'Chú chuột đầu bếp'- Câu chuyện ý nghĩa về hành trình theo đuổi ước mơ

'Chú chuột đầu bếp' là câu chuyện nằm trong bộ truyện được chuyển thể từ những siêu phẩm phim hoạt hình của Disney – Pixar. Câu chuyện này cũng hài hước, dí dỏm, đáng yêu như những câu chuyện khác của Disney nhưng điều đặc biệt là nó không chỉ đem đến niềm vui cho con trẻ mà nó thực sự thấm thía với những ai đã, đang và sẽ theo đuổi ước mơ của mình.

Nội dung câu chuyện khá ấn tượng được thể hiện trong 12 chương. Xuyên suốt 128 trang sách là hành trình để trở thành đầu bếp của Remy. Remy là một chú chuột có khả năng đặc biệt về khứu giác, vị giác và nhất là rất thích nấu ăn. Sau một biến cố bất ngờ, gia đình của chú bị buộc phải rời khỏi chỗ trú ẩn, Remy bị tách khỏi bầy và cuối cùng lưu lạc đến đường cống của thành phố Paris trong sự lạnh lẽo, sợ hãi. Và tại đây, cuộc đời của Remy đã bước sang một trang mới.

Một cách rất tình cờ, Remy được tiếp cận cuốn sách dạy nấu ăn của Auguste Gusteau – một đầu bếp nổi tiếng bậc nhất Pari vừa qua đời và lúc ấy Remy bỗng mơ trở thành một đầu bếp. Chú chuột nhỏ bé ấy đã tưởng tượng ra Gusteau đang hiện diện, đang nói chuyện cùng mình và tất nhiên là Remy nghe theo lời khuyên của ông ấy: “Hãy đứng lên và nhìn quanh xem”. Và rồi những điều Remy thấy đầu tiên là một Pari đầy ánh sáng, tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà và quan trọng nhất là nhà hàng của Gusteau.

Tại căn bếp của nhà hàng của nhà hàng, chú chuột ấy đã giúp đỡ anh chàng dọn bếp Linguini trở thành đầu bếp, bếp trưởng rồi vực dậy được nhà hàng đang mất dần thương hiệu. Tất nhiên, trong hành trình ấy Remy gặp không ít thử thách, nhất là những người xấu bụng cố tình tìm kiếm lí do vì sao Linguini lại có thể làm được điều kì diệu.

Điều gì đến sẽ phải đến! Sự thật bị phơi bày. Các thực khách không chấp nhận có con chuột xuất hiện ở cái nơi mà họ phải chi tiền để thưởng thức những món ăn ngon. Nhà hàng Gusteau bị buộc phải đóng cửa.

Nhưng câu chuyện đã có một cái kết thật đẹp: “Remy, Linguini và bạn gái của anh ta - Colette mở một tiệm ăn nhỏ. Linguini phục vụ bàn, còn Colette và Remy thì nấu ăn. Ai cũng đều có phần: một tiệm ăn tí hon phía sau dành cho những chú chuột, và một tiệm ăn lớn hơn dành cho người. Tiệm ăn là gì nhỉ? Dĩ nhiên là Le Ratatouille! Nó đã trở thành một trong những nơi nổi tiếng nhất thành phố”.

Thế đấy, câu chuyện đã đưa các bạn nhỏ đến với một chuyến phiêu lưu rất kì thú, từ một trang trại đến những chiếc cống ngầm nồng nặc mùi hôi, từ những dòng sông đến nhà hàng sang trọng, từ khu trọ ổ chuột đến ngôi biệt thự với những tiện nghi cao cấp. Ở đó người và chuột hiểu có thể giao tiếp với nhau và nhiều khi chú chuột có thể điều khiển con người.

Câu chuyện rất vui nhộn, dễ thương ấy cũng đã đưa các bạn nhỏ đến với hương vị của những món ăn đầy sự hấp dẫn và quan trọng hơn là tạo nên một sự hứng khởi trong lòng các bạn ấy, rằng: Remy- một chú chuột có thể trở thành siêu đầu bếp thì chắc chắn mình sẽ làm được nhiều điều kì diệu. Chúng tôi tin nhiều bạn nhỏ sẽ suy nghĩ như thế khi đọc cuốn truyện này! Và đó chính là giá trị nhân văn sâu sắc của câu chuyện này.

Tuy nhiên, giá trị mà cuốn sách nhỏ này đưa lại không chỉ có vậy. Cuốn sách dành cho trẻ em những chúng lại thực sự thấm thía với những ai “ từng là trẻ em”. Trải dài hơn một trăm trang sách là những câu văn ngắn, dễ đọc những lại giàu giá trị biểu cảm. Vì thế mà nó cũng chứa đựng nhiều lời nhắn gửi sâu sắc.

Đó là hãy biết sống đến cùng với ước mơ của mình. Chú chuột Remy có những lúc đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, có lúc là cảm giác cô đơn bủa vây, có lúc là cảm giác sợ hãi khi thất lạc gia đình... nhưng Remy vẫn luôn luôn nỗ lực đến cùng như lời cậu ấy nói với chuột bố: “Con muốn sáng tạo. Con muốn đóng góp thứ gì đó cho thế giới”. Để rồi chú chuột dũng cảm ấy đã làm được như lời của Gusteau “Ai cũng có thể nấu ăn”. Và tất nhiên là chuột bố vô cùng hạnh phúc: “bố không thể làm những điều con vừa làm. Bố rất tự hào về con, con trai”.

Đó là hãy biết hợp tác để thành công. Trong câu chuyện chúng ta thấy sự hợp tác kì lạ giữa Remy và Linguini. Chính sự cộng tác, giúp đỡ nhau tuyệt vời đó đã đem đến sự thành công cho cả hai bên. Chẳng phải là cuộc sống của con người không thể thiếu sự hợp tác hay sao?

Đó là hãy biết chớp lấy cơ hội. Đó là khi Linguini được yêu cầu phải “sữa chữa” món súp dở tệ của mình thì Remy phải nhanh chóng nêm nêm, rắc rắc các loại gia vị và tất nhiên nhờ lời động viên của của Gusteau:“Cậu còn chờ gì nữa? Cậu biết cách chữa món súp này cơ mà. Đây là cơ hội của cậu” mà món súp ấy đã thành công. Linguini có cơ hội ở lại nhà hàng, Remy có cơ hội được sống, được theo đuổi giấc mơ. Trong cuộc đời của mỗi người, đôi khi cơ hội đến không nhiều nên việc chớp lấy cơ hội là điều nên làm và phải làm.

Đó là hãy trung thực. Khi biết không thể giấu sự thật về Remy, Linguini xin lỗi chú và nói cho các nhân viên biết sự thật. Lúc đó toàn bộ đội ngũ đầu bếp bỏ đi, họ nghĩ rằng Linguini bị điên nhưng Linguini muốn được trở về là chính mình. Chúng tôi nghĩ, dám sống đúng với con người mình, dám chịu trách trách nhiệm về những quyết định mình đưa ra là một trong những tiêu chí để đánh giá về nhân cách của một con người. Khi có được những điều mà chúng tôi đã nói ở trên, bạn có thể sẽ chạm đến thành công và theo đuổi được ước mơ của mình.

Ngoài ra còn là lời nhắn gửi bạn hãy biết sống chậm: “Những điều tuyệt vời luôn ở xung quanh bạn. Chỉ cần bạn dừng lại và thưởng thức chúng”. Một điều tưởng chừng như rất đơn giản những đôi khi giữa cuộc sống bộn bề, ta lại vô tình lãng quên.

Cuối cùng, là thông điệp đầy sự khích lệ: “Ai cũng có thể nấu ăn”, “Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ vĩ đại, nhưng một nghệ sĩ vĩ đại có thể đến từ bất cứ nơi đâu”. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất phấn chấn khi đọc những điều này.

Hãy đọc “Chú chuột đầu bếp”, bạn sẽ không cảm thấy tiếc khi đã dành thời gian đọc nó. Chúng tôi nói thật đấy! Đó thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chu-chuot-dau-bep-cau-chuyen-y-nghia-ve-hanh-trinh-theo-duoi-uoc-mo-3957463-c.html