Chống tham nhũng dưới góc nhìn biếm họa

Những vấn đề nóng nhất xã hội như làm giàu bằng chổi đót, xây nhà hát nghìn tỷ, dân chơi 4.0... đều được đưa vào triển lãm tranh biếm họa.

Ngày 22/11, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khai mạc và trao giải thưởng triển lãm tranh biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng”.

Với 518 tác phẩm tham dự, hội đồng nghệ thuật Triển lãm đã lựa chọn 158 tác phẩm để trưng bày triển lãm và 30 tác phẩm được trao thưởng trong đó có 3 giải Nhì (không có giải Nhất). 3 tác phẩm đạt giải Nhì được trao cho các tác phẩm: “Sự thật phũ phàng” Trần Hải Nam (TP.HCM), “Tìm trách nhiệm” Hà Xuân Nồng (TP.HCM), “Dân chơi 4.0” Lê Đức Hùng (Hà Nội). Ngoài ra, BTC còn trao 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Trong ảnh là tác phẩm "Sự thật phũ phàng" của tác giả Trần Hải Nam.

Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, thành viên ban giám khảo, cho biết trong triển lãm này, các tranh châm biếm tham nhũng, hối lộ mang tính thời sự, tính báo chí. “Đó là chuyện là các quan chức tham nhũng có cùng kiểu giải thích về sự giàu có của mình là từ buôn chổi đót, bán cây cảnh. Cách quan chức tham nhũng na ná nhau, đến khi giải thích thì lại kết tiếp thành một bè lũ dựa vào nhau”, ông Dũng nói. (Ảnh: Tác phẩm "Tìm trách nhiệm" của Hà Xuân Nồng).

Lý giải việc không có giải nhất, họa sĩ Lý Trực Dũng cho biết: “Cuộc thi không có giải nhất vì không có tác phẩm nào xứng đáng là nhất. Thường những cuộc có tác phẩm giải nhất khi người ta xem thấy nó nổi trội hơn hẳn những tác phẩm khác. Còn lần này có những tác phẩm tốt nhưng bình bình. Vì thế nhiều thành viên ban giám khảo có ý kiến không cho giải nhất, chỉ có giải nhì. Chuyện đó cũng bình thường. Nếu mình cố tình cho giải nhất thì nó sẽ thành không nghiêm túc”. (Ảnh: "Dân chơi 4.0" của tác giả Lê Đức Hùng).

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay những vấn đề nóng nhất xã hội như làm giàu bằng chổi đót, xây nhà hát nghìn tỷ, dân chơi 4.0... đều được đưa vào tranh biếm họa. (Ảnh: "Phong bì và gỗ lậu" của tác giả Vũ Ngọc Bách đạt giải Ba).

"Điều này chứng tỏ họa sĩ không rời xa đời sống mà rất thực tế, cập nhật tình hình như nhà báo. Các họa sĩ cập nhập nhanh vô cùng, bằng tuy duy của người làm báo và sự sáng tạo của người cầm cọ họ đã có những tác phẩm đi vào thực tế của xã hội", ông Vi Kiến Thành cho hay. (Ảnh: "Vỏ bọc" của Trần Hải Nam đạt giải Ba).

Phát biểu tại lễ khai mạc và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTL Lê Quang Tùng nhấn mạnh tranh biếm họa vừa là cái nhìn đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu đồng thời cũng rất dí dỏm, hài hước và nhân văn, dễ hiểu, dễ xem, gần gũi với mọi người, góp một tiếng nói phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, hướng thiện và nhân văn. ("Ký sinh" của Trần Hải Nam - giải khuyến khích).

Cơ cấu giải thưởng lần này cũng có giải thường dành cho tác giả có tác phẩm trưng bày nhiều tuổi nhất thuộc về ông Phạm Tấn Phú (sinh năm 1932. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhỏ tuổi nhất thuộc về Trần Thị Bảo Nhi (1993). Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 5/12. (Ảnh: "Xin nộp công quỹ" của Nguyễn Tín Nhượng - giải khuyến khích)

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/chong-tham-nhung-duoi-goc-nhin-biem-hoa-490359.html