Chớp thời cơ, vượt thách thức trong năm bản lề 2023

Năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 202-2025. Từ việc nhận diện đúng tình hình, thuận lợi, khó khăn, chủ động các kịch bản cho tăng trưởng, sẽ giúp chúng ta ứng phó linh hoạt, chớp thời cơ, vượt thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Minh Hiếu

TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Minh Hiếu

Năm 2022 vừa khép lại với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội. Những dấu hiệu hồi phục tích cực của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang mở ra những triển vọng lạc quan hơn về tăng trưởng của Thanh Hóa trong giai đoạn tới.

Mới hơn 1 năm trước, đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội đã kéo tụt tốc độ tăng trưởng của cả nước xuống còn 2,58% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. GRDP năm 2021 của Thanh Hóa không đạt được mục tiêu như kế hoạch đã đề ra (11% trở lên). Tuy nhiên mức tăng trưởng 8,85%, đứng thứ 5 cả nước, đã thể hiện nỗ lực tột bậc của Thanh Hóa trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ.

Với quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng, làm nền tảng vững chắc để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2020–2025, năm 2022 Thanh Hóa đề ra mục tiêu GRDP phải đạt 11,5% trở lên. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đánh giá sát đúng tình hình, xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp, vì vậy năm 2022 GRDP của Thanh Hóa vươn lên đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 50.099 tỷ đồng (vượt 69% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ). Ước có 3.731 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 24,4% kế hoạch. Du lịch có bước tăng trưởng ngoạn mục, toàn tỉnh ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch, gấp 3,2 lần năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2021. Chỉ số công nghiệp ước tăng 16,31% so cùng kỳ… Các chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; số đảng viên kết nạp mới đều vượt xa so kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt kết quả tích cực. Quốc phòng – an ninh được giữ vững.

Nhìn lại 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, để lại những hành trang và bài học quý báu giúp chúng ta bước vào giai đoạn mới của kế hoạch 5 năm 2021–2025 với thế và lực mới trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới. Đó là bài học về trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với bản lĩnh, trí tuệ cùng sự quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và cấp ủy, chính quyền các cấp. Sự chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phân tích để kịp thời xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả. Tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, khắc phục hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống… Phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường kỷ cương; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội…

Dự báo thời gian tới tình hình thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Thanh Hóa sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; một số dự án quy mô lớn chậm triển khai thực hiện do vướng mắc về thể chế, mặt bằng; khả năng khai thác một số nguồn lực giảm so với những năm trước; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường…

Những thành tựu đạt được trong 2 năm qua là tiền đề rất quan trọng, song vẫn còn rất nhiều thách thức để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Năm 2021, có 5 chỉ tiêu chưa đạt, là: Tốc độ tăng trưởng GRDP; Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP; GRDP bình quân đầu người; Huy động vốn đầu tư phát triển; Giảm tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2022, có 2 chỉ tiêu chưa đạt là: Huy động vốn đầu tư phát triển; Tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, một số chỉ tiêu cần sự nỗ lực lớn như GRDP phải duy trì đà tăng trưởng 11% trở lên trong 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025 để đạt được mục tiêu cả nhiệm kỳ là bình quân giai đoạn 11% trở lên. GRDP bình quân thu nhập đầu người phải có sự bứt phá để đạt 5.200 USD vào năm 2025. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội cần phải nỗ lực thì mới đạt được mục tiêu 750 nghìn tỷ đồng trở lên cho cả kế hoạch 5 năm.

Trong bối cảnh đó, cần nhận diện đúng cơ hội, cũng như những khó khăn, thách thức, dự báo được các kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động thích ứng với tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” hơn. Đó là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa tỉnh ta có bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.

Việt Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chop-thoi-co-vuot-thach-thuc-trong-nam-ban-le-2023/176315.htm