Chống rửa tiền qua BĐS: Anh lái xe mua nhà siêu sang?

Vì đâu xuất hiện quá nhiều người giàu đang là một câu hỏi khá nhức nhối, đặc biệt khi chống tham nhũng vẫn là câu chuyện nóng bỏng...

Nếu sự xa xỉ của người giàu có thể mang lại niềm vui cho nhiều người có mức sống thấp hơn thì có lẽ không ai còn bất ngờ về những bảng xếp hạng đặt Việt Nam vào nhóm đầu các nước có chỉ số hạnh phúc cao trên thế giới. Quả thật, bất chấp mức thu nhập trung bình năm 2018 mới chỉ xấp xỉ 2600 USD/người, không màng tới ‘bẫy thu nhập trung bình thấp’ thấp thoáng như định mệnh đang tới gõ cửa, Việt Nam vẫn là địa chỉ vàng cho các thương hiệu đắt tiền như Hermes, Dior, Versace, Chanel, Gucci, Armani, D&G… với nhóm hàng trang sức và mỹ phẩm và Rolls Royce, Bentley, Lamborghini, Mercedes, Porsche… để thỏa niềm đam mê xế hộp của đại gia.

Xét cho cùng, đó cũng là điều tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Cùng với sự phát triển kinh tế, mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam đang bắt kịp các nước phát triển. Báo cáo về số người giàu thế giới (High Net Worth Handbook 2019) của hãng Wealth-X công bố mới đây cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 quốc gia có số người giàu tăng nhanh nhất thế giới. Với xu hướng này, các dịch vụ siêu sang phục vụ cho giới nhà giàu tại Việt Nam sẽ không thiếu đất… dụng võ.

Lượng giao dịch căn hộ siêu sang ở TP.HCM tương đối tốt. Ảnh minh họa

Tưởng như phân khúc bất động sản cao cấp cũng nhằm mục đích tương tự. Sự phát triển tương đối nóng về số lượng cũng như lượng giao dịch nổi bật ở phân khúc BĐS cao cấp, ghi nhận tại thị trường TP.HCM trong năm 2018 đã được coi là một điều bình thường. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục bất chấp những băn khoăn về việc tập trung bán nhà cho người giàu với mức lợi nhuận lớn khiến các nhà đầu tư giảm nhiệt tình ở phân khúc BĐS trung bình thấp, giảm cơ hội “an cư lạc nghiệp” của người nghèo. Trong một nền kinh tế tiến tới thị trường, nguyên tắc kinh doanh vì ‘thượng đế’ và lợi nhuận cũng là bình thường. Dẫu vậy, vẫn không thể bỏ qua những dấu hiệu bất thường, đột biến.

Thứ nhất, theo một số liệu đưa ra vào cuối năm 2017, giá nhà trung bình của Việt Nam gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, một tỷ lệ quá cao so với mức 7-10 lần ghi nhận ở các quốc gia phát triển. Con số này không thể coi là cập nhật khi thị trường căn hộ cao cấp cuối năm 2018, đầu năm 2019 xuất hiện những dự án có giá bán 7.500-12.000 USD/m2 (từ 160 triệu tới khoảng 300 triệu đồng/m2).

Số liệu càng đáng giật mình khi so sánh với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam, để thấy phải làm ba năm không tiêu pha thì mới mua được…1m2 căn hộ. Trước đó, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế còn chỉ rõ, với đa số người dân, không những họ không có tiền để dành mà còn phải đi vay để tiêu dùng. Vì đâu xuất hiện quá nhiều người giàu đang là một câu hỏi khá nhức nhối, đặc biệt khi chống tham nhũng vẫn là câu chuyện nóng bỏng của toàn xã hội.

Thứ hai, đã có những cảnh báo rõ ràng về nguy cơ rửa tiền thông qua phân khúc bất động sản cao cấp. Báo cáo thị trường của CBRE năm 2018 cho biết, trong phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang, tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; đầu tư ngắn hạn chiếm 13%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm 2017, tỷ lệ này tăng mạnh khiến Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đặt ra nghi vấn nói trên.

Rõ ràng Việt Nam phải đối diện với tình huống không mấy dễ chịu này. Hiện tại chúng ta vẫn đang vận hành một nền tài chính chủ yếu là ‘tiền mặt trao tay’. Nếu xảy ra rửa tiền qua giao dịch bất động sản, một là, dòng tiền bẩn từ các hoạt động phi pháp hay tham nhũng sẽ được biến thành tiền sạch khi đầu tư mua BĐS; hai là, tạo sự sôi động ảo trên thị trường để lướt sóng BĐS cao cấp, tạo ra khoản lời cho mỗi giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng, làm sạch nguồn tiền có được một cách trái phép. Có thể nói, không cần nhiều trí tuệ hay sự luồn lách khéo léo để thực hiện trót lọt những phi vụ mờ ám chưa thể kiểm soát theo cách thức nói trên.

Tuy nhiên, lại chưa thể vẽ ra viễn cảnh của một nền kinh tế hạn chế sử dụng tiền mặt. Ở phạm vi hẹp, đề xuất mọi giao dịch BĐS phải thực hiện qua ngân hàng vào năm 2014 nếu được đưa ra lại cũng khó mang lại hiệu quả nếu không kèm với đó là việc xác minh nguồn gốc số tiền. Nếu vội vã áp dụng, nhiều khả năng, người hưởng lợi duy nhất vẫn chỉ là ngân hàng, còn sự bất tiện thì người dân phải gánh đủ.

Ở phạm vi rộng hơn, hạn chế dùng tiền mặt bằng cách khuyến khích thanh toán không tiền mặt cũng chỉ có thể mang lại hiệu quả mong muốn nếu đi kèm với đó là các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về thu nhập và kê khai thu nhập, điều đi ngược lại với mong muốn của một bộ phận không nhỏ những người đang tận dụng các kẽ hở quản lý và chính sách để tham nhũng.

Khoanh vùng giao dịch có nguy cơ cao xảy ra hiện tượng rửa tiền có thể là một cách tiếp cận thực tế hơn. Điều này đồng nghĩa, các giao dịch mua bán bất động sản ở phân khúc cao cấp sẽ được kiểm soát chặt chẽ về nguồn tiền, mục đích giao dịch, thời gian giữa các lần giao dịch và đối tượng thực hiện giao dịch. Sẽ không còn chấp nhận như một sự tất nhiên những anh lái xe, chị thư ký xuất thân bình thường mà lại sở hữu khối tài sản lên tới vài chục tỷ đồng nữa. Và khi dòng tiền thực hiện giao dịch bị kiểm soát từ nguồn gốc, cánh cửa để rửa tiền sẽ hẹp hơn rất nhiều.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chong-rua-tien-qua-bds-anh-lai-xe-mua-nha-sieu-sang-3378760/