Chống lạm thu đầu năm học - tự nguyện chỉ là bình phong

Bất kì trường học nào bị phụ huynh phản ánh về chuyện lạm thu, các trường đều nói 'các khoản đóng góp ngoài quy định đều là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Nhà trường không ép buộc và có đủ căn cứ pháp lý'.

Thực hư các khoản thỏa thuận và tự nguyện đóng góp của phụ huynh học sinh

Nhà trường thường đưa phụ huynh ra mỗi khi có thắc mắc về khoản thu. Từ "phụ huynh" thường dùng và ám chỉ số đông, sự đồng thuận, tuy nhiên, thực chất đó thường chỉ là sự đồng ý của cá nhân người mang danh hội trưởng hội cha mẹ học sinh ở trường.

Còn có đủ các văn bản pháp lý như các hiệu trưởng thường giải trình chính là biên bản họp giữa nhà trường và vị hội trưởng, cùng với biên bản họp phụ huynh ở các lớp mà luôn có câu chối cuối cùng bằng dòng chữ "phụ huynh đồng ý với ý kiến của nhà trường".

Nhờ cách làm "có căn cứ" như thế nên không ít hiệu trưởng rất mạnh miệng tuyên bố đã được đồng thuận của phụ hunh khi bị hỏi đến việc thu chi của trường.

Hội phụ huynh đã vô hình trung trở thành tấm bình phong vô cùng chắc chắn để bảo vệ ban giám hiệu nhà trường trước các khoản lạm thu.

Bí quyết chọn hội trưởng phụ huynh của các nhà trường lạm thu

Về nguyên tắc, hội trưởng hội cha mẹ học sinh phải do phụ huynh các lớp bầu chọn người đại diện để bảo vệ quyền lợi cho họ. Thế nhưng số đông phụ huynh đâu có cơ hội làm điều này.

Để chọn ra được một hội trưởng thì trước đó, một số hiệu trưởng nhà trường đã có "chiến dịch" săn lùng vị hội trưởng từ trước. Tiêu chuẩn để hiệu trưởng "để mắt" tới vị hội trưởng phải hộp tụ ít nhất những tiêu chí sau: Gia đình ấy phải có kinh tế khá trở lên (thường là những học sinh học trái tuyến) để chịu thu và chịu chi. Phụ huynh ấy là người có tiếng nói trong xã hội hoặc ít ra cũng được nhiều phụ huynh coi trọng.

Nếu không thể tìm được những vị phụ huynh "quyền lực" như vậy thì ít nhất cũng là người dễ chịu, thế nào cũng được, việc gì cũng ừ mà không có ý kiến phản đối.

Thế nên, hội trưởng cha mẹ học sinh được bầu chắc chắn sẽ đứng về phía nhà trường, trở thành cánh tay nối dài của hiệu trưởng, dẫn đến việc thỏa thuận giữa nhà trường và hội cha mẹ được "xuôi chèo mát mái" chủ yếu là việc thu tiền.

Đổi lại, nhà trường cũng sẽ ban cho các vị hội trưởng nhiều đặc ân. Nào là mua quà tặng vào các dịp lễ tết, mời đi du lịch, mời tham dự các buổi tiệc tùng, ưu tiên cho con, người thân của họ khi có nhu cầu vào học trái tuyến…

Thậm chí có những phần học bổng hay khi xét khen thưởng thì con cái những vị này đôi khi cũng nhận được sự chiếu cố nhiều hơn, kiểu "bánh ích trao đi bánh quy trao lại". Mối quan hệ này khiến hội trưởng hội phụ huynh luôn đồng ý theo ý hiệu trưởng.

Có được sự đồng thuận này thì xem như mọi khoản thu chi của trường đã hợp lệ, đã được thỏa thuận giữa cha mẹ các em với nhà trường một cách công khai và dân chủ.

Trong buổi họp lớp đầu năm, khi mức thu chi được công bố, cũng có một số lớp, phụ huynh tỏ ý không bằng lòng nhưng họ không dám quyết liệt phản đối.

Có phụ huynh nói thẳng: "Tôi chả lo con mình bị thầy cô để ý mà tôi thương chính thầy cô đang dạy con mình". Nghe có vẻ vô lý nhưng không ít giáo viên bị hiệu trưởng hành vì trong biên bản cuộc họp đã ghi ra một số ý kiến phản ứng của phụ huynh không đồng ý về những mức thu nhà trường ban ra.

Chính thầy cô này, bị hiệu trưởng liệt vào dạng "chống đối" theo lý lẽ của họ: "Tại sao mấy lớp kia phụ huynh không phản ứng gì mà lớp này lại có chuyện đó? Thầy cô chưa vận động hết mình, thầy cô chưa làm tròn vai trò của một giáo viên chủ nhiệm".

Và bao rắc rối cứ thế sẽ bủa vây. Vậy nên, đa phần cha mẹ học sinh đều mất quyền đấu tranh, mất quyền hỏi rõ ngọn ngành các khoản thu bắt buộc và không bắt buộc, miễn cưỡng móc hầu bao ra chi.

Thuốc nào trị được căn bệnh lạm thu?

Sự im lặng của phụ huynh chính là mảnh đất màu mỡ cho nạn lạm thu tung hoành.

Năm học 2018-2019, trên các trang thông tin trở nên dậy sóng bởi mức thu của một trường học ở Hải Phòng có các khoản thu lên đến gần 10 triệu đồng/học sinh. Trong đó, có một số khoản thu vô cùng bất minh như tiền học thêm, sửa chữa trong nhà trường, báo đội...

Nếu không có sự đồng ý của hội phụ huynh, chắc chắn nhà trường chẳng bao giờ ra quyết định này. Tình trạng lạm thu năm nào cũng xảy ra xem như cơn sốt này chưa bao giờ hạ nhiệt vào đầu mỗi năm học.

Ngoài việc tiếp tay của một số hội trưởng hội cha mẹ học sinh, phải kể đến việc xử lý những người vi phạm chưa nghiêm của các cấp chính quyền nên chưa làm bài học cho những hiệu trưởng khác.

Ví dụ việc điều động bà Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hưng Thắng bị kỷ luật cảnh cáo vì lạm thu các khoản trái quy định lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Bà Võ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) hai năm liên tiếp lạm thu lại được điều chuyển vào làm hiệu trưởng một trường tiểu học khác cùng huyện. Với kiểu kỉ luật êm ái, ngọt ngào như thế thì tội gì không "tận thu"? Nếu chẳng may bị phát hiện hoặc là chuyển trường khác rồi lại tận thu tiếp, hoặc được lên chức khác để lại "ngồi mát ăn bát vàng".

Bởi thế, ngoài việc thường xuyên tổ chức thanh tra về các hoạt động thu chi đầu năm ở các trường học thì việc kỉ luật nghiêm khắc người đứng đầu trường học để tình trạng lạm thu xảy ra, chắc chắn sẽ không có nhiều hiệu trưởng dám liều mình để vướng vào những chuyện thu chi bất minh như thế.

Tấm gương mờ về "tận thu" bị kết án tù của một hiệu trưởng ở Hải Phòng chắc chắn sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ hiệu trưởng nào còn dám nhân danh tự nguyện để bòn rút tiền của phụ huynh.

Phan Huyền

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chong-lam-thu-dau-nam-hoc-tu-nguyen-chi-la-binh-phong-179230802233653904.htm