'Chống tham nhũng, cử tri muốn chúng ta đi đến tận cùng'

ĐBQH Hồ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) đề nghị công tác tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được tiếp tục thực hiện và quyết liệt bởi 'cử tri cũng hy vọng chúng ta sẽ không dừng lại con đường đang đi mà sẽ đi đến tận cùng'.

Sáng nay, 22-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Các đại biểu thảo luận tại tổ, sáng 22-5

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) bày tỏ tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, trong đó xử nghiêm những vụ án lớn, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, kể cả những vụ án liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã nghỉ hưu hay còn đương chức.

“Rõ ràng chúng ta không vui gì với việc xử lý cán bộ, nhưng thấy rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng, toàn xã hội. Hiệu quả của cuộc đấu tranh này đã tạo thêm động lực cho đầu tư, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu nói.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Hồ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) đề nghị công tác tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được tiếp tục thực hiện và quyết liệt bởi “cử tri cũng hy vọng chúng ta sẽ không dừng lại con đường đang đi mà sẽ đi đến tận cùng”.

Tuy nhiên bên cạnh đó đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng còn hạn chế, Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích rõ vấn đề này để có những giải pháp thích hợp. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐBQH đoàn Bạc Liêu), muốn thu hồi được tài sản tham nhũng thì phải phát hiện kịp thời. Nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, còn khi đã bị tẩu tán thì không thu hồi được.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

“Thường những người phạm tội mà có tài sản thì sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Cho nên, với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, con người, cán bộ”, Tổng Thanh tra Chính phủ phân tích. Ông khẳng định, Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe thì yêu cầu của ĐBQH thì sẽ đáp ứng được.

Song song với tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh thêm vấn đề lãng phí: “Lãng phí gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng vì nó là mất, là hỏng, là không còn nữa. Hậu quả của lãng phí nhiều khi không thể nào đo đếm được”.

Ông lấy ví dụ do trách nhiệm chưa tốt nên để chậm tiến độ dự án lớn, từ đó đội vốn, tăng tiền đền bù sử dụng đất… “Có rất nhiều hình thức lãng phí, trong đó có loại “vô hình” như lãng phí thời gian, cơ hội, xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Mà lãng phí rất khó nhận diện, ai cũng nói tôi có lấy gì đâu, có tham ô gì đâu…” – đại biểu nêu. Ông đề nghị cần đánh giá và có biện pháp khắc phục cụ thể.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu thực tế, có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một Đảng bộ huyện trong 150 năm. “Nghĩa là mất 150 năm mới bằng số tiền thất thoát tham nhũng. Do đó báo cáo về phòng, chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thế này bà con không yên tâm”, ông nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/muon-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-phai-phat-hien-kip-thoi-492083/