Chống hạn trên vùng biên khắc nghiệt

Đi dọc Quốc lộ 14C từ huyện mới thành lập Ia H'Drai lên vùng ngã ba biên giới của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) mới thấy sự khốc liệt của đợt hạn hán lịch sử năm nay. Hầu hết những con sông, con suối nhỏ đều đã 'vắt kiệt' đến những giọt nước cuối cùng. Nước thì cạn kiệt, trong khi độ che phủ của rừng gần như đã mất do bàn tay con người tàn phá, càng khiến cho đợt hạn hán thêm khốc liệt hơn. Trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt đó, những người lính Biên phòng vẫn âm thầm căng mình giúp dân chống hạn để có thể bám trụ vững vàng trên biên giới...

Công trình nước sạch sinh hoạt phục vụ 2 thôn Đắk Long và Đắk Giao do Đồn BP Đắk Xú xây dựng.

Công trình nước sạch sinh hoạt phục vụ 2 thôn Đắk Long và Đắk Giao do Đồn BP Đắk Xú xây dựng.

Nguy cơ "tuyệt chủng" đàn gia súc

Trước chuyến đi thực tế các đồn BP phía Nam của tỉnh Kon Tum, Đại tá Đồng Ngọc Luân, Chính ủy BĐBP tỉnh lo lắng báo cho chúng tôi biết: "Đến thời điểm hiện nay, tất cả các đồn phía Nam của tỉnh đều nằm trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong đó nặng nhất là Đồn BP Sa Thầy. Cán bộ, chiến sĩ ở đây đang căng mình chống hạn với muôn vàn khó khăn khắc nghiệt. Chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kinh phí để giúp các đồn khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm, nhằm ổn định đời sống sinh hoạt, công tác cho anh em. Tuy nhiên, nếu hạn hán kéo dài thì không biết hậu quả sẽ như thế nào...".

Có mặt tại Đồn BP Sa Thầy, nhìn những người lính nơi đây vét từng giọt nước từ miệng hố dưới lòng sông mà đôi mắt cứ "dán chặt" vào những đám mây mỏng phía xa xa, chúng tôi hiểu muôn vàn gian nan, thử thách đang đợi họ phía trước. Bám trụ gần 20 năm trên các tuyến biên giới tỉnh Kon Tum, Thiếu tá Phan Trọng Bình, Phó Đồn trưởng ngao ngán nói rằng, chưa từng thấy đợt hạn nào khốc liệt như năm nay. Mặc dù Đồn BP Sa Thầy đã xây dựng xong khu doanh trại mới, nhưng không dám ra đấy ở vì không có nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt của bộ đội. Trong số 650 cây xanh và cây ăn quả được đơn vị trồng trong khuôn viên doanh trại mới thì đến nay đã có phân nửa chết héo do không có nguồn nước tưới, số còn lại có lẽ cũng chịu chung "số phận" nếu trời không mưa.

Thiệt hại đầu tiên phải kể đến trong đợt hạn hán này chính là công tác tăng gia sản xuất của đơn vị. Trong khi khu vực trồng rau xanh đã bị tê liệt, thì trại chăn nuôi bắt đầu gánh chịu hậu quả khi đàn gia súc "rủ nhau" chết hàng loạt. Hôm trước, một con bò sinh sản của đồn bị chết do không đủ nước uống, thì ngày hôm sau, đàn lợn do không chịu được sức nóng lên đến gần 40 độ C đã đâm đầu vào vũng bùn nước thải chết ngạt. Với cường độ nắng nóng như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng đàn gia súc ở Đồn BP Sa Thầy là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nỗi lo chống hạn của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sa Thầy không chỉ gói gọn trong khu doanh trại của đơn vị, mà ngoài địa bàn, anh em cũng đang căng mình giúp dân vượt khó. Thiếu tá Phan Trọng Bình cho chúng tôi biết: "Đồn quản lý địa bàn một phần xã Ia Tơi và một phần xã Ia Đal của huyện mới thành lập Ia H'Drai. Tại hai khu vực này, bà con đang điêu đứng do hạn hán. Những ngày này, chúng tôi liên tục cử các tổ công tác xuống các hộ dân giúp bà con nạo vét giếng, tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Đồn BP đóng cạnh bờ sông như thế này còn khô nước, nói gì bà con ngoài địa bàn, chắc chắn hạn hán càng khốc liệt hơn...".

Dòng nước mát lành chảy giữa mùa hạn hán

Căng mình chống hạn cho đơn vị mình, nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi lo bà con trên địa bàn thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, đó là những trăn trở của những người lính Biên phòng trên tuyến biên giới Nam Kon Tum.

Ở thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai, mỗi khi nói đến Thượng tá Trần Đình Hào, Đồn trưởng Đồn BP Mo Rai, bà con nhớ ngay đến một "kiến trúc sư" của công trình nước sạch sinh hoạt. Công trình ống nước tự chảy có tổng chiều dài gần 3.000 mét, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho gần 100 hộ dân này là kết quả sau gần 5 năm trải nghiệm nơi vùng biên khô khát của Thượng tá Trần Đình Hào. Sau khi dự án khoan giếng, khai thác nước sinh hoạt cho làng thanh niên lập nghiệp Mo Rai (thôn 3 ngày nay) do Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Kon Tum triển khai, trị giá hơn 1 tỷ đồng thất bại, cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Nỗi trăn trở của người lính Biên phòng cứ thế lớn dần lên qua mỗi mùa khô hạn khắc nghiệt.

Bằng kinh nghiệm của Đồn trưởng đồn BP và trách nhiệm của đại biểu HĐND xã, Thượng tá Trần Đình Hào đã mạnh dạn tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương và Ban quản lý Làng thanh niên lập nghiệp Mo Rai chuyển hướng dự án đưa nước tự nhiên từ điểm cao trên 200 mét về khu dân cư. Nhờ sáng kiến này mà từ đầu mùa khô đến nay, hạn hán lên đến đỉnh điểm, nhưng gần 100 hộ dân ở thôn 3 vẫn "sống vui, sống khỏe" nhờ dòng nước mát lành được chắt chiu từ tấm lòng và quyết tâm của người lính Cụ Hồ. Chị Xuân, quê ở Hà Tĩnh vào đây lập nghiệp, bộc bạch với chúng tôi: "Trên vùng biên khô cháy này nếu không có sự đồng hành, sẻ chia giúp đỡ của Đồn BP Mo Rai thì người dân khó có thể bám trụ được. Không chỉ thiết kế công trình nước sinh hoạt cho bà con, đồn BP còn hỗ trợ cây, con giống giúp các gia đình nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống...".

Còn ở vùng ngã ba biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi, tại thời điểm đợt hạn hán lịch sử diễn biến khốc liệt nhất cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Xú tập trung triển khai "tiểu dự án" xây dựng đường nước sạch tự chảy cung cấp cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng ở 2 thôn Đắk Long và Đắk Giao (xã Đắk Xú). Mặc dù giá trị đầu tư của công trình không lớn (khoảng 60 triệu đồng) nhưng đó là sự sẻ chia rất đáng trân trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Xú.

Thượng tá Thái Bá Đường, Chính trị viên Đồn BP Đắk Xú cho chúng tôi biết: "Ý tưởng đưa nước sạch sinh hoạt về 2 thôn Đắk Long và Đắk Giao đã có từ mấy năm trước, nhưng do nguồn kinh phí đầu tư eo hẹp nên đồn đành phải "lỗi hẹn" với bà con. Năm nay hạn hán quá khốc liệt, bà con thiếu nước trầm trọng, chỉ huy đơn vị quyết định triển khai dự án để kịp thời đưa nước về phục vụ nhân dân. Đến thời điểm này, mặc dù mới chỉ lo được hơn nửa số tiền chi phí cho công trình, nhưng chỉ ít ngày nữa thôi, dòng nước mát lành sẽ về đến tận các hộ dân, mang niềm vui đến với thôn làng...".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để xây dựng được công trình nước sạch sinh hoạt cho bà con, cán bộ Đồn BP Đắk Xú đã đứng ra vận động các doanh nghiệp trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quyên góp. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp. Đây rõ ràng là sự nỗ lực rất lớn của người lính mang quân hàm xanh, là dấu ấn đậm nét của tình quân dân trên vùng biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chong-han-tren-vung-bien-khac-nghiet/