Chống kẹt xe, nhiệm vụ của ai?

Lại một lần nữa kế hoạch chống ùn tắc giao thông (UTGT) - một trong 6 chương trình trọng điểm của Thành ủy TPHCM - bị các địa phương lơ là.

Trong cuộc họp chiều 15-11 về các giải pháp giảm UTGT, các sở, ngành đã “tay trắng” đến họp, mặc dù trước đó UBND TPHCM đã yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khảo sát thực tế về UTGT và phương án bố trí lệch ca, lệch giờ của từng đơn vị. Sở LĐ-TB-XH đã yêu cầu phòng LĐ-TB-XH 24 quận, huyện báo cáo nghiên cứu khảo sát về UTGT nhưng chỉ có 5 đơn vị báo cáo. Với tốc độ này, chắc chắn TPHCM không thể trình Chính phủ phương án lệch ca, lệch giờ trước ngày 20-11 theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện chương trình giảm UTGT giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 giữa tháng 8-2011, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng đã rất phiền lòng về sự chậm chạp của các địa phương. Chương trình được ban hành vào tháng 5-2011 nhưng 3 tháng sau, chỉ có Sở GTVT và quận Bình Thạnh ban hành kế hoạch hành động cụ thể, còn các nơi khác thì… tắc tị, hỏi tới thì… né. Câu hỏi đặt ra: Các sở, ngành, quận, huyện thấy không cần thiết phải chống UTGT nên cứ trù trừ hay không đủ năng lực để viết ra một bản kế hoạch khả thi?

Sự lơ là của các sở, ngành, quận, huyện còn nằm ở chuyện cử người đi họp. Cụ thể, trong cuộc họp chiều 15-11, đa số lãnh đạo các KCN-KCX vắng mặt và chỉ cử chuyên viên đến họp. Năm ngoái, trong lúc kẹt xe đỉnh điểm, Sở GTVT chủ trì cuộc họp nhằm tìm biện pháp tháo gỡ kẹt xe, nhiều sở, ngành không đến dự hoặc chỉ cử chuyên viên đến dự rồi về báo cáo lại. Biết rằng những người đứng đầu sở, ngành, quận, huyện có nhiều việc phải giải quyết, nhiều cuộc họp phải tham gia, nhiều khi phải dự cuộc họp này bỏ cuộc họp kia. Tuy nhiên, việc tham dự cuộc họp nào cũng phải dựa trên tầm quan trọng của vấn đề.

Thiệt hại do UTGT mỗi năm lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, kèm theo những hệ lụy như làm giảm chất lượng sống, ô nhiễm môi trường… Kẹt xe là vấn đề chưa bao giờ “nguội”. Khi ta có quyết tâm “diệt” UTGT bằng những biện pháp quyết liệt cũng chưa chắc đã thành công, còn rề rà như hiện nay thì người dân phải xem kẹt xe như… một phần tất yếu của cuộc sống!

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111117094953114p0c1002/chong-ket-xe-nhiem-vu-cua-ai.htm