Chống tham nhũng vặt từ mô hình 'Hội quán'

Tham nhũng vặt đang gây bức xúc trong xã hội làm giảm lòng tin của người dân. Ngăn chặn tham nhũng vặt, nhất là tại cấp cơ sở đang là giải pháp được các địa phương đưa ra với những cách làm khác nhau. Mô hình 'Hội quán nông dân' của tỉnh Đồng Tháp đang được coi là cách làm hay. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về việc thành lập mô hình Hội quán.

Ông Lê Minh Hoan.

Ông Lê Minh Hoan.

Hợp tác để tránh manh mún, nhỏ lẻ

Ông Lê Minh Hoan, đây là thiết kế đa chức năng, đa thành phần trong đó có việc tham gia quản trị tại địa phương. Đa thành phần trong Hội quán nghĩa là có sự tham gia của nông dân, các chuyên gia, doanh nghiệp và cấp ủy chính quyền địa phương. Ví dụ như công an đến nói chuyện về tình hình tội phạm, trật tự xã hội, an toàn điện; ngành y tế nói về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe của người nông dân khi đối mặt với thuốc bảo vệ thực vật; ngành tư pháp nói về hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trong các Hội quán còn có tủ sách về khuyến nông, pháp luật và đây cũng là mô hình để giúp người dân học tập suốt đời, người dân chủ động cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản lý, cùng nhau thụ hưởng chứ không phải người dân thờ ơ với chuyện xóm, chuyện làng mà người dân phải gắn kết cuộc sống của mình với vận mệnh của xóm làng.

Theo ông Hoan, lúc mới đầu, Hội quán ra đời nhằm giải quyết 2 câu chuyện tại nông thôn hiện nay. Đó là người dân ít tham gia hoạt động cộng đồng, xây dựng nông thôn mới mà coi đây là chuyện của cấp chính quyền trong khi không nghĩ đến vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, mọi chuyện đổ hết cho cấp ủy, UBND. “Từ nghiện ma túy, trộm cắp người dân đều phản ánh với chính quyền trong khi chính họ mới là số đông, nếu mỗi người để ý đến nhà của mình, quan tâm một chút đến hàng xóm thì cũng đỡ cho lực lượng công an rồi vì công an xã có bao nhiêu người trong khi người dân trong xã lại đông như vậy, chỉ cần mỗi người chăm lo gìn giữ vệ sinh môi trường là nông thôn sạch sẽ. Cho nên khi thành lập ra các Hội quán và người dân cùng tham gia họ sẽ hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với cộng đồng chứ không phó mặc cho cấp ủy chính quyền nữa” -ông Hoan chia sẻ.

Yếu tố thứ hai được ông Hoan nhắc đến đó là tính hợp tác của người nông dân. Với kỳ vọng, tham gia Hội quán họ sẽ cùng nhau hợp tác trong làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, chỉ có hợp tác nhau trong cuộc sống hàng ngày thì mới tiến tới hợp tác trong sản xuất làm ăn để người ta chia sẻ kinh nghiệm với nhau chứ không phải “đèn ai nấy rạng”, “ruộng nhà ai nhà nấy cấy”, đó là cái bẫy của nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ cho nên Hội quán chính là tiền đề để bà con hợp tác với nhau trong cuộc sống.

Ông Hoan cho rằng, trên nền tảng của mô hình Hội quán đến nay đã hình thành nên các hợp tác xã và được các chuyên gia đến phân tích lợi ích của việc hợp tác để tạo tiền đề cho phát triển các hợp tác xã rất vững chắc chứ không đơn thuần chỉ căn theo các tiêu chí của Chương trình nông thôn mới. “Hiện đã có hơn 60 Hội quán chia đều khắp tỉnh, nhưng hướng tới một xã là một Hội quán, thậm chí có xã có tới hai Hội quán và tỉnh đã trang bị máy tính, màn hình chiếu kết nối mạng internet về tất cả các Hội quán. Đặc biệt bí thư, chủ tịch được mời đến để sinh hoạt cùng bà con. Điều đó làm thay đổi đời sống từ không khí làng xã vui hơn, người dân tham gia xây dựng xóm làng và lòng dân thấy vui vẻ khi được cấp ủy, chính quyền tôn trọng như những người cùng tham gia để xây dựng đời sống môi trường ở nông thôn”-ông Hoan chia sẻ.

Người dân phản ánh, cán bộ tiếp thu

Chiều sâu của Hội quán, theo ông Hoan, nằm ở việc tỉnh đã đưa các tủ sách pháp luật xuống với các Hội quán, có cán bộ tư pháp về hòa giải xuống nói chuyện với bà con để tránh những xích mích nhỏ ở vùng nông thôn giữa người dân trở thành điểm nóng, chính sự tỉ tê giữa hai bên nhiều khi lại được giải quyết được công việc hơn là phải đưa nhau ra tòa án.

Cũng theo ông Hoan, mô hình Hội quán do dân tự quản nhưng lại có cái hay trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt vì người dân cùng nhau trao đổi, nắm kiến thức pháp luật. Trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh gặp phải vướng mắc sẽ có những phản ánh. Bây giờ bắt buộc các bí thư, chủ tịch ở địa phương cùng ra sinh hoạt với bà con để lắng nghe tâm tư mà bà con trao đổi, và cũng là dịp để bà con giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Đơn cử, người dân làm thủ tục, giấy tờ bị vướng mắc ở vấn đề nào thì khi lãnh đạo sở ngành, địa phương lắng nghe người dân trao đổi, bản thân cán bộ cũng nhận thức được rằng xuống hay làm việc với dân cũng phải có chuẩn mực vì biết rằng người dân đang giám sát việc làm của họ. Vì vậy Hội quán chính là nơi để người dân phản ánh và cán bộ tham dự, sinh hoạt lắng nghe, tiếp thu để trong chỉ đạo điều hành công việc của mình.

“Vừa rồi Ban Tổ chức Trung ương đã đề nghị tỉnh báo cáo về mô hình này và tỉnh có tổ chức hội thảo khoa học để gửi cho Hội đồng Lý luận Trung ương. Từ mô hình các Hội quán này làm sao khơi dậy được nhiều mô hình tại các địa phương khác để người dân cùng nhau tham gia tố giác, phòng chống tham nhũng thì phòng chống tham nhũng mới thành công. Hy vọng khi người dân đứng lên làm chủ xóm làng, lúc đó họ sẽ thấy rõ hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng tới cuộc sống của mình; nhưng, trước đây họ thấy rằng mình thấp cổ bé họng thì chỉ lo sản xuất làm ăn. Bây giờ, khi ngồi trao đổi cùng với chính quyền họ thấy được tôn trọng và cùng tham gia với chính quyền phát hiện để chống lại tiêu cực”- ông Lê Minh Hoan cho hay.

H.Vũ (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/chong-tham-nhung-vat-tu-mo-hinh-hoi-quan-tintuc430025