Chris Evans đập nát hình tượng Đội trưởng Mỹ

Kinh phí 200 triệu USD và hai tài tử Ryan Gosling, Chris Evans không giúp 'The Gray Man' trở nên hấp dẫn. Kịch bản phim cũ, đi vào lối mòn.

 Hình ảnh phim The Gray Man.

Hình ảnh phim The Gray Man.

Thể loại: Hành động, giật gân
Đạo diễn: Anthony Russo, Joe Russo
Diễn viên: Ryan Gosling, Chris Evans, Ana de Armas
Đánh giá: 6/10

Sierra Six (Ryan Gosling) có lẽ là người hâm mộ James Bond cuồng nhiệt. Anh chấp nhận trải qua huấn luyện khắc nghiệt để trở thành đặc vụ CIA hàng đầu.

Six điển trai và có gu ăn mặc. Khi đánh nhau với kẻ thù, anh vẫn khoác lên người bộ vest lịch lãm. Thậm chí, bí danh của nhân vật chỉ thua huyền thoại 007 một đơn vị.

Thông qua Six, anh em đạo diễn nhà Russo - nổi tiếng với Avengers: Infinity War (2018) và Avengers: Endgame (2019) - muốn biến The Gray Man (Tựa Việt: Đặc vụ vô hình) thành cuốn phim hình sự đậm mùi giật gân nhưng không thiếu cảnh hành động.

Đáng tiếc, kết quả chưa được như mong đợi. Phần kịch bản kém sáng tạo khiến tác phẩm chỉ như bản chắp vá từ rất nhiều câu chuyện gián điệp, tình báo khác.

Kịch bản kém gay cấn

Chuyện phim bắt đầu khi Six nhận một nhiệm vụ tại Bangkok theo sự phân công của tổ chức – đứng đầu là Denny (Regé-Jean Page). Với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dặn, nhân vật không gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu.

Tuy nhiên, mọi thứ xoay 180 độ khi Six vô tình phát hiện nhiều thông tin quan trọng, liên quan đến loạt bí mật Denny luôn che giấu khiến anh quyết định thay đổi kế hoạch vào phút chót.

Không chỉ cắt đứt liên lạc, Six còn tìm cách thu thập chứng cứ để lật tẩy tổ chức, dưới sự truy bắt gắt gao của Lloyd Hansen (Chris Evans) – tay sai do Danny phái tới.

Chuyện phim xoay quanh hành trình của nhân vật Six (Ryan Gosling), một đặc vụ CIA.

Có thể nói cốt truyện The Gray Man đơn giản đến bất ngờ. Phim tuân thủ mô-típ quen thuộc của thể loại điệp viên, đưa nhân vật đi qua nhiều thử thách rồi khép lại bằng cái kết có thể đoán ra từ đầu.

Thực tế, kịch bản vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mark Greaney phát hành năm 2009. Các nhà sản xuất từng lên kế hoạch thực hiện dự án từ năm 2011 - James Gray đạo diễn, Brad Pitt đóng chính – nhưng nhanh chóng bị hủy bỏ.

Sau đó, một phiên bản nữ - Christopher McQuarrie đạo diễn, Charlize Theron đóng chính - được xem xét rồi cũng ngưng vô thời hạn.

Đến khi bản phim 2022 ra đời, câu chuyện trở nên lỗi thời.

Cách ê-kíp nhào nặn hình mẫu Six khá cũ kỹ. Ngoài James Bond, nhân vật gợi nhớ nhiều đồng nghiệp khác như đặc vụ Ethan Hunt của loạt phim Mission Impossible, hay Jason Borne từ thương hiệu Bourne.

Trong phim, Six có biệt danh “sát thủ vô hình” nhưng gần như lộ diện ở mọi tình huống. Đôi lúc anh trở nên bất cẩn khi để mình rơi vào bẫy kẻ thù. Thậm chí ngay từ những cảnh đầu, đối thủ dễ dàng nhận ra đặc vụ và gọi tên anh một cách chính xác.

Cách xây dựng nhân vật Six không có nhiều sự mới mẻ, thú vị.

Để tạo kịch tính, các biên kịch thêm thắt một vài tình huống nhưng không mới. Chẳng hạn, sự xuất hiện của nhân vật Dani (Ana de Armas) – cùng trong CIA với Six – có hơi hướm các Bond Girl trong phim về 007. Bản thân nữ diễn viên sinh năm 1988 cũng từng xuất hiện trong No Time to Die (2021) nên dễ gây liên tưởng.

Hay như mối quan hệ giữa Six với một cô bé tên Claire (Julia Butters), được xây dựng để tạo cảm xúc nhưng không thành công. Đôi chỗ khiến phim trở nên lê thê và hoàn toàn có thể lược bớt.

Ryan Gosling đối đầu Chris Evans

Ngay từ khi công bố, dự án nhanh chóng gây chú ý vì có sự góp mặt của Ryan Gosling và Chris Evans. Dù trước đó cả hai từng đóng khá nhiều phim hành động lẫn hình sự, đây là lần đầu tiên hai tài tử đối đầu trực diện trên màn bạc.

Hóa thân Sierra Six, ngôi sao La La Land vẫn tạo được sự thu hút với gương mặt lạnh lùng, điển trai. Anh thể hiện tốt các cảnh hành động lẫn tâm lý. Đôi lúc, Gosling khiến người xem liên tưởng đến vai diễn nổi tiếng anh từng đóng trong Drive (2011) nhưng độ hồi hộp, ghê rợn đều thua xa.

Với một kịch bản nhiều điểm trừ, tài tử Canada vẫn chưa thể khiến nhân vật trở nên nổi bật. Six không được phát triển rõ nét mà giữ nguyên một sắc thái từ đầu đến cuối. Rốt cuộc, điệp vụ CIA vẫn chỉ là một anh chàng thích sử dụng súng ống, đánh đấm hơn là tư duy, động não.

Trong khi đó, Chris Evans cũng không khá hơn. Ban đầu, anh được cân nhắc cho nhân vật chính Six nhưng lại từ chối để đóng vai ác Lloyd Hansen.

Chris Evans nhường vai chính cho Ryan Gosling để đóng vai ác.

Đây không phải là lần đầu tài tử sinh năm 1981 đóng tuyến phản diện. Trước đó, anh từng để lại nhiều ấn tượng dù chỉ tham gia một vai phụ, ít đất diễn trong phim trinh thám Knives Out (2019).

So với lần xuất hiện ba năm trước, Chris Evans thể hiện phong độ kém hẳn. Trong lúc tạm ngưng đóng phim cho Marvel, tài tử quyết tâm đập tan hình tượng “đội trưởng Mỹ” bằng cách gắn lên gương mặt một bộ ria giả.

Điều đó khiến anh không trở nên đáng sợ mà lại có phần hài hước. Ngôi sao Captain America trông chẳng khác phiên bản trẻ tuổi của Steve Martin, bước ra từ phim trinh thám hài The Pink Panther (2006).

Khi đứng cạnh Six, Lloyd Hansen chưa đủ độ thông minh và độc ác để trở thành đối thủ xứng tầm. Sự đơn giản của nhân vật cũng là yếu tố khiến phim giảm kịch tính.

Anh em nhà Russo xuống tay

Năm ngoái, nền tảng trực tuyến này từng “chơi lớn” khi đổ tiền thực hiện bom tấn Red Notice quy tụ ba ngôi sao Dwayne Johnson, Ryan Reynolds và Gal Gadot. Năm nay, hãng tái lập thành tích khi đầu tư The Gray Man với số tiền tương tự.

Mức kinh phí lên đến 200 triệu USD giúp cả hai đồng giữ kỷ lục là phim đắt đỏ nhất nền tảng này từng thực hiện. Đặc biệt, hãng còn lôi kéo được anh em Russo – gồm Anthony Russo và Joe Russo – cầm trịch dự án.

Hai nhà làm phim người Mỹ từng khẳng định được vị trí nhất định trong lòng người yêu điện ảnh, nhất là sau thành công của loạt phim siêu anh hùng thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

Một vài hình ảnh trong quá trình làm phim.

Lần này, anh em Russo lại gây thất vọng với The Gray Man. Bộ đôi vẫn tuân thủ công thức cũ kỹ của phim bom tấn Hollywood, đưa khán giả đi từ bối cảnh này đến bối cảnh khác.

Song, các cảnh hành động và hội thoại được đan xen không hợp lý khiến tác phẩm trở nên kém thu hút và dài dòng (thời lượng 129 phút).

Dán nhãn PG-13 (không dành cho người dưới 13 tuổi), phim không có quá nhiều cảnh máu me, bạo lực. Vì thế, những phân đoạn đánh đấm thiếu độ “ép phê”. Các cảnh cháy nổ thì chưa thực sự hoành tráng như số tiền quảng cáo.

Sau khi ra mắt, tác phẩm nhận phản hồi không tốt từ giới phê bình lẫn khán giả, bị xếp vào loại “thối” trên Rotten Tomatoes với 50% bình chọn và đạt 6.7/10 điểm trên IMDb.

Phần lớn ý kiến nhận xét chất lượng phim chỉ ở mức trung bình. Sự góp mặt của Ryan Gosling và Chris Evans không giúp tác phẩm khá hơn. Thậm chí, đây còn là bước lùi trong sự nghiệp của cả hai tài tử.

Những năm gần đây, doanh số tăng vọt là một trong những yếu tố giúp nhà sản xuất tự tin đầu tư nhiều tiền hơn trong việc sản xuất phim, cả mảng điện ảnh lẫn series.

Hãng khá tâm huyết và có chiến lược trong việc lôi kéo đạo diễn tên tuổi, các ngôi sao hàng đầu về đóng phim. Thế nhưng số tiền không thể nói lên kết quả.

Chất lượng của Red NoticeThe Gray Man là minh chứng cho thấy nền tảng chưa thể tiến xa hơn.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gray-man-buoc-lui-cua-ryan-gosling-va-chris-evans-post1338342.html