Chốt lịch thi tốt nghiệp THPT 2020 vào ngày 9-10/8

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ trình. Kỳ thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9-10/8.

Báo cáo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020 của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cuối tháng 5 nêu: "Chính phủ đã cơ bản thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT với cách thức cơ bản giữ ổn định như thi THPT quốc gia năm 2019".

Theo đó, kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày, từ 9-10/8 do Bộ GD&ĐT chủ trì, với yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Chính phủ giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc.

Kỳ thi năm 2020 tiếp tục được tổ chức có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó công tác thanh tra, kiểm tra được xác định góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của kỳ thi.

Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của “ba cấp” thanh tra, kiểm tra gồm thanh tra của Bộ GD&ĐT, thanh tra tỉnh và thanh tra thuộc sở GD&ĐT. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ GD&ĐT.

Năm nay, thí sinh sẽ làm ba bài thi bắt buộc gồm Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (mỗi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học 50 phút) hoặc Khoa học xã hội (mỗi môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân 50 phút).

Ảnh minh họa

Về công tác xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tiếp tục được tăng cường tự chủ, bảo đảm việc tuyển sinh diễn ra một cách trung thực, khách quan, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội.

Theo đó, các trường có nhiều lựa chọn phương thức để tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp, với các hình thức đa dạng, chủ động, tuân thủ theo quy chế.

Nếu các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thì cần đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy chế để kỳ thi diễn ra minh bạch, công bằng, đánh giá được năng lực cốt lõi của người học để có thể theo học ở bậc đại học.

Nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển theo các tổ hợp thì các trường có trách nhiệm giải trình về căn cứ xây dựng tổ hợp phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo.

Các trường cần công bố đề án tuyển sinh theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về đề án đó.

"Về cơ bản, hầu hết các trường (chỉ trừ nhóm trường nghệ thuật, mỹ thuật) sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để làm căn cứ xét tuyển", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, theo quy chế tuyển sinh năm 2020, thí sinh tiếp tục được đăng ký nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thí sinh được đăng ký xét tuyển sớm và được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần duy nhất trong thời gian quy định sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ thí sinh và các trường về cơ sở dữ liệu, quy trình lọc ảo, xây dựng phần mềm xét tuyển chung nhằm hỗ trợ các trường hạn chế số lượng thí sinh “ảo”. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe tiếp tục được quy định trong năm nay.

Bảo Trâm (t/h)

Theo ANTT/NĐT

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/chot-lich-thi-tot-nghiep-thpt-2020-vao-ngay-9-10-8-294033.htm