Chống ngập, nhìn từ… cái lu

Tuần qua, tại phiên họp của HĐND TPHCM, PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân đưa ra sáng kiến chống ngập đơn giản là dùng lu lớn để đựng nước mưa, bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Cộng đồng mạng đã lập tức sục sôi tranh luận vì ý kiến của bà.

Nhưng có lẽ ít người biết rằng sáng kiến này không phải “độc, lạ” gì. Chính nữ đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết, trước đây JICA (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản) từng có đề xuất tương tự và đã lập nhóm nghiên cứu về giải pháp này. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia phát triển cũng đã áp dụng.

TPHCM có hơn 2 triệu hộ gia đình, không phải ai có cũng điều kiện và nhu cầu sử dụng lu chứa nước mưa (hoặc thùng, bể chứa). Việc trang bị lu hay bể chứa nước riêng vào các chung cư hiện hữu là không khả thi vì sẽ chất thêm tải trọng quá lớn ngoài thiết kế cho các tòa nhà. Nhưng nếu có khoảng một nửa trong số này, 1 triệu gia đình, có thể dùng thiết bị chứa nước, trung bình mỗi thiết bị chứa được 1 mét khối, thì tổng lượng chứa là một triệu mét khối. Giả sử một triệu mét khối này có thể dùng có hiệu quả 10 lần trong năm, thì tổng lượng nước mưa có thể lưu trữ và sử dụng là 10 triệu mét khối; vừa giúp tiết kiệm tài nguyên nước, vừa giảm thiểu lượng lượng nước mưa xả vào tự nhiên khi có mưa lớn, cũng có tác dụng nhất định giảm ngập nhất định. Cần nhắc lại một lần nữa là các giải pháp khác cũng cần được áp dụng đồng bộ.

Cách đây vài năm, thị trấn Stratford (Canada) đã triển khai thành công ý tưởng này. Tờ báo The Guardian (Anh) cho biết, ban đầu, nó cũng bị một số người chế giễu là ý tưởng của các “no-brainer” (người mất trí).

Nhưng Thị trưởng Stratford đã nhất quyết bắt tay với Cục Bảo hiểm Canada (IBC) để thực hiện. IBC đã quyên góp 1.000 thùng chứa nước mưa và đem tặng cho những người dân có điều kiện lắp đặt tại nơi ở của mình. Để ngăn bụi bẩn xâm nhập và muỗi đẻ trứng, các thùng chứa đều có màng chống muỗi và nắp đậy kín.

Người dân Stratford cho biết, nước mưa được họ sử dụng để tưới hoa, tưới cây, tốt hơn nước máy. Và thích thú hơn cả chính là bọn trẻ con: Ở ngay nhà mình, chúng có được một bài học sinh động về tiết kiệm tài nguyên nước, sống thân thiện với môi trường. Ngoài ra, những thùng chứa này có khả năng giảm khoảng 4,5% lưu lượng nước mưa chảy đến nhà máy xử lý.

Mỗi người chỉ cần làm một việc nhỏ thì đã có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cộng đồng. Và nếu chưa thể chung tay làm gì, thì ít nhất cũng có thể bình tĩnh lắng nghe và suy ngẫm trước khi chỉ trích một cách có lập luận rõ ràng ngay cả những ý tưởng “lạ” nhất. Chỉ có như vậy thì những ý tưởng sáng tạo mới có thể nảy lộc đâm chồi.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chong-ngap-nhin-tu-cai-lu-108155.html