Chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn kinh phí xử lý môi trường

Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có nguồn kinh phí để xử lý những tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời phải đưa ra các giải pháp xử lý bụi và khí thải.

Đây là những quy định của UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan trong việc thắt chặt quản lý về ô nhiễm môi trường.

Năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra gần 2.600 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước với tổng số tiền phạt là 18,4 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng.

Quá trình rà soát, kiểm tra, các đơn vị, khu vực gây ô nhiễm môi trường của Sở TN&MT tại 21/30 quận, huyện, thị xã cho thấy có 187 vị trí, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Toàn TP hiện nay chỉ có 18 KCN với tổng diện tích quy hoạch gần 3.441ha. Thực tế cho thấy chỉ có một nửa số KCN ở Hà Nội có nhà máy xử lý nước thải riêng.

Tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn tình trạng nhà xưởng sản xuất tự phát trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: G.B.

Trong năm 2018, Sở TN&MT thành phố sẽ triển khai rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các điểm đen, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.

Hiện tại, TP Hà Nội đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá lớn nhất cả nước ở huyện Thanh Trì, với công suất 270.000m3/ngày - đêm, dự kiến thu gom nước thải trên diện tích 4.874ha ở các quận Ba Đình, Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và Thanh Trì. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 16.200 tỷ đồng, bao gồm 85% vốn ODA của Nhật Bản và 15% vốn đối ứng của TP Hà Nội. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Thành phố đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cung cấp nước sạch, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch năm 2019 đạt 80%, năm 2020 đạt 100%.

Thời gian tới, TP tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với chất thải rắn, sẽ triển khai đồng bộ và rà soát điều chỉnh cục bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô. Trong đó, lựa chọn công nghệ tái chế, thu hồi là công nghệ chủ đạo, kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các khu xử lý chất thải rắn.

Đối với xử lý ô nhiễm nước và cấp nước sạch, trước mắt TP sẽ tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý ô nhiễm các sông, hồ; tăng cường kiểm tra, xử lý và yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề…

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT tập trung rà soát quy trình lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn TP.

Theo đó, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư dự án phải được quy định rõ ràng trong từng giai đoạn thực hiện dự án, từ thi công xây dựng đến vận hành dự án.

Cụ thể, chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn kinh phí để áp dụng các biện pháp giảm thiểu và xử lý những tác động tiêu cực đến môi trường phát sinh trong quá trình triển khai dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân xung quanh khu vực dự án, gồm nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Chủ dự án sản xuất công nghiệp còn phải thực hiện trách nhiệm về kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Để xử lý ô nhiễm không khí, TP sẽ tăng cường công tác thẩm định cấp phép đưa các giải pháp xử lý bụi và khí thải là một trong những yêu cầu bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chu-dau-tu-phai-dam-bao-nguon-kinh-phi-xu-ly-moi-truong-127080.html