Chống tham nhũng: Cần minh bạch và cần dân

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực, bên cạnh sự quyết tâm cao, không thể thiếu sự công khai minh bạch về thông tin và vai trò giám sát của người dân.

Sau 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng, bên cạnh những kết quả bước đầu, tham nhũng vẫn được đánh giá là còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Hội thảo "Đối thoại về phòng chống tham nhũng" diễn ra trong 2 ngày qua tại Hà Nội cho thấy, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực, bên cạnh sự quyết tâm cao, không thể thiếu sự công khai minh bạch về thông tin và vai trò giám sát của người dân.

Ba năm nay, Vĩnh Long đã thực hiện dự án "Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai". Theo đó, Vĩnh Long đã thành lập Nhóm tư vấn cộng đồng cấp tỉnh và Nhóm tham gia cộng đồng cấp huyện. Người dân được tham gia vào quá trình đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ đó, gần 90% những tranh chấp, khiếu nại được giải quyết. Việc này đã góp phần tích cực vào quá trình phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở Vĩnh Long.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Các thông tin về đất đai, đến Vĩnh Long muốn hỏi là hỏi được. Vĩnh Long đã thành công trong việc động viên sự tham gia của cộng đồng. Tôi cho rằng, khi đã minh bạch rồi thì sự động viên cộng đồng tham gia là quá dễ dàng".

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đất đai là ngành dẫn đầu trong 10 nhóm ngành thường xuyên có tham nhũng. Tại các kỳ đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ về phòng, chống tham nhũng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai luôn là chủ đề được quan tâm, từ đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong quản lý đất đai.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Bộ đã thực hiện sự công khai minh bạch trong quản lý về đất đai, khoáng sản, Bộ vận dụng vào trong quản lý về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai làm sao tạo sự công khai minh bạch, làm sao để mọi người dân, mọi đối tượng tiếp cận được những thông tin này tham gia cùng với nhà nước".

Câu chuyện của Vĩnh Long và quá trình công khai minh bạch về quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã củng cố thêm quan điểm của các chuyên gia tư vấn quốc tế, đó là để phòng chống tham nhũng ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn nữa, cần phải minh bạch trong cung cấp thông tin về tham nhũng và phải có sự vào cuộc của người dân.

Ông James Anderson, Chuyên gia thể chế cao cấp Ngân hàng Thế giới nhận xét: "Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong những nỗ lực phòng chống tham nhũng và trong lĩnh vực minh bạch hóa, cởi mở thêm về thông tin, tuy nhiên, cần tiếp tục các bước tiếp theo. Việc ban hành luật tiếp cận thông tin là điều rất cần thiết. Dự thảo luật này đã có, những bước tiếp theo là dự thảo này cần được trình lên Quốc hội thảo luận và thông qua, tiếp đến là giám sát đánh giá xem việc thực hiện luật này như thế nào".

Với câu hỏi: Tại sao người dân gặp khó khăn khi tố giác tham nhũng? Từ một cuộc khảo sát, các chuyên gia của UNDP nhận được kết quả, đó là có một tỷ lệ khá cao người dân lo sợ sẽ bị trù dập.

Theo ông Jairo Acuna, cố vấn chính sách của UNDP, bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin, để người dân và ngay cả các nhà báo khi tham gia đấu tranh, tố giác tham nhũng, tiêu cực thì cần phải thực thi chính sách để bảo vệ họ.

Tác giả : Quỳnh Trang

Ý kiến bạn đọc ( 0 )

Ý kiến của bạn về bài viết: Chống tham nhũng: Cần minh bạch và cần dân

Ý kiên của bạn

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/phong-chong-tham-nhung-tang-cuong-su-giam-sat-cua-nguoi-dan-84ea211adf.html