Chồng ơi, anh là ai?

Trưa nay, cô bạn thân từ ngày học đại học hẹn em đi ăn trưa. Cô ấy đang cần em tư vấn chuyện gia đình, mà cụ thể là mối quan hệ đang hồi căng thẳng của cô ấy với chồng. Bạn em đã viết đơn li dị nhưng chưa gửi tới tòa. Em thì chưa bao giờ ủng hộ những cuộc chia tay, nên với cô bạn này, em lại càng không muốn cô ấy quyết định vội vã để đứa con sẽ phải lớn lên cùng với một khoảng trống trong tâm hồn.

Ảnh minh họa

Nhưng sau gần hai tiếng nghe cô ấy tâm sự thì em cũng bị dao động ghê gớm. Vốn chẳng phải là người hay bi quan nhưng nhìn ra láng giềng xung quanh, nhìn sang những bạn bè khác, và đồng nghiệp ở cơ quan, phụ nữ chúng em bây giờ sao tìm mãi vẫn chẳng thấy vai trò người đàn ông trong gia đình đâu cả.

Bắt đầu từ câu chuyện của cô bạn em nhé. Bạn em và chồng cô ấy kết hôn sau hai năm yêu nhau và vừa kỷ niệm 4 năm ngày cưới. Mới chỉ có 4 năm thôi, nhưng bạn em bây giờ thấy quá mệt mỏi nếu tiếp tục phải chịu đựng một ông chồng đam mê game online hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Với anh chàng kiến trúc sư này bây giờ, chỉ những nhân vật của Võ Lâm Truyền Kỳ là quan trọng, còn vợ con và công việc dường như chả có nghĩa lý gì.

Ngày thường, anh ta về đến nhà là ôm lấy cái máy để “vượt ải” luyện level đến quên ăn quên ngủ. Ngày cuối tuần thì xách xe đi “lập bang hội” tụ bạ với nhóm bạn cùng sở thích. Vì Võ Lâm truyền Kỳ mà anh ta quên đón mẹ ở ga, bỏ mặc vợ ôm con ốm trong bệnh viện và không ít lần bê trễ công việc. Bạn em đã tìm đủ mọi phương cách từ nhu đến cương, từ nhẹ nhàng tình cảm khuyên bảo rồi giận dỗi đưa ra tối hậu thư nhưng anh chồng chẳng mảy may xúc động.

Thậm chí cô bạn em còn tham gia một diễn đàn trên Internet để tìm lời khuyên và phương pháp ‘cai nghiện game’ cho chồng từ những người cùng cảnh ngộ nhưng anh chồng của cô bạn em dường như đã miễn dịch với tất cả các “phương thuốc” của vợ. Sáng chủ nhật vừa rồi, người giúp việc về quê, bạn em đi chợ lúc đứa con ba tuổi còn đang ngủ và anh chồng thì vẫn cắm mặt vào máy tính, mắt đỏ kè như mắt cá chày vì ngồi “luyện chưởng” từ 9 giờ tối hôm trước.

Cô ấy dặn chồng trông chừng con, nếu thằng bé dậy thì dỗ nó giúp nhưng lúc về tới nhà thì thấy chồng đã gục mặt xuống bàn phím ngáy như sấm còn con thì dậy sớm hơn ngày thường và đang gào thét rất to trong nhà vệ sinh vì cu cậu đi tè trượt chân ngã sấp vào bồn tắm, môi chảy máu sưng vều. Bức xúc hết chỗ nói, bạn em ngay lập tức viết đơn li dị. Em cũng khuyên bạn rằng dù sao chung sống với một con nghiện game còn dễ chịu hơn một kẻ nghiện ma túy hay cờ bạc nhưng cô ấy dường như đã hết kiên nhẫn rồi.

Ảnh minh họa

Cái cảnh chồng cứ như khách trọ trong nhà không hiểu sao bây giờ lại phổ biến đến thế anh nhỉ! Dường như hết thời “chồng chúa vợ tôi”, thế hệ những ông chồng gia trưởng, độc đoán quát một câu là vợ con sợ xanh mắt đang được thay thế bằng những người đàn ông biếng lười, thụ động, phó mặc tất cả việc nhà cho vợ.

Một chị đồng nghiệp ở cơ quan em vừa mở lời than phiền về một đức ông chồng cứ như một “đứa lớn” vô dụng trong nhà với điệp khúc “tùy em” cho mỗi câu hỏi của vợ từ chuyện xin học cho con đến xây mộ cho bà nội ở quê, thì đã có ngay dăm bảy cô em trẻ trung xinh tươi hùa theo kể tội chồng. Có anh chồng trẻ làm việc cho một tập đoàn tài chính nước ngoài thì bận rộn, mệt mỏi đến độ về đến nhà chỉ để ngủ, cả tuần chả thấy tiếng nói, nụ cười, vợ hỏi thì gắt, con đùa thì cáu...

Có anh chuyên viên Bộ Tài chính về nhà chỉ có mỗi việc dán mắt vào tivi, coi việc nhà nghiễm nhiên là của cô osin có bằng thạc sĩ, đến việc đi tắm cũng phải chờ vợ giục. Lại có anh chồng làm kiến trúc sư thì có quá nhiều đam mê ngoài gia đình. Những ngày nghỉ của anh trở nên quá bận rộn bởi nếu không tụ tập “đan quạt” với đám anh em đồng hao thì lại đi câu cá, bắn chim với đám bạn.

Thế là vợ và con cứ lặng lẽ chăm nhau, chở nhau đi học, đi chơi, và chồng trở nên thừa thãi tự lúc nào chả rõ. Có buổi muốn hâm nóng tình cảm gia đình vợ rủ chở con ra công viên chơi thì cũng miễn cưỡng đi cùng nhưng rồi lãnh vai trò cầm túi, giữ áo cho vợ con rồi ngồi ở ghế đá ngủ một giấc đến lúc con chơi chán thì lại đến đánh thức bố chở về.

Có thể anh cũng như bạn bè anh sẽ có vô vàn lí do để biện minh cho việc chểnh mảng việc nhà, phó mặc vợ con nhưng thực sự phụ nữ ngày nay đang quá mệt mỏi với việc phải đóng nhiều vai một lúc rồi. Đàn bà chúng em cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày, cũng dành chưa đến 1/3 số đó cho việc ngủ, 1/3 cho việc cơ quan và các mối quan hệ ngoài xã hội như đàn ông các anh, còn hơn 1/3 còn lại dành cho gia đình. Ở cơ quan, chúng em vẫn phải hoàn thành những khối lượng công việc chẳng kém gì nam giới nhưng khi bước chân về nhà nếu có người giúp việc thì còn đỡ, còn không thì lại quần quật xoay vần với cả núi việc không tên từ phòng bếp qua phòng tắm đến phòng ngủ...

Có lẽ Thượng đế phú cho đàn bà bản năng thu vén, quán xuyến tốt những việc vi mô (mà nếu cô nào chẳng may thiếu những kỹ năng này sẽ ngay lập tức bị lên án là đoảng vị, vụng về) nhưng không phải vì thế mà chúng em không cần đến sự trợ giúp của một người chồng biết cảm thông, tương trợ vợ con đúng lúc. Em có thể nấu ăn ngon, giặt quần áo sạch hơn anh, nhưng không có nghĩa em phải biết thay cả bóng điện cháy và sửa vòi nước hỏng.

Đành rằng nếu anh đi công tác vắng, em có thể tự bắc thang thay lấy cái bóng đèn, gọi thợ nước sửa cái vòi hỏng nhưng nếu anh vẫn hiện diện ở trong nhà mà em phải đích thân lo cả những việc ấy thì em e rằng đôi vai em bị quá tải. Đành rằng em có thể cho con ăn nhanh hơn, tắm cho con sạch hơn anh nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không cần anh chơi xếp hình với con trong lúc em bận nấu nướng, pha sữa cho con lúc em bận lau nhà...

Đành rằng anh có thể mải mê dõi theo những đường banh nỉ của Raphael với Nadam, say sưa theo dõi Obama chỉ trích John Mc Cain, vui buồn cùng Manchester United hay Juventus, nhưng anh cũng đừng phó mặc em khi cái máy bơm nước ngừng hoạt động, cái điều hòa bật hoài mà không thấy mát. Em chẳng phản đối anh chăm chú dõi theo những tin tức về tầng ozone của hành tinh bị thủng nhưng ít ra khi cái bếp ga của nhà mình không lên lửa thì anh cũng phải xuống xem giúp em chứ không phải ngồi trên tầng nói vọng xuống “Gọi thợ đi!”.

Phụ nữ chúng em dù giỏi giang, đảm đang hay mạnh mẽ đến đâu thì cũng vẫn cứ cần một bờ vai đàn ông vững chãi sẵn sàng sẻ chia, gánh đỡ những công việc của một gia đình. Xét cho cùng, khi lồng vào tay nhau cái nhẫn cưới, cả anh và em đều đã nguyện hết lòng hết sức vun đắp, dựng xây cái tổ ấm bé nhỏ này rồi, cớ sao giờ này chỉ còn mình em nỗ lực?

Chồng ơi, hãy trở về thực hiện đúng vai trò của mình đi nhé!

PLCN

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/so-bao-sap-toi/plcuoituan/201111/Chong-oi-anh-la-ai-2060921/