Chống tội phạm ở TP.HCM: Bạn có 'cao kiến' gì?

Tình hình an ninh trật tự tại TP.HCM trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là nạn trộm cắp, cướp, cướp giật gây bất an cho đông đảo người dân TP.

Trước tình hình đó, không chỉ nhà chức trách mà chính những người dân đang sống và làm việc tại thành phố phải có những giải pháp thiết thực để tự vệ, góp phần cùng các cơ quan hữu quan bảo vệ sự bình yên, an toàn của chính mình và cộng đồng.

Trộm ra vào nhà như chốn không người

Sau Tết Nguyên đán vừa qua, người ta giật mình vì số vụ trộm cắp tài sản gia tăng chóng mặt. Đặc biệt là các vụ trộm xảy ra ở cả những khu vực có hệ thống an ninh chặt chẽ, camera quan sát tứ phía.

Theo báo cáo của công an thành phố, trong 9 ngày nghỉ Tết trên địa bàn xảy ra 36 vụ trộm tài sản lớn. Nhiều người dân ở các khu biệt thự báo bị trộm tài sản giá trị hàng tỉ đồng.

Trước Tết một tuần, người dân trong hẻm 89, đường 49, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức xôn xao vì hai hộ liền kề bị trộm phá cửa đột nhập vào nhà giữa ban ngày. Kẻ trộm dùng dụng cụ chuyên nghiệp bẻ khóa vào nhà lục tìm tài sản.

Cũng thời gian này, chỉ cách nhau 3 ngày, liên tiếp 3 vụ trộm xe máy ngay trước cửa nhà của người dân trong hẻm số 140 đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp.

Camera chống trộm không chống được trộm

Trong Tết, lực lượng chức năng cũng liên tục nhận tin báo bị trộm “khoét vách” từ người dân. Mùng 2 Tết (9-2), gia đình anh Hoa Anh Cang ngụ đường 32A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân trình báo sau khi đi chơi về họ phát hiện kẻ gian đã đột nhập vào nhà, phá két sắt lấy trộm đi tài sản gần 500 triệu đồng. Mùng 5 Tết (12-2), chủ nhà ở hẻm 528 đường Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, cũng trình báo bị trộm lấy cắp xe gắn máy, lắc vàng, tiền… tương đương 1 tỉ đồng. Mùng 1 Tết (8-2), nhà riêng ca sĩ Đăng Khôi ở quận 7 bị trộm đột nhập phá khóa, đập két sắt lấy đi 800 triệu đồng. Camera còn ghi hình được trộm xách dao đi lại ngang nhiên giữa các tầng để lục tìm tài sản.

Lãnh đạo một phòng nghiệp vụ Công an TP HCM cho rằng các băng nhóm này gây án rất chuyên nghiệp, điều nghiên mục tiêu kỹ lưỡng, cử người theo dõi cả lực lượng công an… nên khi chúng “ra tay” rất khó khám phá. Một lãnh đạo công an TP cũng từng khẳng định, camera an ninh, két sắt cũng không ăn thua gì với những kẻ trộm chuyên nghiệp.

Cướp ở bất cứ đâu, bằng bất cứ cách nào

Ngoài vấn nạn trộm cắp, có thể nói cướp giật là một trong những hành vi phạm tội phổ biến nhất ở thành phố. Người dân thành phố khi ra đường thường xuyên đối mặt với những kẻ cướp giật sẵn sàng ra tay mọi lúc, mọi nơi dưới nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo bạo. Phần lớn đối tượng cướp giật đều là con nghiện, khi không có tiền mua thuốc, chúng bất chấp tất cả để chiếm đoạt tài sản.

Vụ cướp xảy ra hồi tháng 9-2015 trên đường Cô Giang (quận 1), lúc đấy là giữa trưa, người dân nghe tiếng tri hô đã đuổi theo được tên cướp. Thế nhưng khi bị dồn vào chân tường, tên cướp bất ngờ rút trong túi quần ra một ống tiêm dính máu đe dọa những người truy đuổi. Trong khi đó tay trái vẫn nắm chặt sợi dây chuyền vàng vừa giật được.

Cướp ra tay ngay trước cửa nhà

Kẻ cướp có thể ra tay ngay trước cửa nhà của nạn nhân như vụ việc xảy ra trước cửa hàng điện thoại H.N ở cư xá Vĩnh Hội đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4, TP.HCM. Nạn nhân là vợ chồng anh Khanh và chị Đào. Hôm đó, vợ chồng anh Khanh vừa về đến cửa hàng của mình, trong lúc đang chờ mở cửa chuẩn bị vào nhà, chị Đào bị một kẻ lạ mặt bất ngờ giật giỏ xách từ phía sau rồi tháo chạy. Chị Đào ngã ngửa giữa đường không kịp kháng cự trong khi anh Khanh đuổi theo tên cướp nhưng không làm gì được.

Những vụ cướp xe máy, xe ô tô ngay trên đường bây giờ cũng không hiếm. Kẻ cướp thường dàn cảnh đánh ghen, tai nạn, nhận người quen để khống chế các nạn nhân. Như vụ anh Ngô Đình Tiến (quận 12) hôm 20-2 trên đường đi làm về đến cầu Tham Lương thì bị hai chiếc xe máy chặn đầu, chặn đuôi. Bọn cướp dí dao, ép anh Tiến giao xe. Anh Tiến đã nhanh trí khóa xe rồi ném chìa khóa đi. Cướp không được những kẻ này đã “trút giận” lên nạn nhân bằng những cú đấm.

Kẻ cướp còn táo tợn leo lên cả taxi để cướp xe. Đơn cử là vụ việc xảy ra hôm 25-1, nhóm ba người gồm Trần Văn Thiện, Hoàng Chí Thức và Phan Văn Linh thấy anh Lê Hồng Khoa lái taxi 7 chỗ đã vẫy bắt xe về quận 9 (TPHCM). Giữa đường, nhóm này đã siết cổ, ép anh Khoa dừng xe rồi cướp đi gần 4 triệu đồng, 1 nhẫn vàng và 2 chiếc điện thoại, sau đó trói anh này trên xe rồi tẩu thoát.

Cô gái 16 tuổi gây ra 10 vụ cướp giật

Rất nhiều trường hợp người dân, khách du lịch chỉ cần bất cẩn một chút, đang đeo hoặc cầm tài sản là có thể bị tấn công ngay. Điều đáng nói là kẻ cướp đôi khi mang vẻ ngoài rất bình thường, thậm chí xinh đẹp, tuổi đời rất trẻ như trường hợp Trương Yến Quân. Tuy chỉ mới 16 tuổi nhưng Quân đã cùng bạn trai gây ra khoảng 10 vụ cướp giật túi xách, điện thoại của người đi đường trên các địa bàn quận 3, quận 10 và quận Bình Thạnh.

Nguy hiểm đến tính mạng

Cá biệt có một số vụ việc thủ phạm hung hăng, chuẩn bị hung khí và sẵn sàng đoạt mạng nạn nhân. Tháng 1-2015, Nguyễn Thị Hiền (22 tuổi) dù đang mang bầu nhưng vẫn mang theo dao, giả bộ vào tiệm vàng Dũng Chi đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1 mua nữ trang. Lợi dụng lúc chủ tiệm loay hoay lấy vàng, “bà bầu” này đã kề dao vào cổ nạn nhân, uy hiếp. May mắn vợ chồng chủ nhà đã cùng “tác chiến”, khống chế được Hiền, giao nộp cho công an quận 1.

Hiện trường vụ hai cô gái trẻ đâm chết người giữa đường

Đôi khi không phải vì mục đích cướp của nhưng với bản tính hung hãn, nhiều người đã trở thành tội phạm chỉ trong tích tắc. Như vụ việc chấn động dư luận hồi cuối năm vừa qua, hai thiếu nữ đâm chết nam thanh niên tại vòng xoay Dân Chủ, phường 14, quận 3. Tối đó, trong lúc lưu thông trên đường, anh Võ Thanh Quang (25 tuổi) đã va quệt vào 2 cô gái. Trong lúc giải quyết vụ việc, một trong hai cô gái rút dao đâm anh Quang tử vong tại chỗ rồi lên xe bỏ chạy. Vụ việc được camera ghi nhận rất rõ ràng gây hoang mang cho người dân thành phố trong thời gian dài.

Lãnh đạo thành phố báo động

Báo cáo của ngành công an cho thấy những năm trở lại đây tội phạm có xu hướng manh động, phức tạp và biến tướng nhiều hơn. Loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, gây bức xúc nhất trong quần chúng là tội phạm cướp giật tài sản, cướp tài sản và trộm cắp tài sản, ngoài ra còn có mại dâm, án ma túy… Không chỉ trong phạm vi TP.HCM, những địa phương lân cận gần đây cũng xảy ra nhiều vụ án tương tự với tính chất phức tạp, nghiêm trọng không kém.

Trước tình hình đó, trong cuộc họp với đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 1hôm 28-2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đề nghị Công an TP.HCM tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm, tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ để tình hình tội phạm ở TP.HCM giảm ở mức thấp nhất.

Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong báo cáo tình hình tội phạm trên địa bàn TP tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

“Làm sao để thấy sự quyết tâm nỗ lực của tất cả lực lượng, cả bộ máy để làm cho TP bình yên… tôi tin rằng sau ba tháng nữa tội phạm sẽ giảm” – Bí thư kỳ vọng.

Đồng lòng, sáng nay (1-3), tại trụ sở UBND TP.HCM diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Vì tầm quan trọng của hội nghị, TP đã mời Chủ tịch UBND và trưởng Công an các quận, huyện đến tham dự. Trong cuộc họp này, chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã nêu cao quyết tâm thành phố “phải làm đến nơi đến chốn, để tội phạm không còn đất sống".

Người dân thành phố hành động

Trước quyết tâm thực hiện các chiến lược quyết liệt, khẩn trương chống tội phạm của các ban ngành, lãnh đạo thành phố, tin rằng tình hình an ninh sẽ sớm có bước tiến mới.

Tuy nhiên, đây không phải là công việc của một người, một tổ chức hay một ngành hữu quan mà cần có sự đồng lòng, hợp tác tích cực của tất cả người dân.

Vẻ đẹp bình an, phồn vinh của TP.HCM. Ảnh: CNN

Do đó, việc góp ý, xây dựng các phương án phòng, chống tội phạm từ người dân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trước mắt, một số giải pháp rất khả thi, hiệu quả đã được đề xuất như siết chặt quản lý lưu trú, nghiên cứu thành lập những nhóm “hiệp sĩ” đường phố, lập quỹ khen thưởng người dân chống tội phạm, nghiên cứu tái lập đội cảnh sát hình sự săn bắt cướp, gắn camera theo dõi an ninh, thiết lập đường dây nóng trực tiếp và thông suốt 24/24 để nhận tin báo tố giác tội phạm v.v…

Để cùng góp sức với chính quyền TP trong cuộc chiến chống tội phạm, PLO mong nhận được từ bạn đọc những sáng kiến, giải pháp, biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tội phạm trong đời sống thực tế. Những hiến kế, góp ý của bạn đọc sẽ được chúng tôi tổng hợp gửi tới các cơ quan hữu quan, để từ đó góp phần xây dựng thành phố của chúng ta sạch bóng tội phạm với môi trường sống thật sự bình an, không còn tình trạng "ra đường sợ cướp, về nhà sợ trộm" như hiện nay.

Mọi ý kiến góp ý xin gửi vào phần bình luận ngay dưới bài, xin trân trọng cảm ơn!

PLO

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/moi-ban-doc-hien-ke-giup-tphcm-chong-toi-pham-614855.html