Chống lãng phí, nâng hiệu quả công trình xây dựng

Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng sẽ tiết giảm được kinh phí đầu tư mà không ảnh hưởng đến công năng của công trình. Nhận thức rõ điều này, nhiều giải pháp đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Giảm trừ kinh phí sau thẩm định, thanh tra

Theo Sở Xây dựng, năm 2023, Sở tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi 49 dự án (giá trị tổng mức đầu tư trình thẩm định 3.039 tỷ đồng); thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 55 công trình (giá trị dự toán trình thẩm định 3.097 tỷ đồng); báo cáo kinh tế kỹ thuật 87 công trình (giá trị tổng mức đầu tư trình thẩm định 115,8 tỷ đồng, giá trị tổng mức đầu tư sau thẩm định 110,9 tỷ đồng, giá trị giảm trừ 4,9 tỷ đồng). Quý I/2024, Sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi 11 dự án (giá trị tổng mức đầu tư trình thẩm định 513,2 tỷ đồng); thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 8 công trình (giá trị dự toán trình thẩm định 235,5 tỷ đồng). Một số công trình có tổng mức đầu tư sau thẩm định giảm so với thời điểm trình thẩm định.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh nâng cao chất lượng thẩm định, qua công tác thanh tra, Sở đã phát hiện một số hạn chế như: Việc tính toán khối lượng để đưa vào dự toán, áp dụng định mức, đơn giá còn có sai sót; công tác kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của chủ đầu tư; công tác thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; công tác đánh giá hồ sơ dự thầu của các cơ quan, đơn vị và cá nhân đôi khi chưa chặt chẽ dẫn đến hồ sơ chất lượng chưa cao.

Quý I/2024, Sở Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi 11 dự án (giá trị tổng mức đầu tư trình thẩm định 513,2 tỷ đồng); thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 8 công trình (giá trị dự toán trình thẩm định 235,5 tỷ đồng).

Năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiến nghị giảm trừ số tiền 694 triệu đồng; quý I/2024 kiến nghị giảm trừ hơn 1,3 tỷ đồng đối với một số dự án chuẩn bị phê duyệt quyết toán. Như vậy qua công tác quản lý nhà nước, nhiều dự án đã được cơ quan chức năng chỉ ra những hạn chế, bất cập, từ đó tiết kiệm cho ngân sách.

Ngoài ra, ở một số nơi trong tỉnh có tình trạng một khu vực nhưng đào lên, lấp xuống nhiều lần. Lúc đặt ống dẫn nước sau đó lấp vào rồi lại đào lên ngầm hóa cáp viễn thông, sửa đường, vỉa hè. Việc này không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn lãng phí nguồn lực đầu tư. Bởi lẽ, mỗi lần đào đắp là một lần phải bỏ chi phí, dù của tổ chức hay cá nhân thì cũng là nguồn lực chưa được sử dụng hiệu quả.

Ở một số khu dân cư, khu đô thị được đầu tư về hạ tầng gồm đường giao thông và một số hạng mục đi kèm, song vỉa hè làm sẵn ở khu vực phân lô, bán nền thường không phát huy được hiệu quả sử dụng. Nguyên nhân là do người dân vào xây nhà phải vận chuyển vật liệu, đào móng, thi công sẽ làm hỏng vỉa hè hoặc phải làm lại để phù hợp với công trình xây mới. Hay có nơi, một số hạng mục được thi công không phù hợp với thực tế; hoặc có dự án xây xong, bị cưỡng chế, phải phá bỏ… Đây cũng là một việc làm gây lãng phí trong hoạt động xây dựng.

Nâng chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ

Lãng phí trong xây dựng không chỉ ở những việc làm kể trên mà còn ở trong khâu thiết kế, quy hoạch. Thực tế, công tác lập quy hoạch đã được UBND các huyện, thị xã, TP quan tâm song chưa đầy đủ, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công tại một số địa phương còn chưa hợp lý, có trường hợp chồng lấn ranh giới, khối lượng giữa các dự án, phải điều chỉnh dự án gây lãng phí thời gian, nguồn lực. Nhiều dự án chậm triển khai thực hiện hoặc kéo dài tiến độ do vướng mắc về quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, giải pháp thiết kế không phù hợp với thực tế hiện trường; nhiều hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng chất lượng chưa cao phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thẩm định, thi công.

Theo Sở Xây dựng, việc xây dựng kế hoạch, chủ trương đầu tư còn nhiều bất cập, đặc biệt là đối với cấp xã có thể thấy nhiều quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển của địa phương, không tính đến khả năng cân đối vốn. Điều này dẫn tới các dự án dở dang hoặc không đủ vốn để hoàn thành, đầu tư chắp vá, không đồng bộ hoặc nếu có hoàn thành thì nhiều dự án không hiệu quả, không phát huy tác dụng dẫn tới lãng phí vốn đầu tư.

Mỗi năm, toàn tỉnh dành hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình. Nếu tiết kiệm tốt thì địa phương sẽ có thêm nguồn lực đầu tư công trình mới, phục vụ cho phát triển KT-XH, góp phần cải thiện đời sống người dân. Vì vậy, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng, theo lãnh đạo Sở Xây dựng cần nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng. Vì quy hoạch là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch phải bám chắc các quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực và kinh nghiệm. Triển khai việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh theo đúng trình tự, tránh lấy ý kiến mang tính hình thức.

Xác định giá mặt hàng các loại vật liệu xây dựng tác động đến công tác lập dự toán, đấu thầu và thi công xây dựng, Sở Xây dựng theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp; đưa công bố giá thành nguồn cơ sở dữ liệu tin cậy cho các chủ đầu tư, đơn vị thẩm định để xác định chi phí, lập dự toán công trình.

Đi đôi với giải pháp trên, nhiều ý kiến đề xuất để tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng cũng cần xác định đúng kế hoạch, chương trình, chủ trương đầu tư. Xác định chủ trương đầu tư trên cơ sở đánh giá đúng tiềm lực hiện có, thứ tự ưu tiên của địa phương, bảo đảm nguyên tắc đầu tư xây dựng đồng bộ tránh lãng phí, không để xảy ra tình trạng một chỗ “nay đào đắp, mai kia lại đắp đào” khiến người dân bức xúc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động xây dựng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế.

Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chong-lang-phi-nang-hieu-qua-cong-trinh-xay-dung-151658.bbg