQL chợ chặn 4 cửa vào, chỉ để lại 2 cửa. Tại 2 cửa này có chốt kiểm dịch đo thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay khô cho người dân ra vào chợ. Từ tháng 2 đến nay, chợ được phun khử khuẩn 4 lần. “38 quầy, ki-ốt bán hàng ăn trong chợ đã dừng hoạt động từ ngày 28.3. Nhiều ki-ốt bán quần áo, hàng hóa không thiết yếu lúc này cũng đã dừng bán. Số lượng người dân đến chợ giảm khoảng 50% so với 3 ngày trước. Để kiểm soát tốt người đến chợ, BQL đã bổ sung thêm 3 người, nâng tổng số nhân viên quản lý, kiểm soát tại chợ lên 10 người”, ông Nguyễn Trách Hoàn, Trưởng bộ phận Quản lý chợ Hải Tân cho biết.

Theo ông Phạm Như Thanh, Trưởng BQL chợ Con (TP Hải Dương), từ sau Tết, BQL chợ đã tổ chức phun khử khuẩn 3 lần; tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương và người dân đến mua hàng phải đeo khẩu trang.

Không chỉ các chợ ở thành thị, một số chợ ở nông thôn cũng quan tâm đến công tác phòng dịch. Sáng 30.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Thanh Lang (Thanh Hà) phát miễn phí 300 khẩu trang vải, phun xịt nước sát khuẩn tay và tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho khoảng 400 người dân, tiểu thương ở chợ Liên Minh. Ban Chỉ đạo xã cũng nhắc nhở các tiểu thương bảo đảm khoảng cách giữa các sạp, quầy. Thanh Lang sẽ tiếp tục phát khẩu trang và tuyên truyền cho các tiểu thương ở chợ Liên Minh thêm 3 đợt vào các ngày có phiên chợ từ nay đến hết ngày 15.3 âm lịch.

Các hàng ăn ở chợ Đồng, xã Đồng Cẩm (Kim Thành) vẫn phục vụ người dân. Ảnh chụp ngày 28.3

Chỗ lơ là

Công tác phòng chống dịch tại các chợ dân sinh trên toàn tỉnh cơ bản được thực hiện tốt nhưng tại một số chợ vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, lơ là.

Khi lượng người ra vào chợ Bắc Kinh (TP Hải Dương) không còn đông đúc cũng là lúc tình trạng chủ quan, lơ là bên trong chợ thể hiện rõ rệt nhất. Một bộ phận tiểu thương tuy có đeo khẩu trang nhưng không đúng quy cách, hở toàn bộ mũi và miệng. Điều này cũng diễn ra tại chợ Cuối ở thị trấn Gia Lộc và "chợ cóc" ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ). Nhiều tiểu thương khi không có khách mua hàng đã vô tư tháo bỏ khẩu trang, ngồi trò chuyện sát cạnh nhau. Tại nhiều cổng chợ đã có biển thông báo bắt buộc phải đeo khẩu trang, phải thực hiện đo thân nhiệt khi vào chợ, nhưng vẫn còn tình trạng người dân phớt lờ thông báo.

Trong công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng cũng bộc lộ những bất cập. Trước cổng chợ Con, có người thực hiện nhiệm vụ đo thân nhiệt cho người dân ra vào chợ nhưng bản thân lại không đeo khẩu trang mà kéo xuống cằm. Một số cán bộ thuộc đoàn kiểm tra, nhắc nhở phòng chống dịch của phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng không đeo khẩu trang hoặc vừa làm việc vừa kéo khẩu trang xuống hút thuốc.

Chợ Đông Ngô Quyền (TPHải Dương) hiện có 3 lối ra vào, trong đó có 1 lối được chặn barie, có người đứng trực, nhưng người dân vẫn đi vào và không phải kiểm tra thân nhiệt. Bên cạnh đó, do là khu chợ sầm uất nên lượng người ra vào đầu giờ sáng khá lớn, trong khi đó số nhân viên đo thân nhiệt ít nên vẫn xảy ra tình trạng người dân ra vào mà không phải đo thân nhiệt.

Một số người bán thịt, cá, rau ở chợ Đồng, xã Đồng Cẩm (Kim Thành) cũng không đeo khẩu trang nhưng vẫn trò chuyện, bán hàng cho khách. Trong chợ, các quán bán phở, bún, cháo, chè, bánh... vẫn phục vụ người dân.
Tình trạng họp "chợ cóc" còn diễn ra ở nhiều nơi và ngay tại TP Hải Dương. Việc xử lý còn nể nang, né tránh.

Chợ dân sinh là nơi dễ bùng phát dịch, nhất là với dịch bệnh nguy hiểm và dễ lây nhiễm như Covid-19 nên chỉ một phút lơ là, chủ quan, hậu quả có thể khôn lường. Vì vậy, các ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần chỉ đạo, giám sát chặt chẽ và kiên quyết hơn nữa để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/chong-dich-o-cho-dan-sinh-132351