Chống tin giả thời thương mại toàn cầu

Tuần qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết có nhiều tờ báo ở Rumania đăng tải nhiều thông tin không chính xác về cá tra của nước ta, thậm chí còn khuyến nghị người dân nước này tẩy chay. Rumania là một thị trường xuất khẩu cá tra nhỏ của doanh nghiệp Việt Nam nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra gần 1,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không hề nhỏ.

Thứ nhất, Rumania nằm trong thị trường chung châu Âu (EU), do đó bất kỳ thông tin tiêu cực nào phát tán từ đây cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến Việt Nam. Thứ hai, đây không phải là lần đầu tiên “tin giả” về thủy sản nước ta xuất hiện ở châu Âu. Năm ngoái, tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu Carrefour tuyên bố ngừng bán cá tra Việt ở chuỗi siêu thị của hãng tại một số quốc gia như Tây Ban Nha và Bỉ sau khi một bộ phim tài liệu bôi xấu thủy sản Việt Nam phát sóng.

Châu Âu là một thị trường hết sức khó tính. Để đáp ứng đủ các hàng rào kỹ thuật, thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng phải trải qua những quy trình kiểm tra và quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt về chất lượng vệ sinh thực phẩm, lao động và môi trường. Trước việc bôi xấu sản phẩm cá tra Việt Nam, các tổ chức đánh giá độc lập cũng đã lên tiếng bảo vệ.

Thế nhưng trong thời đại của tin giả và “hậu sự thật” (post-truth), những lời bào chữa dường như không có nhiều ý nghĩa. Người ta thường chỉ thích đọc những thông tin tiêu cực, những câu hỏi nghi vấn… thay vì để tâm đến con số hay lời đính chính viết sai. Nhiều nghiên cứu truyền thông chỉ ra rằng, độc giả luôn quan tâm và chia sẻ tin tiêu cực nhiều hơn so với tin tích cực. Một nhật báo ở Nga từng thử nghiệm “ngày tin tốt” - chỉ đưa những tin tức tích cực. Kết quả là lượng người đọc vào những ngày đó giảm đến 66%. Với tốc độ lan truyền tin tức của mạng xã hội, mức độ tàn phá của tin giả sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.

Đây là trận địa mới mẻ với thương mại Việt Nam, mới chỉ chính thức gia nhập sân chơi WTO gần 12 năm. Nhưng với các quốc gia khác, “tin giả” mang tính bôi xấu sản phẩm không phải là điều gì quá xa lạ. Tuy vậy, có một sự phân rẽ rất đáng chú ý: chúng ta có nhận thấy và đặt câu hỏi khi những tin đồn tiêu cực thường chỉ đến với các sản phẩm thuộc các nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, hay các nước châu Phi, thay vì các sản phẩm đến từ những quốc gia phát triển?

Khi trực tiếp tham gia vào những tranh chấp, khiếu nại liên quan đến “tin giả” về hàng hóa, vai trò chủ động nên thuộc về doanh nghiệp và đại diện của họ - là các hiệp hội kinh doanh.

Có một số giải thích có thể hữu dụng cho chúng ta khi bắt đầu phải đối diện nguy cơ này với mức độ và quy mô ngày càng lớn.

Trước hết là vấn đề niềm tin. Các nước phát triển có nền tảng thương mại lâu đời với nhau, có cùng hệ thống tiêu chuẩn, do đó hầu như không có nghi ngờ nào về chất lượng sản phẩm của nhau. Không ngạc nhiên khi những vụ khủng hoảng như trứng nhiễm khuẩn của Pháp (năm 2017), sữa trẻ em (2017-2018), hay xa hơn là thịt bò nhiễm khuẩn bò điên (giai đoạn 1980) xuất hiện một cách bất ngờ, qua điều tra của cơ quan chức năng thay vì từ các tin đồn trên diễn đàn xã hội.

Khi lịch sử giao thương với các thị trường phát triển chưa được dày dặn, trước hết chúng ta cần xây dựng và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của họ. Đây là việc ngành nông - thủy sản Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhưng dường như chưa đạt được mức độ nhận thức chung cần thiết. Chuyện EU và Nhật Bản liên tục cảnh báo các lô hàng thủy sản nhiễm kháng sinh vượt ngưỡng trong thời gian qua là một ví dụ điển hình. Trong thương mại toàn cầu, người tiêu dùng sẽ để ý nhiều hơn đến thương hiệu quốc gia thay vì doanh nghiệp, bởi thế chỉ cần có một vài “con sâu”, cả ngành nông nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về danh tiếng.

Vấn đề thứ hai là minh bạch. Sản phẩm đến từ các quốc gia ngoài phương Tây vẫn luôn được coi là xa lạ, thú vị, nhưng cùng với đó là lo ngại về chất lượng và tác động đến môi trường. Để giúp người tiêu dùng các nước phát triển gạt bỏ những hoài nghi này, biện pháp duy nhất là minh bạch hóa quy trình sản xuất, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Khi mua sắm ở một vài siêu thị tại châu Âu, tôi để ý rằng sản phẩm từ các quốc gia đang phát triển ở trên kệ thường cố gắng để mã QR hoặc mã số sản phẩm, từ đó khách hàng có thể trực tiếp truy cập toàn bộ thông tin liên quan - từ nơi nuôi trồng, tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng, cho đến xem các hình ảnh của chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm đó. Ngoài ra, cũng có thể chủ động tạo ra những hoạt động truyền thông để quảng bá sản phẩm một cách thông minh. Sản phẩm chocolate đến từ Việt Nam Marou được thế giới biết đến, bày bán ở những vị trí đắc địa với giá rất cao, một phần là nhờ những đoạn phim tài liệu hấp dẫn cùng với những bài ký sự trên các tờ báo lớn toàn cầu. Đó là cách làm rất hay mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi.

Cần phải lưu ý rằng trong việc ứng phó với “tin giả” về sản phẩm của quốc gia thì việc “phòng” quan trọng hơn rất nhiều so với chữa cháy. Bởi một khi tin tức tiêu cực được đưa ra thì ít hay nhiều cũng tạo ra thiệt hại, hoặc trực tiếp qua doanh số, hoặc gián tiếp qua thái độ hoài nghi của người dùng. Ở đây, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và khuyến khích doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật cao phục vụ xuất khẩu, đồng thời tích cực tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam được nhận diện nhiều hơn thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Vai trò này của sứ quán và đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng, cùng với trách nhiệm rà soát các thông tin về sản phẩm của nước ta trên truyền thông nước bạn.

Tuy nhiên khi trực tiếp tham gia vào những tranh chấp, khiếu nại liên quan đến “tin giả” về hàng hóa, vai trò chủ động nên thuộc về doanh nghiệp và đại diện của họ - là các hiệp hội kinh doanh. Có hai lý do chính: thứ nhất, cơ chế của WTO chỉ giải quyết tranh chấp liên quan đến những biện pháp của nhà nước hay các cơ quan công quyền, chứ không liên quan đến doanh nghiệp, các tổ chức độc lập, hay truyền thông. Thứ hai, vì lý do đầu tiên, việc đưa Nhà nước vào những tranh chấp như vậy tạo ấn tượng không tốt về vai trò của Nhà nước - đặc biệt trong bối cảnh nước ta vẫn chưa được các thị trường lớn công nhận là có nền kinh tế thị trường.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277439/chong-tin-gia-thoi-thuong-mai-toan-cau.html