Chống lừa đảo trực tuyến cần phối hợp đồng bộ cả công nghệ, pháp lý và cơ chế

Đó là một trong những nội dung quan trọng được chia sẻ tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 4/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới, diễn ra vào ngày 5/5 tại Hà Nội.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai trong tháng 5

Thông tin về một số kết quả nổi bật trong tháng 4, bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó chánh Văn phòng phụ trách văn phòng Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 4/2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt: 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng trước (Tháng 3/2023: 295.370 tỷ đồng) và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 4/2022: 317.470 tỷ đồng).

Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng; tỷ lệ doanh thu ước đạt 27% so với kế hoạch năm.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.172 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước (Tháng 3/2023: 7.939 tỷ đồng) và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 4/2022: 8.449 tỷ đồng).

Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 31.302 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái; số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 31% so với kế hoạch năm.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo bà Hoàng Thị Phương Lựu trong tháng 4, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-BTTTT về Kế hoạch hành động Năm dữ liệu số quốc gia và phát triển dữ liệu mở của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 (27/4/2023); Quyết định số 765/QĐ-BTTTT về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách (28/4/2023).

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 được bà Lựu thông tin cụ thể là: Hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; Trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Phê duyệt kết quả đấu giá băng tần 2.3GHz cho thông tin di động IMT; Phát hành bộ tem bưu chính: Nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch; Ra mắt nền tảng Hỗ trợ xây dựng và quản lý tuân thủ cấp độ an toàn hệ thống thông tin; Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí; Triển khai xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Báo chí nhằm chuẩn bị cho công tác Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, quản lý quảng cáo xuyên biên giới giai đoạn 2 và tổ chức Đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam.

Xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới

Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến

Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin chia sẻ tại cuộc họp báo.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của họ thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau… Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên. Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi. Và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu...Tóm lại, các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho hay, ngay từ thời điểm nhận được thông tin phản ánh từ người dân, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo mới này.

Theo ông Trần Quang Hưng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các công ty công nghệ lớn đang chung tay để tìm giải pháp kỹ thuật nhằm xử lý các vụ lừa đảo Deepfake. Lừa đảo trực tuyến sẽ áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong các thời điểm khác nhau do đó, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ, liên tục. "Tuy nhiên, ở góc độ căn cơ, gốc rễ của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính - lấy được tiền của nạn nhân. Để thực hiện sai phạm này, kẻ lừa đảo cần đến các tài khoản chuyển tiền vào. Những đối tượng này mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rất rẻ", ông Hưng nói.

Nhấn mạnh về biện pháp xử lý các hình thức lừa đảo trực tuyến, ông Hưng cho rằng, không chỉ có Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT mà cần sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an từ việc ngăn chặn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin thuê bao...Nếu giải quyết được vấn đề căn cơ là xử lý các tài khoản ngân hàng không chính chủ, câu chuyện lừa đảo trực tuyến chắc chắn sẽ giảm mạnh.

Ông Trần Quang Hưng cũng cho hay, công nghệ thay đổi hàng ngày, không gian mạng hay công nghệ chỉ là công cụ được những kẻ lừa đảo sử dụng. Việc chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà cần có sự phối hợp đồng bộ chung giữa cả mặt công nghệ, pháp lý và cơ chế.

Phan Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chong-lua-dao-truc-tuyen-can-phoi-hop-dong-bo-ca-cong-nghe-phap-ly-va-co-che-post246443.html