Chống lãng phí tài năng thủ khoa

- Tất cả các thủ khoa đều mong muốn được làm việc đúng chuyên ngành mình học, để tiếp tục đào sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều thủ khoa tốt nghiệp ra trường chưa được trọng dụng hoặc bố trí công việc thích hợp, làm lãng phí thời gian và tài năng của họ. Cách nào để chống sự lãng phí chất xám này?

Tạo môi trường sống và làm việc phù hợp

Ông Nguyễn Hữu Oanh

Ông Nguyễn Hữu Oanh (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thủ khoa Việt Nam): Thủ khoa có thể coi là một nhân tài, nhưng chỉ xét ở góc độ rèn luyện và học tập. Ở góc độ này, các em đáng được tôn vinh. Để thủ khoa hay rộng hơn là nhân tài có cơ hội phát triển, người sử dụng phải hiểu được tính cơ bản của thủ khoa, hiểu được người tài cần gì và muốn làm gì từ đó sử dụng đúng mục tiêu.

Người tài thường có lòng tự trọng cao và có bản lĩnh. Hơn nữa, người tài hay thẳng thắn và cương trực. Họ không muốn ồn ào, mặt khác họ hay có ý tưởng mới, nếu gặp người biết trọng dụng thì đó là thời cơ để người tài thể hiện mình.

Cách hạn chế lãng phí nhân tài, chúng ta cần tạo cho họ một môi trường sống và làm việc phù hợp. Môi trường đó có khả năng ươm trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc, thúc đẩy để họ trải nghiệm. Hiện nay, do môi trường làm việc trong nước không được tốt nên có hiện tượng "chảy máu chất xám".

Muốn tạo ra môi trường và điều kiện để người tài cống hiến cho đất nước thì chính sách đãi ngộ, kinh tế cũng phải phù hợp, phải trả công xứng đáng với công sức sáng tạo của các nhân tài. Đây là cách thể hiện sự trọng dụng người lao động tài năng.

Người giỏi mà không ai nhận tức là không giỏi

TS Nguyễn Long

TS Nguyễn Long (Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam): Để "chiêu hiền đãi sĩ" theo tôi phải có sự đãi ngộ cả về vật chất và tinh thần.

Ngoài mức thu nhập tốt, môi trường làm việc, điều kiện phát triển cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Tôi biết có những người đã từ bỏ những chỗ lương cao để quay về những nơi làm việc có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.

Tôi cho rằng, phải thực sự đảm bảo làm đúng nghề, công việc phù hợp với khả năng, trình độ và chế độ đãi ngộ hợp lý thì mới đủ sức mời gọi nhân tài.

Ngoài ra, chính sách Nhà nước ta còn ràng buộc biên chế. Có những chỗ thực sự cần người giỏi, nhưng nếu mời người giỏi về thì không có chỗ, không thể đuổi được người cũ đi, phải chờ về hưu mới thay được. Như vậy không tạo được dòng chảy thu hút người tài.

Ngoài ra, cá nhân những người tài cũng phải nhìn lại mình, đã giỏi phải giỏi cả tìm việc, phải tự khẳng định được mình chứ không phải cứ bảo mình giỏi mà ngồi chờ. Nếu người giỏi mà bảo là không ai nhận tôi thì tức là không giỏi.

Môi trường làm việc là yếu tố quan trọng nhất

Em Vũ Thanh Quỳnh

Em Vũ Thanh Quỳnh (Thủ khoa Đại học Nông nghiệp Hà Nội):Theo tôi, tất cả các thủ khoa đều mong muốn được làm việc đúng chuyên ngành mình học, để tiếp tục đào sâu nghiên cứu. Các yếu tố quyết định một thủ khoa về làm việc hoặc không làm cho một đơn vị, tổ chức nào đó chính là môi trường làm việc, cơ chế làm việc và chế độ đãi ngộ.

Ai cũng sẽ cân nhắc môi trường làm việc ở đó có thoải mái không, có tạo điều kiện cho các em làm việc, nghiên cứu khoa học hay không, thứ nữa là lương bổng, chế độ đãi ngộ. Trong đó, môi trường làm việc được coi là yếu tố đầu tiên để lựa chọn. Môi trường làm việc tốt chắc chắn sẽ thu hút các thủ khoa về làm việc.

Ví dụ như phòng thí nghiệm hiện đại, thiết bị nghiên cứu đầy đủ, giảm bớt các thủ tục hành chính... Tôi có nhiều bạn bè là thủ khoa các trường, các bạn đều nói mong muốn lớn nhất là làm đúng ngành nghề. Nhiều bạn chọn con đường du học, nghiên cứu sinh rồi sau đó mới đi làm. Chính sách đãi ngộ thủ khoa hiện nay, nếu làm đúng thì không còn gì phải băn khoăn nữa. Nhưng việc ứng dụng nó thì lại chưa nhiều. Thủ khoa hay bất kỳ cử nhân nào cũng mong muốn có môi trường làm việc tốt nhất để phát triển.

Nhóm PV TSKH (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201111/Chong-lang-phi-tai-nang-thu-khoa-1817500/