Chóng mặt với hóa đơn tiền điện 'leo thang' giữa nắng nóng, đây mẹo giúp tiết kiệm điện vào mùa hè

Thời tiết nắng nóng gay gắt, cộng thêm giá điện bắt đầu tăng đang khiến nhiều hộ gia đình lo lắng về việc sử dụng điện cho so tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 được dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Ngay từ thời điểm tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm tiêu thụ điện tăng cao. Dĩ nhiên, hóa đơn tiền điện với những con số "nhảy múa", điều khiến bất kể gia đình nào cũng phải chóng mặt. Chưa kể, theo thông báo mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, bắt đầu từ 4/5/2023, giá điện bắt đầu tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Chị Lan Anh (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, chỉ mới bắt đầu đợt nắng nóng nhưng từ tháng 4, tiền điện gia đình chị đã tăng vọt. "Nhà mình có bé mới hơn 1 tuổi, vì thời tiết nắng nóng nên vẫn phải liên tục bật điều hòa cho con nằm. Chưa kể, nhưng hôm nắng nóng đỉnh điểm, gia đình 5 người gồm bố mẹ, 2 vợ chồng mình và bé con cũng phải bật ít nhất 2 chiếc điều hòa chạy phà phà cả đêm". Cộng thêm các đồ dùng hao tốn điện khác như tủ lạnh, quạt hơi nước, bình nước lạnh,... Tiền điện những tháng cao điểm hè của gia đình chị Lan Anh lên đến vài triệu đồng.

Ảnh minh họa

Nhưng dưới thời tiết nóng bức từ 38-40 độ như hiện tại, nếu không dùng điện để làm mát thì không gia đình nào có thể chịu được. Cuối tháng nhìn hóa đơn tiền điện cao vọt khiến ai nấy "méo mặt", nhưng người tiêu dùng vẫn phải cắn răng xài điện.

Trước tình hình nắng nóng giai đoạn cao điểm, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) kêu gọi người dân chung tay tiết kiệm điện như một thói quen hằng ngày. Trên các diễn đàn, nhiều người than vãn, hỏi nhau bí quyết vừa tiết kiệm điện mà vẫn đảm bảo được tính hiệu quả, an toàn với sức khỏe.

Dưới đây là một số mẹo giúp các hộ gia đình tiết kiệm điện đáng kể mà vẫn bảo đảm trong sinh hoạt giữa thời tiết nắng đỉnh điểm như hiện nay.

1. Vệ sinh các thiết bị điện

Làm sạch các thiết bị điện trong nhà sẽ giúp chúng "làm việc" hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Bóng đèn sạch sẽ tỏa sáng hơn, vì thế bạn có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn mà tiết kiệm điện hơn. Làm sạch bộ lọc không khí cũng giúp điều hòa của bạn làm mát không khí hiệu quả hơn.

2. Không tắt đi bật lại điều hòa liên tục, nhiều lần

Theo chuyên gia, việc tắt đi bật lại điều hòa những tưởng tiết kiệm điện nhưng thực tế lại hoàn toàn phản tác dụng. Nguyên nhân là bởi mỗi khi bật lại điều hòa, thiết bị cần phải hoạt động với công suất lớn hơn khoảng gấp 3 lần để khởi động máy nén và động cơ quạt, và điều chỉnh nhiệt độ như đã cài đặt một cách nhanh chóng. Chính vì vậy có thể nói, việc tắt đi bật lại điều hòa liên tục, nhiều lần trong ngày và các hành động này diễn ra quá sát nhau sẽ gây tiêu tốn gấp 3 lần tiền điện.

Thay vì tắt đi bật lại điều hòa, người dùng có thể tham khảo chế độ hẹn giờ của điều hòa. Nó vừa giúp tiết kiệm, vừa tránh khỏi trường hợp người dùng quên tắt thiết bị khi ra ngoài.

3. Duy trì nhiệt độ điều hòa trên 25 độ C

Không nên điều chỉnh mức độ điều hòa dưới 25 độ C. Bởi bị thiết bị làm lạnh quá nhanh, công suất sẽ vô tình tăng lên, có lúc đạt tới mức cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc điện năng tiêu thụ sẽ lớn hơn bình thường.

Nhiệt độ lý tưởng được các chuyên gia khuyên người dùng nên chọn khi bật điều hòa, đó là duy trì ở mức trên 25 độ C. Cụ thể là khoảng 26, 28 độ C. Mức nhiệt này không những làm mát ổn định, giúp tiết kiệm điện mà còn thân thiện hơn với sức khỏe người sử dụng.

4. Có thể dùng quạt trần thay thế cho máy lạnh, máy quạt

Quạt trần đem lại không khí mát dịu, thoải mái duy trì trong một không gian rộng lớn cho căn nhà bạn và chỉ tiêu tốn 10% điện năng so với máy quạt hay máy lạnh. Đây là cách tiết kiệm thông minh cho những gia đình có không gian nhà ở rộng.

5. Bật điều hòa kết hợp với quạt

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo và khuyên người dùng nên bật điều hòa kết hợp với quạt. Như vậy sẽ giúp phòng mát nhanh hơn, khí lạnh được phân bổ đều hơn, giảm thiểu tình trạng thiết bị bị quá tải dẫn đến chập cháy và tiết kiệm điện năng với điều hòa.

Lưu ý, khi bật quạt kết hợp với điều hòa, người dùng nên bật cả 2 thiết bị ở tốc độ vừa phải. Không nên để quá lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ em.

5. Gia giảm các thiết bị điện không nhất thiết phải dùng

Nhằm nêu cao tinh thần tiết kiệm điện, bạn có thể giặt quần áo bằng tay với những trang phục không cần thiết phải bỏ vào giặt máy và giảm số lượng dùng máy giặt trong tuần.

Giảm sử dụng máy lọc không khí, máy lạnh, máy quạt thay vào đó là nguồn gió tự nhiên từ việc mở cửa sổ vào thời điểm chiều tối. Lúc này, thời tiết bắt đầu dịu mát hơn so với giữa trưa.

6. Tránh sử dụng điện trong khung giờ cao điểm

Khung giờ cao điểm trong ngày thường là vào lúc 9h30, 11h30, 17h, 20h, bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào những khung giờ trên vì sử dụng nhiều điện chập chờn sẽ tốn năng lượng điện hơn.

Thiên An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/tieu-dung/chong-mat-voi-hoa-don-tien-dien-leo-thang-giua-nang-nong-202305172024329317.html