Chống tham nhũng: Lò đã xây nhưng… củi không cháy

Hôm nay (21/11), thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng nhiều năm qua chúng ta đã 'xây lò' nhưng 'củi' vẫn không cháy.

“Nhiều năm qua chúng ta đã xây lò nhưng củi to, củi nhỏ, củi ướt vẫn không cháy. Do đó cần thiết phải sửa luật, để làm sao củi to, củi nhỏ, củi khô, củi ướt cũng phải cháy, làm sao để triển khai được đường lối của Đảng, mong muốn của nhân dân là chống tham nhũng”, ông Chiến nói.

Đại biểu Chiến cho rằng không nên chống tham nhũng một cách dàn trải, thay vào đó nên tập trung vào đối tượng có chức, có quyền. Ông Chiến lấy ví dụ: “Một lò than mà chúng ta đốt tất cả các loại củi khô, củi ướt thì nó sẽ tắt đi. Hành vi tham nhũng ấy phải xác định ai mới có thể lấy được tiền của nhà nước, đó là những người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy nếu mở rộng ra lĩnh vực ngoài nhà nước thì sẽ không đúng hành vi chủ thể”.

ĐBQH Nguyễn Chiến.

Về quy định kiểm soát tài sản thu nhập đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cho rằng không nên quy định trong luật vì các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ thực hiện theo quy định về công tác cán bộ của Đảng.

Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cũng đề nghị toàn bộ những nội dung thuộc phạm vi quy định của Đảng về chi bộ Đảng, tổ chức Đảng, về Đảng viên không đặt trong luật Phòng, chống tham nhũng. Làm rõ kiến nghị này, ông Bùi Văn Phương nói:

“Vì Luật thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, còn mọi tổ chức Đảng và Đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cho nên, không nên đưa quy định thuộc phạm vi nội bộ Đảng vào trong này”.

Về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng ở Điều 114, đây được coi là vấn đề, là nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Chương cho rằng không chỉ người phạm tội có nghĩa vụ trả lại tài sản bồi thường thiệt hại, bất kỳ ai đang chiếm hữu tài sản tham nhũng cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường.

“Pháp luật cần thể hiện sự nghiêm minh, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cũng sẽ góp phần làm triệt tiêu động cơ tham nhũng”, Đại biểu Bùi Ngọc Chương nói.

Theo Đại biểu Bùi Văn Phương, phải xác định đường đi của tài sản nhà nước bị tham nhũng đi ra đường nào.

“Trong phạm vi chi tiêu hành chính của một cơ quan, ngoài chi lương và các chế độ theo lương, còn một số khoản chi về chế độ hội nghị, điện thoại, xăng xe thì thưa các vị đại biểu Quốc hội là chẳng có tham nhũng gì được ở đây, có chăng chỉ vài bữa ăn thịnh soạn hơn”, Đại biểu Phương nói. “Còn tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, vấn đề tính thuế, vấn đề giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp quyền. Lọt ra ở đây bằng cách nào? Đó là các doanh nghiệp khi chạy dự án mất đủ mọi loại chi phí ở nhiều vị trí mà người ta phải bỏ ra. Sau khi mất rồi họ phải thu lại, thậm chí có những thứ chi phí phải tính bằng tỷ lệ mà không đúng tỷ lệ là không xong. Bây giờ quan tâm là phải chống ở những chỗ này”.

ĐBQH Bùi Văn Phương.

Theo ông Phương, toàn bộ dự án đầu tư công của chúng ta lớn như thế đều do các doanh nghiệp tham gia, tiền được phân chia lại cho những người có chức vụ quyền hạn ở các doanh nghiệp này. Do đó, nên mở rộng phạm vi trong tất cả các doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công, vì đây chính là kẽ hở dẫn đến tham nhũng lớn.

Để có giải pháp tập trung vào những lĩnh vực chính cần phòng, chống tham nhũng, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng cần có một thống kê các vụ án đã xét xử hàng năm, để xem tội phạm tham nhũng chủ yếu vào lĩnh vực và chức vụ nào.

“Ta thấy rất dễ là một đại biểu Quốc hội chuyên trách, một đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách có thể không có nhiều tài sản, và nguy cơ tham nhũng chưa chắc đã bằng cán bộ địa chính của một xã, cán bộ trật tự xây dựng của một phường, hay kế toán của một trường học, một bệnh viện, đấy là một thực tế mà chúng ta cần phải lưu tâm,” Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản, một số đại biểu đồng tình với phương án chỉ kê khai đối với hai đối tượng, vợ hoặc chồng và con cái chưa thành niên. Tuy nhiên, lấy ví dụ thực tế từ vụ án Giang Kim Đạt, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất cần phải quy định thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chong-tham-nhung-lo-da-xay-nhung-cui-khong-chay-post245301.info