Chốt phương án đổi tên 'Bưu điện Hà Nội', báo cáo trước 15/11

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu tập đoàn VNPT và tổng công ty Bưu điện làm việc, thỏa thuận với nhau về việc thay biển tên 'Bưu điện Hà Nội' thành 'VNPT Hà Nội', báo cáo lên Bộ trước ngày 15/11.

Việc thay biển tên "Bưu điện Hà Nội" thành "VNPT Hà Nội" gần đây nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Vốn dĩ, việc thay biển tên đúng với tên đơn vị quản lý, sử dụng tòa nhà là động thái bình thường, song nó gắn liền với biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, gây tiếc nuối cho nhiều người dân.

Về việc này, ngày 7/11, bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã chỉ đạo tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VNPT Hà Nội và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam làm việc, thỏa thuận và báo cáo Bộ trưởng kết quả làm việc trong nửa đầu tháng 11/2018.

Liên quan đến vụ việc, đại diện VNPT Hà Nội cho hay, tấm biển Bưu Điện Hà Nội được lắp đặt từ 1997, sau gần 20 năm, do hỏng hóc, không thể sửa chữa nên thay biển mới, đúng với tên đơn vị quản lý, sử dụng tòa nhà. Năm 1987, Bưu điện Hà Nội được thành lập với trụ sở gồm 2 tòa nhà.

Tòa nhà A ở địa chỉ số 1 phố Lê Thạch (giáp với vườn hoa Lý Thái Tổ) và tòa nhà B - nhà 5 tầng, địa chỉ 75 phố Đinh Tiên Hoàng.

Trong đó tòa nhà A do Pháp xây dựng từ năm 1901, đã được hơn 100 năm tuổi, gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của ngành Bưu điện.

Tòa nhà B - nhà 5 tầng ở địa chỉ 75 phố Đinh Tiên Hoàng được xây dựng và khánh thành vào 1976-1978, gắn liền với chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà.

Năm 1997, Bưu điện Hà Nội lắp đặt biển chữ Bưu Điện Hà Nội phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra Hồ Hoàn Kiếm là biển tên của đơn vị.

Sau khi chia tách vào năm 2007, Bưu điện Hà Nội quản lý tòa nhà A còn VNPT Hà Nội quản lý tòa nhà B, nơi có đồng hồ và tấm biển Bưu Điện Hà Nội.

Khi tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác tòa nhà B cùng các công trình phụ trợ, VNPT Hà Nội vẫn duy trì hoạt động ổn định của chiếc đồng hồ và giữ nguyên tấm biển Bưu Điện Hà Nội.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm sử dụng, biển bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn nên VNPT Hà Nội thay biển mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị.

Tấm biển Bưu điện Hà Nội cũ.

Tấm biển mới VNPT Hà Nội gây nhiều tranh cãi

Cái tên mới "VNPT Hà Nội" khiến cho người dân Thủ đô và du khách cảm thấy lạ lẫm vì không còn thấy chữ Bưu điện Hà Nội quen thuộc và gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô trên nóc của tòa nhà.

Ngày 6/11, ông Tô Văn Động, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, các phòng chuyên môn của sở đang tập hợp ý kiến để làm báo cáo gửi UBND thành phố kiến nghị một số vấn đề, bao gồm việc xem xét đổi lại biển tên "Bưu điện Hà Nội" trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng như trước đây.

"Mặc dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần. Nhưng cái tên "Bưu điện Hà Nội" chưa từng thay đổi", sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay.

Được biết, tháng 10/2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, không thể sửa chữa được nên đơn vị viễn thông quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị.

Đến tháng 1/2016, ba tháng sau khi tòa nhà thay đổi biển tên, bộ Thông tin Truyền thông đã có văn bản gửi tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

"Sự thay đổi gây dư luận không tốt trong nhân dân, vì từ lâu đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Biểu tượng đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật", văn bản nêu rõ.

Vì vậy, bộ Thông tin Truyền thông đề nghị Tập đoàn đổi lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội như trước đây.

Là người có nhiều công trình khảo cứu về văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng doanh nghiệp đổi tên tòa nhà mình đang quản lý theo đúng thương hiệu là việc bình thường.

Tuy nhiên, công trình này lại ở vị trí đặc biệt, chữ "Bưu điện Hà Nội" quen thuộc từ hàng chục năm qua với người dân nên sự thay đổi không nhận được đồng thuận.

"Bưu điện trung tâm được coi cột mốc để tính cây số từ Hà Nội đến các nơi khác. Xóa đi một hình ảnh quen thuộc, đặt biển tên doanh nghiệp vào dễ làm người ta cảm giác chướng mắt. Tôi nghĩ đơn vị quản lý có thể đặt biển tên của mình ở một vị trí khác, có thể thấp hơn một chút, vẫn đủ nhận diện thương hiệu thì hay hơn", ông Tiến nêu ý kiến cá nhân.

Từ đầu năm 2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội.

Chính vì vậy, sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình này là Bưu điện Hà Nội.

Minh Anh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chot-phuong-an-doi-ten-buu-dien-ha-noi-bao-cao-truoc-1511-a410067.html