Chống dịch tả heo châu Phi: trên sốt ruột, dưới lơ là

Không tính các cuộc họp do địa phương tổ chức, hơn hai tháng qua, riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hai lần họp bàn giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi và có thêm một cuộc họp diễn ra vào ngày mai, 13-5.

Nhưng, vì sao dịch heo châu Phi vẫn ngày càng diễn biến hết sức phức tạp?

Chống dịch tả heo châu Phi mấu chốt là phải thực thi ý kiến chỉ đạo. Trong ảnh là người dân phun thuốc sát trùng chuồng trại. Ảnh: Trung Chánh

Có thể thấy, trong khoảng thời gian ngắn như trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã hai lần có mặt chỉ đạo, thậm chí ông đã hủy kế hoạch dự hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam” diễn ra vào sáng 15-3 ở tỉnh Long An để tập trung cho cuộc họp phòng, chống dịch tả heo châu Phi lần thứ hai diễn ra chiều 14-3; ở góc độ nào đó đã thấy được sự "quyết liệt" của vị tư lệnh ngành này.

Lý do khiến vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hủy dự hội nghị sáng 15-3 ở Long An để gấp rút “triệu tập” cuộc họp vào chiều 14-3 với 17 tỉnh, thành có xuất hiện dịch tả heo châu Phi lúc bấy giờ xuất phát từ sự lây lan nhanh chóng của loại dịch bệnh này.

Theo đó, thời điểm ngày 4-3-2019, cả nước mới ghi nhận có 7 địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương với chỉ 4.231 con heo bị.

Thế nhưng, đến ngày 14-3, tức chỉ 10 ngày sau đó, đã tăng lên con số 17 địa phương, gồm 7 địa phương như nêu trên và 10 địa phương mới là Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An với 23.442 con heo bị. Và hiện nay, đã có thêm nhiều địa phương mới công bố dịch như Đồng Nai và chắc chắn số lượng heo mắc bệnh sẽ không dừng lại ở con số như nêu trên.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, là vì sao sau chỉ đạo tại cuộc họp ngày 4-3 (Thủ tướng cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo), thậm chí đến cuộc họp ngày 14-3, tình hình bùng phát dịch bệnh heo châu Phi lại càng nghiêm trọng hơn? Phải chăng sự “chỉ đạo” ứng phó đã không quyết liệt?

Rõ ràng, đó không phải là lý do, mà lý do chính là việc tiếp nhận và thực thi chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch ở cấp địa phương, ở cơ sở đã có sự chủ quan, lơ là, cho nên, dẫn đến dịch bùng phát ngày càng nghiêm trọng.

Tường thuật trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 10-5 trong bài viết “Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ơi, lợn (heo) của dân chết ngập chuồng rồi” cho thấy, địa phương đã rất “thờ ơ" với dịch tả heo châu Phi.

Theo bài báo, bà Phạm Nụ, Chủ đầu tư hai trại heo ở thôn Yên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào sáng 9-5 khi phát hiện heo chết hàng loạt đã báo cáo chính quyền địa phương, nhưng đến chiều vẫn không thấy cán bộ đến để kiểm tra, tiêu hủy heo theo quy định. Trước đó, hàng chục hộ dân khác cũng đã “tự cứu lấy mình” khi phải tự huy động phương tiện thô sơ để chở heo ra... nghĩa địa.

Lấy sự việc xảy ra ở một địa phương để đánh giá cho những nơi khác là không hoàn toàn chính xác, nhưng rõ ràng đã có sự "lơ là" ở một số nơi trong phòng chống dịch heo châu Phi và chắc chắn điều này sẽ có tác động không hề nhỏ đến sự lây lan như thời gian qua.

Vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết bây giờ là phải thực thi nghiêm và toàn diện những chỉ đạo đã có trước đó, chứ không phải họp để tiếp tục có... chỉ đạo. Bởi, ngay tại cuộc họp hôm 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo tất cả các tỉnh/thành trong cả nước, thậm chí Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh/thành phải trực tiếp tham dự họp để triển khai phòng, chống dịch tại địa phương, chứ không được cử đại diện các sở, ngành dự.

Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả chỉ thị 04 ngày 20-2-2019 về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh có hiệu quả.

“Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch tả heo châu Phi tại địa phương mình quản lý”, Thủ tướng cho biết và nói rằng đây không phải là việc đơn thuần của riêng chi cục thú y, của ngành nông nghiệp, mà từng địa phương phải cùng ra tay mới có hiệu quả.

Đối với Bộ Tài Chính, Thủ tướng chỉ đạo, cần có hướng dẫn kịp thời các địa phương trong việc thanh, quyết toán chi phí hỗ trợ phòng, chống dịch; Bộ Thông tin và Truyền thông phải tuyên truyền mạnh vấn đề này theo hướng không để vì tình trạng dịch heo châu Phi mà ngành chăn nuôi bị ứ đọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Trong khi đó, đối với Bộ Giao thông Vận tải, cần chỉ đạo kiểm soát kỹ, hạn chế vận chuyển heo đường dài từ Bắc vào Nam, nhất là từ khu vực xảy ra dịch bệnh sang những nơi chưa có dịch.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là áp dụng mức giá hỗ trợ người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái, heo đực giống. Bởi, đây là yếu tố quyết định để người chăn nuôi không giấu dịch, lén đưa heo bệnh bán ra thị trường - một nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đối với việc hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch, Thủ tướng đồng ý giao cho địa phương, mà cụ thể là chủ tịch UBND các tỉnh/thành toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. “Việc triển khai thực hiện phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực”, ông nhấn mạnh.

Đối với người dân, Thủ tướng yêu cầu thực hiện 5 không trong phòng, chống dịch heo châu Phi, đó là không giấu dịch; không mua bán heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288686/chong-dich-ta-heo-chau-phi-tren-sot-ruot-duoi-lo-la.html